| Nhiều người đang sử dụng loại phương tiện này cũng mập mờ và chưa phân biệt được đâu là xe máy điện, xe đạp điện. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+) |
Từ ngày 6/12/2015-30/6/2016, toàn bộ xe máy điện khi đi đăng ký biển số sẽ không cần hóa đơn, chứng từ mua bán xe, giấy tờ liên quan đến đăng kiểm chất lượng…. Tuy nhiên, nhiều người đang sử dụng loại phương tiện này cũng mập mờ và chưa phân biệt được đâu là xe máy điện, xe đạp điện.
Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính từ ngày 1/1/2014 đến 31/8/2015, cả nước đã nhập khẩu hơn 5.300 xe máy, xe đạp điện và các doanh nghiệp trong nước đã sản xuất, lắp ráp 47.308 chiếc.
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Trưởng phòng chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm) cho biết, chỉ có 10% số lượng xe đạp điện, xe máy điện nhập khẩu có đăng kiểm, còn lại là hàng trôi nổi, không giấy tờ, nguồn gốc xuất xứ, dẫn đến việc quản lý loại phương tiện này đang gặp khó khăn.
Để tạo điều kiện tối đa cho người dân cũng như để quản lý hiệu quả, Bộ Công an đã có Thông tư số 54/2015/TT-BCA (Bổ sung Điều 25a vào Thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày 4/4/2014 của Bộ Công an quy định về đăng ký xe), từ ngày 6/12/2015-30/6/2016, toàn bộ xe máy điện khi đi đăng ký biển số sẽ không cần hóa đơn, chứng từ mua bán xe, giấy tờ liên quan đến đăng kiểm chất lượng….
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đồng ý miễn lệ phí trước bạ đến hết ngày 30/6/2016 đối với xe máy điện đang lưu hành chưa thực hiện thủ tục đăng ký khi chủ phương tiện đến cơ quan Công an làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng.
Như vậy, người dân chỉ việc mang xe máy điện đến, kèm theo chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu để được đăng ký biển số xe máy điện. Sau khoảng thời gian này, các xe máy điện khi làm thủ tục đăng ký sẽ phải chấp hành theo quy định.
Tuy nhiên, ngay bản thân người chính chủ phương tiện cũng băn khoăn khi không thể phân biệt được xe đang sở hữu là xe máy điện hay xe đạp điện bởi trên thị trường hiện nay có quá nhiều chủng loại và mẫu mã thiết kế phù hợp với thị hiếu của hành khách.
Theo ông Nguyễn Văn Phương, quy chuẩn của Bộ Giao thông Vận tải quy định, xe đạp điện phải có bàn đạp 2 bên, bàn đạp phải có cấu dẫn động từ bàn đạp tới bánh xe, có vận tốc đối đa không vượt quá 25km/giờ.
“Quy định là vậy, nhưng thực tế, để phân biệt bằng mắt thường lại gặp không ít khó khăn, nhiều người dân cũng không biết đâu là xe đạp điện và xe máy điện,” ông Phương nhìn nhận.
Đề cập đến câu hỏi việc “cởi trói” cho toàn bộ lượng xe máy điện đang lưu thông, kể cả xe không giấy tờ, nguồn gốc có vô tình hợp pháp xe “chui”, ông Phương cho rằng, nguy cơ này cũng đã được các cơ quan hữu quan đặt ra khi quyết định miễn phí cho các loại xe máy điện được đăng ký biển số, nhưng đây cũng chỉ là một giải pháp tình thế.
“Quy định xe máy điện phải đăng ký biển số chúng ta đã có từ khá lâu nhưng không triển khai được. Trong khi đó, lượng xe máy điện ngày càng nhiều, gây phức tạp trong quản lý và an toàn giao thông. Chúng ta phải chấp nhận có một giai đoạn quá độ để tiến tới đưa loại xe này vào nền nếp, nếu không sẽ rất khó kiểm soát. Giải pháp này còn khả thi hơn so với việc rà soát lại toàn bộ nguồn gốc của hàng triệu chiếc xe máy điện đang lưu hành hiện nay,” ông Phương đánh giá.
Đưa ra giải pháp lâu dài, Cục Đăng kiểm Việt Nam đề nghị phải có biện pháp từ quản lý thị trường, quản lý xuất nhập khẩu, hạn chế lắp ráp, nhập khẩu “chui” mới giảm được tình trạng xe không qua kiểm định vẫn bán tràn lan và được sử dụng phổ biến bởi xử phạt vi phạm khi phương tiện lưu thông trên đường chỉ giải quyết phần ngọn. Theo Việt Hùng/TTXVN |