18:48 29/11/2022 Bài 3: Dân vận khéo là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị Những kết quả trong phong trào dân vận khéo xây dựng nông thôn mới của Hải Phòng cho thấy các địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đây không còn là việc riêng của hệ thống dân vận mà ai cũng có thể làm, có thể tham gia vận động nhân dân. Đó chính là hướng đi đúng, mang lại hiệu quả cao, tạo sức lan tỏa rộng rãi.
Ai cũng có thể làm dân vận
Vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đòi hỏi phải kiên trì, có đủ kiến thức, kỹ năng và trên hết là phải xuất phát từ lợi ích chung nhưng đồng thời chăm lo, bảo vệ quyền lợi của nhân dân, để người dân thực sự cảm thấy được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra, được thụ hưởng thì mới thành công.
Theo lãnh đạo UBND xã Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo, trong GPMB xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, có những gia đình phải hiến đất diện tích lớn, giá trị lên tới hàng tỷ đồng. Của đau con xót, nhiều hộ kiên quyết không đồng ý. Vì thế, các đồng chí lãnh đạo huyện, từ Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, các phòng, ban đều vào cuộc thuyết phục, vận động. Một số trường hợp, đích thân Chủ tịch UBND xã phải canh giờ, phải chờ đợi 5-7 giờ đồng hồ mới gặp được chủ hộ. Có một số trường hợp phải đi lại hàng chục lần, thuyết phục nhiều ngày mới thành công.
Thế mới biết, làm dân vận cũng rất khó khăn, vất vả nhưng nếu tâm huyết, trách nhiệm, vì sự phát triển chung đều sẽ thành công. Cũng là chuyện vui mừng khi có trường hợp vận động rất khó khăn, lãnh đạo huyện, lãnh đạo xã đến nhiều lần đều không được đón tiếp nhưng khi người dân đã thông, đã quyết định ủng hộ chủ trương mở đường thì lại vui vẻ mời cán bộ chính quyền ở lại ăn cơm. Chủ tịch UBND xã Tân Liên nói vui: làm dân vận, có lúc khó khăn, phức tạp, tưởng chừng không thể vượt qua nhưng khi hoàn thành, khi đã làm cho người dân thông tỏ thì lại có những niềm vui như thế, tuy nhỏ nhưng rất ý nghĩa, tiếp thêm động lực để tiếp tục vượt qua thử thách, hoàn thành nhiệm vụ Đảng và nhân dân giao phó.
Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Vĩnh Bảo Nguyễn Thị Mai cho biết, nghị quyết 04 của BCH Đảng bộ huyện về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2022 xác định 2 chỉ tiêu về công tác dân vận. Trong đó có chỉ tiêu 100% xã, thị trấn có mô hình dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới. Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành hướng dẫn về thực hiện phong trào thi đua dân vận khéo.
Nhờ vậy, huyện triển khai xây dựng 182 mô hình dân vận khéo trong năm 2022, trong đó có 60 mô hình dân vận khéo xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, vượt mức chỉ tiêu được giao (tăng 7 mô hình so với đăng ký đầu năm). Hệ thống dân vận từ huyện tới các xã đã tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền xây dựng và triển khai các mô hình dân vận khéo xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, có cách làm sáng tạo phù hợp với tình hình địa phương, nhiều mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, bám sát và góp phần thực hiện bộ tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu của thành phố.
Tiêu biểu như mô hình “Vận động xã hội hóa lắp camera an ninh trên các tuyến đường giao thông” của đồng chí Trưởng Công an xã Tân Liên (được thành phố biểu dương, khen thưởng năm 2021 và đang được nhân rộng); mô hình “Câu lạc bộ Dân vũ” của Hội phụ nữ xã Tam Đa; thị trấn (đang được nhân rộng tại các xã trong toàn huyện); mô hình “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải từ các hộ gia đình” của Hội phụ nữ xã Liên Am…
Như vậy, có thể khẳng định, công tác dân vận được các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương thực hiện nhuần nhuyễn, được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Theo đó, nhiệm vụ dân vận được các đồng chí lãnh đạo cao nhất của huyện, của xã; lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị, Ủy ban MTTQ; Hội phụ nữ, Hội Nông dân, Hội CCB; Đoàn Thanh niên… cùng thực hiện.
Nhiều trường hợp, lãnh đạo xã mời các bậc cao niên có uy tín trong thôn xóm cùng tham gia vận động, thuyết phục bà con. Nhờ vậy, nhiều việc rất khó nhưng nhờ biết cách làm cho người dân thông tỏ đã thành công. Cũng nhờ đó mà Hải Phòng hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới từ năm 2019; hầu hết các huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới và đang triển khai xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu tại 57 xã, mang lại diện mạo mới cho nông thôn Hải Phòng.
Những bài học kinh nghiệm quý giá
Trong dân vận khéo để xây dựng nông thôn mới, điều quan trọng là mọi việc phải công khai minh bạch, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và nắm được chủ trương của Nhà nước, thành phố, của huyện, của xã để cùng bắt tay thực hiện.
Theo lãnh đạo UBND huyện Tiên Lãng, xây dựng nông thôn mới phải gắn liền với phát triển kinh tế nông nghiệp. Vì vậy, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành 2 nghị quyết chuyên đề, UBND huyện xây dựng Đề án, Kế hoạch về chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Về phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025.
Những định hướng này được công khai tới các xã, các thôn, tới các hộ dân để người dân nắm được các vùng quy hoạch sản xuất và có định hướng rieng cho sản xuất của từng hộ. Từ đó, kinh tế nông nghiệp của huyện đã có bước phát triển khá, có nhiều sản phẩm đặc trưng như: Gạo nếp cái hoa vàng Đại Thắng, dưa hấu Tiên Cường, dưa chuột xuất khẩu, thuốc lào, hành tỏi, rươi...; đã quy hoạch và hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: vùng trồng lúa 12.766 ha; vùng trồng rau màu, thực phẩm, cây hàng năm khác đạt 4.165 ha; vùng trồng cây thuốc lào 1.117 ha; vùng sản xuất hành tỏi 360 ha; vùng sản xuất dưa hấu trên 70ha, dưa chuột trên 30ha, khoai tây gần 200ha...giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất nông nghiệp đạt 161 triệu đồng/ha.
Theo lãnh đạo các huyện, sức thuyết phục mạnh mẽ nhất khi vận động nhân dân chính là nâng cao mức thu nhập, điều kiện sống ngày càng tốt hơn. Nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng lên rõ rệt, từ 20-30 triệu đồng/ năm nay tăng lên 70-100 triệu đồng/năm; có nhiều xã nông dân có thu nhập 400- 500 đến hàng tỷ đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt. Đời sống văn hóa tinh thần ngày càng phong phú; đường giao thông đi lại thuận tiện nên nhiều người đã muốn về quê sinh sống.
Theo Chủ tịch UBND xã Tam Đa (Vĩnh Bảo) Lê Minh Tuân, để hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, trước hết cần quán triệt sâu sắc cho cán bộ đảng viên những quy định về cơ chế chính sách trong xây dựng nông thôn mới, làm tốt công tác tuyên truyền vận động, cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu, đồng thời phát huy tính chủ động sáng tạo của người dân, đặc biệt là việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai minh bạch, thực sự quan tâm đến lợi ích của người dân, quán triệt quan điểm, định hướng để người dân đứng vai trò chủ thể.
Về phương pháp tổ chức thực hiện và kinh nghiệm thực hiện chương trình, vì người dân trực tiếp hưởng lợi nên phải được thông suốt, được bàn bạc, thống nhất và tự thực hiện có sự chỉ đạo, quản lý giám sát của Ban quản lý xây dựng nông thôn mới và giám sát của cộng đồng. Bên cạnh đó, phải luôn có giải pháp phù hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, biểu dương tổ chức cá nhân gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện chương trình nông thôn mới của thôn xóm, của khu dân cư làm động lực thúc đẩy việc vận động xây dựng nông thôn mới.
Còn theo lãnh đạo UBND xã Cấp Tiến (Tiên Lãng) thì cần quan tâm chỉ đạo làm tốt công tác dân vận ở các cấp chính quyền, đổi mới công tác vận động quần chúng, hướng trọng tâm công tác về cơ sở; tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân.
Kinh nghiệm của xã Kiến Thiết (Tiên Lãng) cho thấy, làm tốt công tác dân vận, đa số người dân trên địa bàn xã có nhận thức đầy đủ về xây dựng nông thôn mới, xác định vai trò chủ thể chính là nhân dân nên rất tích cực, chủ động cùng tham gia xây dựng nông thôn mới trên cơ sở có sự hỗ trợ và hướng dẫn của nhà nước. Nhân dân từ chỗ trông chờ, ỷ lại chuyển sang tích cực tham gia và chủ động đề xuất, hiến đất, góp công, góp của, trí tuệ để xây dựng nông thôn mới.
10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhân dân xã Kiến Thiết đã đồng thuận hiến 50ha đất nông nghiệp và trên 4.050m2 đất thổ cư và hàng vạn ngày công; có nhiều hộ chưa nhận tiền bồi thường hỗ trợ vật kiến trúc đã chủ động tháo dỡ, di chuyển toàn bộ tài sản, vật kiến trúc, cây cối hoa màu nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng bàn giao ngay cho đơn vị thi công triển khai xây dựng các công trình nông thôn mới. Điều đó cho thấy hiệu quả kỳ diệu của công tác dân vận.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2023, thành phố dự kiến tiếp tục xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở 35 xã, phấn đấu tới năm 2025 100% xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Vì thế, công tác dân vận cần được tiếp tục quan tâm chỉ đạo, được triển khai rộng rãi và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để người dân cùng tham gia. Xu thế giai đoạn tới sẽ là sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP; sản phẩm OCOP; chuyển đổi số… nên cũng cần nhiều hơn nữa những mô hình dân vận khéo hiệu quả, thiết thực, có tính lan tỏa; có thể nhân rộng trên địa bàn xã, huyện, các huyện, góp phần để chương trình xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu của Hải Phòng thành công./.
Hồng Thanh- Trung Kiên
11:40 11/01/2025
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh