14:59 18/02/2017
Những tưởng mây của trời là thứ gì đó khó nắm bắt, không thể chạm vào, ấy vậy mà có những nơi ta cảm giác như có thể ôm mây vào lòng đắm chìm và vùng vẫy trong nó - cái cảm giác đó thật khó diễn tả. Chính vì vậy, mỗi dịp vào đông, bất chấp cái giá lạnh của vùng cao, dân du lịch “bụi” lại hò nhau đi… “săn mây”, không chỉ là thỏa mãn ước muốn phiêu lưu mà còn là hành trình chinh phục tự nhiên, khám phá cuộc sống ở những vùng đất mới. Niềm… đam mê Vừa trở về từ đỉnh Bạch Mộc Lương Tử, Long Nguyễn - trưởng nhóm phượt của một diễn đàn phượt trên mạng xã hội lại ngay lập tức lên kế hoạch chinh phục đỉnh Tà Xùa “săn mây” vào đúng dịp nghỉ tết dương lịch. “Phải tranh thủ đi vào dịp cuối năm bởi đây là thời điểm thường xuất hiện những đám mây dày và trắng xóa bao quanh các đỉnh núi cao” - Long Nguyễn chia sẻ. Với kinh nghiệm trong nhiều cuộc “săn mây”, Long Nguyễn cho biết, nước ta là vùng khí hậu cận nhiệt đới, vào mùa đông đặc biệt là các vùng miền núi phía Bắc và các nơi có nhiệt độ khá thấp như Đà Lạt, Tây Nguyên có độ ẩm rất cao. Với các địa hình rừng núi bao quanh các thung lũng, các dòng sông, suối và rừng cây rậm rạp sẽ là nơi tích tụ của hơi nước, trải qua nền nhiệt độ thấp ban đêm và mùa thu đông sẽ tạo thành sương mù dày đặc.
Nếu chúng ta ở trong vùng này thì đó là sương mù theo cách gọi truyền thống, còn khi lên một độ cao nhất định bên trên tầng sương mù này thì đó chính là mây. Theo đó vùng rừng núi phía Bắc, nơi có địa hình rừng núi rậm rạp, có sông suối và có thung lũng nằm trong các dãy núi cao sẽ là nơi lí tưởng để “săn mây”. Theo Long Nguyễn, những địa danh như Y Tý, Sìn Hồ, Ka Lăng, Mộc Châu, Tà Xùa, đèo Ô Quy Hồ…; hay các đỉnh núi, lưng chừng đỉnh núi như Fansipan, Pu Ta Leng, Tà Chì Nhù, Bạch Mộc Lương Tử… là những nơi mà nhiều dân phượt đã được chiêm ngưỡng hay săn mây thành công. Có thể nói, chụp ảnh “săn mây” đã trở thành trào lưu của những người thích xê dịch, nhất là giới trẻ. Mỗi dịp vào đông, bất chấp cái giá lạnh của vùng cao, dân du lịch bụi lại hò nhau lên vùng cao đi… “săn mây”. Đã mấy năm nay Lu Vũ - thành viên của nhóm phượt ở tận thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), cứ cuối năm là lại đáp máy bay ra Bắc, lên núi ở cả tháng chỉ để “săn mây”. Lu Vũ cho biết, trong Nam không có mùa đông và cũng chẳng có đỉnh núi cao nào để chinh phục hay thưởng ngoạn. Vì thế cô sẵn sàng “đầu tư” để được hòa mình cùng núi rừng Tây Bắc. “Hành trình chinh phục đỉnh cao vốn đã khó khăn vì địa hình rừng núi hiểm trở và ẩn chưa nhiều bất trắc. Tuy nhiên, mỗi điểm lại tạo một cảm giác rất khác lạ và thành quả thu được là đỉnh cao giữa đại ngàn, đại dương mây ngang tầm mắt” - Lu Vũ tự hào khoe.
Không chỉ với Long Nguyễn hay Lu Vũ, cái “thú” “săn mây” dường như đã ngấm vào nhiều người, không thể bỏ được. Mặc dù tốn thời gian, công sức, tiền bạc, nhưng họ cứ thong dong trải nghiệm, thong dong khám phá cho thỏa đam mê. Có tay máy ảnh mê “săn mây” đến nỗi vượt hàng trăm cây số, đi hết dốc nọ tới dốc kia, hết đèo này tới đèo khác, đường xấu khó đi cũng chẳng màng và rồi ăn chầu ở chực tại các bản vùng cao chỉ chờ có biển mây. Thậm chí có khi đang ngồi ở dưới xuôi, nghe tin trên núi sẽ có mây là lập tức xách ba lô lên đường… Thế nhưng cũng đáng bởi mỗi lần đi người ta không chỉ săn được mây mà còn được len lỏi vào từng bản làng, tìm hiểu phong tục tập quán, nết ăn nết ở và được nghe những câu chuyện xa xưa bên bếp lửa bập bùng, được thử những món ăn chỉ dành riêng cho khách quý ở ngôi nhà đơn sơ của người dân tộc mến khách. Ở đó người ta có thể được ngắm những tia nắng đầu tiên rọi xuống xuyên thủng tầng mây, rọi xuống những thửa ruộng bậc thang đang bừng lên trong ngày nắng đẹp. Hay những buổi chiều tà, được ngồi ngắm hoàng hôn đang dần nhuộm màu mỡ gà lên biển mây, nghe tiếng tíu tít của lũ trẻ đang chơi trong sân nhà. Cũng có khi chỉ đơn giản là thưởng thức tách cafe ở độ cao trên 2.000m trong hành trình săn mây… Đó là những trải nghiệm khó thể nào có được trong đời. Thú “săn mây” không đơn giản chỉ là tìm về với thiên nhiên hoang sơ, mộc mạc nhưng đầy chất phiêu diêu mà còn trải nghiệm cuộc sống mộc mạc, bình dị hay cảm nhận được những khó khăn thiếu thốn của bà con vùng sâu, vùng xa. Cảnh và sắc, không gian và con người như hòa trộn tạo nên những bức tranh đẹp vô cùng trong tâm hồn lãng mạn bay bổng của những phượt thủ, những bạn trẻ đam mê khám phá. Và hành trình… săn mây Với bà con vùng cao sinh ra và lớn lên cũng đều… trong mây thì biển hay đại dương mây dường như chẳng có nghĩa lý gì. Còn với những người ở đồng bằng, được chứng kiến biển mây quả thật chỉ là cơ hội hiếm hoi trong đời. Tôi đã nhiều lần tham gia cùng nhóm phượt chinh phục các đỉnh núi cao của Tây Bắc “săn mây” nhưng cũng chỉ đôi, ba lần may mắn được đứng trước biển mây. Có lần chúng tôi vượt gần 400km lên đến huyện Y Tý, vào tận xã Ngải Thầu, đường đi cực kỳ gian nan, thậm chí có đoạn nguy hiểm. Thế nhưng gặp phải đúng ngày nắng to, mây tan hết, chỉ còn lại bầu trời phong quang, xanh ngắt. Cả đoàn đành phải lủi thủi xuôi về, chấp nhận mất mấy ngày đường công cốc. Lần khác chúng tôi lên đỉnh núi Tà Xùa, thuộc xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La cũng được xem là nơi “săn mây” lý tưởng. Trước ngày lên đường, chúng tôi đã phải thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết, chọn đúng hôm điều kiện thời tiết phù hợp để “săn mây” mới dám xuất quân. Vậy nhưng vừa lên đến nơi thì trời đổ mưa kéo dài hết đêm cho đến ngày hôm sau. Cả một vùng núi bao la chỉ toàn mây mù bao phủ khiến cho nhiều “phượt thủ” lần đầu tiên lên núi săn mây tiếc ngẩn tiếc ngơ. Theo người bản địa thì thời tiết vùng cao rất thất thường, nắng mưa bất kỳ lúc nào. Có nhiều người may mắn từ dưới xuôi lên đến nơi là bắt gặp ngay biển mây. Thế nhưng có người phải ở lại chờ đợi đến mấy ngày, thậm chí lên đến mấy lần nhưng vẫn chưa một lần được chứng kiến biển mây.
Kinh nghiệm của bà con dân tộc cũng chỉ ra rằng muốn “săn” được mây thì phải dự đoán được thời tiết hội tụ đầy đủ các yếu tố như mới mưa phùn, nền nhiệt độ thấp vào ban đêm và cao vào ban ngày. Ban ngày cần có nắng thì mây mới đẹp. Kể cả lên Fansipan, Bạch Mộc Lương Tử hay các đỉnh núi cao khác, nếu đúng vào những ngày mưa hoặc nắng to quá thì mây sẽ tan hết. Có thể nói hành trình “săn mây” vô cùng gian nan. Bởi lẽ với những người không chuyên thì chỉ hú họa gặp may vì đều là tranh thủ thời gian. Đến cả với những người “săn mây” chuyên nghiệp là những tay ảnh cũng không phải lúc nào cũng bắt được mây. Ngoài trang bị thiết bị thì họ còn phải dành cho mình những khoảng thời gian nhất định trong mùa mây để có thể lên đường ngay khi hội đủ yếu tố. TRẦN VĂN |
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết