18:33 29/11/2022 Hơn 200 mô hình được đăng ký trong năm 2022, tăng 49% so với chỉ tiêu đề ra là minh chứng nổi bật cho thấy sự sôi động, sức lan tỏa và hiệu quả to lớn của phong trào Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới do Ban Dân vận Thành ủy Hải Phòng phát động. Phong trào xây dựng nông thôn mới càng sôi động bao nhiêu thì dấu ấn của những mô hình dân vận khéo càng mạnh mẽ bấy nhiêu. Cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và cả người dân cùng tham gia làm công tác dân vận. Nói phải, làm đúng, dân theo, công tác dân vận đã góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của Hải Phòng, làm cho mỗi làng quê hàng ngày, hàng giờ đổi mới, khởi sắc.
Bài 1:
Giúp người dân làm giàu trên đồng đất quê hương
Xây dựng nông thôn mới về thực chất là mang lại cho người dân nông thôn cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc; điều kiện sống được cải thiện, nâng cao; đời sống văn hóa tinh thần ngày càng phong phú… Từ phong trào xây dựng nông thôn mới tới xây dựng nông thôn mới nâng cao và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, Hải Phòng luôn chú trọng bảo đảm các mục tiêu toàn diện, tổng thể. Trong đó, phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu và công tác dân vận được phát huy mạnh mẽ để giúp người dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Những mô hình hiệu quả, thiết thực
Ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc HTX sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng phấn khởi cho biết, mô hình vận động nhân dân quy vùng sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao do Đảng ủy, UBND xã phát động, HTX thực hiện đạt được hiệu quả to lớn không ngờ. Khi mới thực hiện mô hình đã vấp phải những lực cản không nhỏ do thói quen sản xuất nông nghiệp của người dân không dễ thay đổi, nhiều người ngại quy vùng, đổi ruộng.
Nhưng với sự vận động, thuyết phục, hướng dẫn của các đồng chí lãnh đạo xã, các tổ chức đoàn thể, của HTX, người dân dần hiểu ra và đồng tình ủng hộ, nhiệt tình tham gia. Nhờ vậy, HTX đã quy vùng được hơn 70 ha tại thôn Lật Dương, thôn Nêu, Trại giống với sự tham gia của 117 hộ dân để sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao. HTX đã liên kết với Công ty CP nông nghiêp kỹ thuật cao Hải Phòng; Công ty CP giống vật tư nông nghiệp công nghệ cao Phú Thọ; Công ty CP nông nghiệp An Đạt Thành Hà Giang… để bao tiêu sản phẩm, bảo đảm đầu ra ổn định.
Đồng thời, đưa cơ giới, khoa học kỹ thuật, công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại vào đồng ruộng. Các chi phí sản xuất, công tác quản lý, bảo vệ thực vật, phòng trừ sâu bệnh giảm 10-15% so với sản xuất đơn lẻ. Nhưng sức thuyết phục cao nhất của mô hình chính là hiệu quả kinh tế. So với sản xuất theo phương pháp cũ, thu nhập cao hơn bình quân 1 triệu đồng/sào, lại được quản lý tập trung, thu hoạch và bảo quản thuận lợi. Các hộ dân vui mừng, phấn khởi, càng thêm tin tưởng vào mô hình. Cùng với đó, doanh thu, lợi nhuận của HTX cũng tăng cao, tính bền vững nhìn thấy rõ. Từ thành công này, HTX đang tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã tiếp tục vận động bà con nông dân, nhân rộng mô hình để mang lại những lợi ích lớn hơn trong sản xuất nông nghiệp.
Phó chủ tịch UBND xã Kiến Thiết (Tiên Lãng) Nguyễn Văn Hoạt cho biết, mô hình vận động nhân dân cấy lúa hữu cơ của xã cũng đã thành công bước đầu. Đây là mô hình dân vận khéo do Hội Nông dân xã đăng ký. Theo đó, xã mời các thôn, các hộ dân cùng họp bàn, phân tích, làm rõ lợi ích của mô hình và vận động nhân dân tham gia. Mô hình được thực hiện ở các thôn Nam Tử, Nam Phong với diện tích hơn 48 ha. Vốn chỉ quen cấy lúa mỗi năm 2 vụ, nhiều người còn ngại ngần. Nhưng sau khi được tuyên truyền, vận động, nhất là thấy mô hình cấy lúa hữu cơ kết hợp với khai thác rươi tự nhiên phù hợp với xu thế hiện nay và có tính bền vững cao nên đã có gần 200 hộ hào hứng tham gia.
Lúa hữu cơ mặc dù chỉ cấy 1 vụ nhưng giá trị cao hơn hẳn do bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh an toàn, cộng với thu hoạch rươi mỗi sào ít nhất khoảng 20 kg đã mang lại những lợi ích kinh tế lớn. Ông Nguyễn Văn Hoạt phấn khởi, khả năng sản lượng rươi năm nay cao hơn, tính mức giá trung bình khoảng 350.000 đồng/kg, các hộ đã có nguồn lợi không nhỏ, lên tới hàng chục tỷ đồng.
Có thể thấy, các mô hình dân vận khéo đã len lỏi vào các làng quê, từng bước xóa bỏ các tập quán canh tác, thói quen làm nông nghiệp theo lối cũ để mang cái mới, cái hiện đại, phù hợp với đồng đất của mỗi vùng quê để đẻ ra tiền, nâng cao giá trị kinh tế, mang lại lợi ích thiết thực cho mỗi gia đình. Từ đây, người dân càng thêm phấn khởi tin tưởng, yên tâm gắn bó với quê hương và cùng làm giàu cho gia đình, xã hội.
Phong phú, đa dạng các mô hình phát triển kinh tế
Theo Ban Dân vận Thành ủy Hải Phòng, trong số hơn 200 mô hình dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới năm 2022, có gần 50 mô hình về phát triển kinh tế. Trong đó, có rất nhiều mô hình nổi bật, hiệu quả kinh tế cao, được đông đảo người dân đồng tình, hưởng ứng, làm theo.
Tiêu biểu là các mô hình vận động nông dân quy vùng tập trung sản xuất lúa hàng hóa; cấy lúa trên diện tích bỏ hoang của Hội Nông dân và Hội phụ nữ xã Nhân Hòa (Vĩnh Bảo); các mô hình trồng nấm, nuôi rươi ở xã Vĩnh Phong; mô hình đánh thức rộng hoang ở xã Liên Am…
Huyện Kiến Thụy có mô hình VAC nuôi cá koi Nhật Bản tại xã Tân Trào; tích tụ ruộng đất tại xã Minh Tân. Huyện Thủy Nguyên có các mô hình chăn nuôi gà thương phẩm tại xã Chính Mỹ; mô hình thanh niên giúp nhau làm kinh tế ở xã An Sơn; chăn nuôi gà sạch; nuôi thỏ nái và thỏ thịt thương phẩm ở xã Lưu Kiếm… Huyện An Lão có mô hình gom ruộng cấy; nuôi trồng thủy sản ở xã Chiến Thắng; đưa ruộng hoang vào gieo cấy ở xã An Tiến; xây dựng HTX nông nghiệp kiểu mới ở xã An Thắng; sản xuất hữu cơ ở xã Bát Trang.
Huyện Cát Hải có mô hình bảo tồn và phát triển giống lan phi điệp Cát Bà ở xã Xuân Đám. Huyện Tiên Lãng có mô hình sản xuất lúa hữu cơ kết hợp khai thác rươi tự nhiên; vận động nhân dân cấy lúa hữu cơ tại khu vùng chân sóng của xã Kiến Thiết; quy vùng sản xuất tập trung tại xã Quang Phục; thành lập chi hội nuôi trồng thủy sản tại xã Tiên Thắng; dồn ruộng phục vụ nuôi trồng thủy sản tại xã Đoàn Lập… Huyện An Dương có mô hình mở rộng diện tích trồng cây gia vị tại xã An Hồng…
Có thể nói, các mô hình dân vận khéo trong phát triển kinh tế đã mang lại những lợi ích rất to lớn. Quan trọng là được đông đảo nhân dân hưởng ứng.
Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Vĩnh Bảo Nguyễn Thị Mai cho biết, năm 2022, huyện có 12 mô hình dân vận khéo trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân và đều đạt hiệu quả cao. Theo Chủ tịch UBND xã Quang Phục (Tiên Lãng) Nguyễn Văn Đoàn, trong các mô hình phát triển kinh tế, xã còn vận động người dân tham gia các mô hình áp dụng công nghệ cao, cơ giới hóa, dùng phân hữu cơ và liên kết theo chuỗi giá trị gắn với bảo đảm an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc lúa theo chương trình VietGap; ứng dụng chuyển đổi số và thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm thuốc lào, đóng gói thuốc lào bán qua kênh thương mại điện tử, phấn đấu 10 ha thuốc lào là nông sản chủ lực của xã và được cấp mã vùng; quảng bá vùng rươi rộng 40 ha là điểm du lịch của xã qua ứng dụng Internet và mạng xã hội; mô hình tham quan trải nghiệm thực tế quá trình sản xuất nấm…
Theo Chủ tịch UBND xã Tam Đa (Vĩnh Bảo) Lê Minh Tuân, xã vận động thực hiện mô hình tích tụ trên 3,88 ha đất nông nghiệp theo quy hoạch, đang xây dựng cơ sở hạ tầng để trồng dưa lưới, dưa bao tử theo công nghệ tiên tiến có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc. Đây sẽ là sản phẩm OCOP được xếp hạng đạt chuẩn đồng thời là mô hình phát triển kinh tế nông thôn hiệu quả theo hướng tích hợp đa giá trị (kinh tế, văn hoá, môi trường). Đến nay, xã có 50% sản phẩm chủ lực được bán qua kênh thương mại điện tử, phấn đấu trong giai đoạn 2023-2025 đưa 100% sản phẩm chủ lực bán qua kênh thương mại điện tử.
Theo Chủ tịch UBND huyện An Dương Phạm Việt Hùng, toàn huyện có 125 cánh đồng với tổng diện tích 1.435 ha đất sản xuất, trong đó có 20 cánh đồng cho thu nhập từ 300triệu đồng/ha/năm đến 1 tỷ đồng/ha/năm; 25 cánh đồng cho thu nhập 200-300 triệu/ha; 85 cánh đồng cho thu nhập 160-200 triệu/ha. Vùng trồng hoa cây cảnh lên tới 479,68 ha, cho thu nhập bình quân từ 250 - 500 triệu đồng/ha/năm. Đến hết năm 2020, huyện có 22 sản phẩm OCOPđược UBND thành phố công nhận đạt 3-4 sao. Dự kiến hết năm 2022, có30 sản phẩm OCOP được công nhận.
Có thể thấy, mỗi huyện, mỗi xã của Hải Phòng đều có những mô hình phát triển kinh tế phù hợp, trong đó có những mô hình hiệu quả cao. Đây là kết quả của cả một quá trình chuyển đổi tư duy, nhận thức, tập quán chăn nuôi, trồng trọt. Trong đó, hệ thống dân vận các cấp có vai trò không nhỏ, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi đó, để người dân ngày càng gắn bó và làm giàu trên đồng đất quê hương./.
(Còn tiếp)
Hồng Thanh- Trung Kiên
Nhờ thành công của mô hình vận động nhân dân quy vùng sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao, HTX sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng mỗi năm cung cấp hàng nghìn tấn lúa giống (ảnh: Trung Kiên)
11:40 11/01/2025
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh