17:16 21/11/2015
Đã hết 1 năm, theo thống kê của những người làm công tác bắt truy nã thì tính đến ngày 15-11-2015 số đối tượng truy nã (ĐTTN) do các lực lượng CATP Hải Phòng bắt, vận động, đầu thú, thanh loại là 335 đối tượng; so với năm 2014 tăng 2 đối tượng (bằng 0,6%); trong đó số ĐTTN thường là 194, số ĐTTN nguy hiểm 96, số ĐTTN đặc biệt nguy hiểm 45; tổng số ĐTTN cuối kỳ giảm so với đầu kỳ là 66 đối tượng, bằng 11%. Để có kết quả đó chính là do sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của CA các đơn vị, địa phương trên mặt trận truy bắt ĐTTN, mà “đầu tàu” là tập thể CBCS Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm CATP (PC52). Riêng Phòng PC52 trong năm 2015 đã bắt, vận động đầu thú, thanh loại tổng số 59 đối tượng, trong đó số ĐTTN nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm là 38 đối tượng. Những năm gần đây, mặc dù số vụ phạm pháp hình sự trên địa bàn thành phố có xu hướng giảm nhưng diễn biến vẫn phức tạp. Nhiều đối tượng sau khi gây án nhanh chóng bỏ trốn, Cơ quan điều tra phải ra QĐTN. Như những con thú cùng đường, nhiều đối tượng sẵn sàng chống trả lại lực lượng công an khi bị vây bắt. Bởi vậy, mặt trận bắt truy nã vẫn luôn gian nan và nóng bỏng đối với người đi săn những kẻ bỏ trốn. C hỉ nói riêng về chuyên án truy xét, bắt ĐTTN đặc biệt nguy hiểm Chung “ôn” (tức Trần Văn Chung, sinh 1972, ở tập thể Cảng, phường Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền) mới thấy hết mọi khó khăn phức tạp của công việc này. Năm 2005, Chung “ôn” và đồng bọn đã dùng hung khí đâm thiếu tá Bùi Tiến Tường - Phó trưởng CAP Hùng Vương, quận Hồng Bàng, khi đồng chí đến xử lý can ngăn 2 nhóm đối tượng đang đánh nhau, khiến đồng chí hy sinh. Sau khi gây án, Chung được đồng bọn đưa ra Móng Cái, Quảng Ninh rồi bỏ trốn sang Trung Quốc, đến tận đặc khu hành chính Hồng Kông ẩn náu. Tại đây, hắn đi làm thuê và vẫn liên lạc về với gia đình, đồng bọn. Hơn 8 năm lẩn trốn ở nước ngoài, đến đầu năm 2014, Chung về Việt Nam nhưng không ở Hải Phòng mà đến tá túc tại nhà một đàn anh ở khu vực gần cầu Bình, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Chung đã được đàn anh bao bọc đủ thứ, rất tin tưởng và trang bị cho cả súng để hắn chuyên thực hiện việc đi đòi nợ thuê. Việc bắt Chung “ôn” là đỉnh cao của việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ của Ban chuyên án từ điều tra cơ bản về đối tượng, vận động quần chúng nhân dân cung cấp thông tin, phối hợp áp dụng các biện pháp trinh sát, thu thập thông tin qua cơ sở, kiên trì nghiên cứu, tích lũy thông tin, chọn thời điểm phá án thích hợp… Đến đầu tháng 5-2015, nhận được thông tin Chung vào Đắk Lắk, Ban chuyên án đã cử tổ công tác đón lõng bắt giữ hắn. Công tác bắt truy nã có thể nói ngày càng khó khăn bởi sự xảo quyệt của những kẻ bỏ trốn. Quá trình đào tẩu, các ĐTTN tìm mọi cách hợp lý hóa nhân thân, lai lịch để trốn kỹ, trốn sâu, trốn xa với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó lường. Không hiếm lần lãnh đạo Phòng PC52 như các đồng chí đại tá Đào Đình Hưng, Nguyễn Trường Tam “xung trận”: trực tiếp đi cơ sở thu thập tài liệu, vào vai trinh sát nắm thông tin, tham gia truy bắt… Bởi việc bắt truy nã ngày càng khó khăn hơn, đối tượng không chỉ tinh ranh mà nhiều tên “ăn cơm tù” chuyên nghiệp lâu năm đã tự kiến tạo cho bản thân và đồng bọn những cách thức ẩn náu. Do đó, là những người chinh chiến lâu năm trong ngành công an, phát huy những kinh nghiệm phẩm chất của người có nghề điều tra truy xét và sự say mê, tận tụy với công việc họ sẵn sàng đi tiên phong dìu dắt lớp trẻ. Còn nhớ dịp tháng 5-2015, thượng tá Nguyễn Hồng Nam - Phó trưởng Phòng PC52 - cũng đích thân dẫn đầu một tổ công tác đi miền Nam. 3 ngày tổ công tác đi xuyên qua 6 tỉnh, thành từ Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu đến Đồng Tháp mà vẫn chưa “vồ” được đối tượng nào. Mặc dù ở nhà khi lên kế hoạch truy bắt, các thông tin dữ liệu gần như đã đầy đủ, kế hoạch phương án cũng đã trình duyệt rõ ràng, thế nhưng va vào thực tế thì lại như “đáy bể mò kim”; hoặc giả đối tượng quá khôn ngoan gian trá đánh hơi thấy nguy hiểm tìm cách lẩn trốn nên mấy ngày săn lùng của anh em trở thành công cốc. Bước chân của người chiến sỹ tầm nã vì thế nặng nề hơn, song mọi “ăng-ten”, khả năng nắm bắt thông tin của họ dù ở đâu cũng vẫn giương lên “bắt sóng”. Ở vào ngày thứ 4, trinh sát trong tổ công tác nhận được thông tin nhà đối tượng Nguyễn Dương Thọ, sinh 1958 có giỗ trọng. Thọ là tên cướp cuối cùng trong nhóm 4 tên đã gây ra vụ giết người, cướp tài sản năm 1983, trước khi bỏ trốn ở xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, bị Cơ quan CSĐT - CATP ra QĐTN. Thọ trốn sâu, trốn xa ẩn kỹ suốt 32 năm qua, anh em Phòng PC52 đã xác lập chuyên án 515.G nhiều lần truy bắt nhưng đều vồ hụt. Nhận được thông tin nhà Thọ có giỗ thể nào hắn cũng về, tổ công tác đã phối hợp với công an địa phương rà soát, xác minh tại 3 xã Vụ Bổn, Eauy và Eakly thuộc huyện Krông Pắr, tỉnh Đắk Lắk. Địa bàn 3 xã rất rộng, dân số trên 60.000 dân, lại cách TP.Buôn Mê Thuột hơn 130km, địa hình đồi núi, đi lại rất khó khăn. Tổ công tác và lực lượng công an 3 xã đã phải tiến hành sàng lọc hàng nghìn người nam giới gốc Bắc, trong độ tuổi từ 45-65 mới tìm ra Nguyễn Dương Thọ, và phải thêm 1 đêm trinh sát mắc võng nằm trong rừng mật phục mặc muỗi đốt, vắt cắn. Cuối cùng đến đêm 18-5-2015 thì bắt được Thọ khi hắn vừa ăn giỗ xong… Trong năm 2015, PC52 - Công an Hải Phòng đã xác lập và phá 14 chuyên án, bắt an toàn 14 ĐTTN đặc biệt nguy hiểm. Đó là Nguyễn Ngọc Lý, sinh 1966, ở xã Vĩnh Long, cùng huyện Vĩnh Bảo là đối tượng đã đâm chết anh Vũ Văn Hùng, sinh 1962, ở khu tập thể Thái Phiên, quận Ngô Quyền, sau 18 năm bỏ trốn đã bị sa lưới ở Móng Cái, Quảng Ninh. Đối tượng trốn truy nã đã 20 năm tên Vũ Hữu Ngoan, sinh 1968, ở thôn Tĩnh Hải, xã Hòa Nghĩa, huyện Kiến Thụy về tội “Cướp tài sản” cũng đã bị bắt gọn tại một tỉnh phía Bắc. Sau gần 20 năm bỏ trốn lòng vòng quanh đất nước, cuối cùng ngày 6-8-2015 vừa qua, cặp vợ chồng lừa đảo Nguyễn Văn Bình sinh 1960 và Bùi Thị Phượng sinh 1959, ĐKNKTT 36/20 Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân đã bị các trinh sát Đội 2 Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm CATP bắt giữ theo QĐTN của CAQ Lê Chân. Hắn là Đồng Trường Giang, sinh 1972, có hộ khẩu ở phố Lê Lai, phường Cầu Tre, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng, một thứ lưu manh chuyên nghiệp với nhiều tiền án tiền sự, một tên tội phạm xuyên quốc gia, khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam đâu đâu cũng in dấu vết tội lỗi của hắn sau khi gây án ở Tây Nguyên mò về quê nhà đã bị bắt giữ.
Trong số những lần “xung trận” kể trên thì chuyên án bắt giữ ĐTTN đặc biệt nguy hiểm Nguyễn Văn Ót, sinh 1976, ở thôn Lê Xá, xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy về tội “Giết người” cũng để lại nhiều ấn tượng với sự công phu, cầu kỳ và kiên trì hiếm thấy của các trinh sát. Khoảng 19h30` ngày 28-4-1993, Ót cùng một nhóm bạn rủ nhau đến xóm Ấp Mới, xã Lê Xá chơi và xảy ra mâu thuẫn với một nhóm khác. Quá trình đánh nhau, Ót dùng kiếm đâm vào ngực anh Cao Văn Úy khiến anh tử vong. Sau một thời gian tiến hành rà soát các mối quan hệ, trong đó tập trung vào gia đình, người thân, bạn bè của Ót ở quê nhà, trinh sát Phòng PC52 đã xác định đối tượng có khả năng lẩn trốn tại khu vực huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Triển khai áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, đồng thời tổ chức xác minh, khoanh vùng nơi đối tượng lẩn trốn, đến ngày 5-2-2015, trinh sát đã tóm gọn được Ót khi hắn ta đang lẩn trốn tại xã Yên Sơn, huyện Lục Nam. Ót đã bị bắt sau 22 năm lẩn trốn. Suốt dặm dài đất nước, từ địa đầu Móng Cái tới mũi Cà Mau, dù nắng lửa trưa hè miền Trung, đi xuyên vào tâm các cơn bão hay đội mưa gió giữa những đêm dài giá buốt ở nơi biên ải phía Bắc đã in dấu chân của người chiến sỹ tầm nã trên khắp nẻo đường với biết bao khúc quanh gian nan, những dặm trường vất vả, hiểm nguy quyết bắt đối tượng bỏ trốn về quy án, trả lại công bằng cho cuộc sống, cho lẽ phải trên đời. XUÂN NGỌC |
20:43 02/01/2025
18:43 02/01/2025
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh
CATP Hải Phòng chủ động bảo đảm an toàn Lễ Giáng sinh năm 2024