16:58 30/11/2013
15 năm gắn bó với công tác quản giáo, điều ý nghĩa nhất đối với thiếu tá Trịnh Quang Hưng, Đội phó Đội quản giáo (Trại tạm giam Công an thành phố Hải Phòng) là tình cảm, lòng biết ơn của phạm nhân dành cho anh. Để có được điều đó, bằng tình cảm, lương tâm và trách nhiệm, anh đã đánh thức được mầm thiện trong những người lầm lỗi để họ nuôi hy vọng làm lại cuộc đời mới tốt đẹp hơn… Ấn tượng đầu tiên khi gặp thiếu tá Trịnh Quang Hưng là giọng nói nhẹ nhàng nhưng lại rất cứng cỏi khiến tôi cảm giác công việc “coi tù” của quản giáo thường được ví là nguy hiểm, nặng nề trở nên sinh động. Anh Hưng chia sẻ, phạm nhân dù có phạm tội gì đi nữa thì trong họ vẫn còn một phần lương tri của con người, cho nên công việc của người quản giáo không chỉ đơn thuần là trông giữ phạm nhân mà còn cần phải đánh thức được mầm thiện trong con người của họ, giúp họ tìm được những suy nghĩ tích cực, để có một cuộc sống mới tốt hơn sau khi ra trại. Thiếu tá Trịnh Quang Hưng cũng luôn tâm niệm rằng người quản giáo như là một người thầy đặc biệt, giáo dục lại những người lầm lỗi để họ nhận ra sai lầm và quyết tâm sửa đổi thành người có ích cho xã hội. Nhưng để làm được điều đó không phải dễ dàng, bởi thay đổi một con người đã khó, huống hố các anh phải quản lý nhiều người mà lại là những người vi phạm pháp luật. Cho nên bản thân người làm công tác quản giáo phải có cái tâm với nghề và một sự nhạy bén cần thiết để có thể thấu hiểu từng điều kiện hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của phạm nhân mà có cách giáo dục cho phù hợp. Năm 1997 tốt nghiệp khoa quản lý cải tạo phạm nhân - Trường trung cấp CSND và đến nay là Đội phó Đội quản giáo, thiếu tá Trịnh Quang Hưng cho biết, chuyên trách làm công tác này, anh có nhiều kỷ niệm buồn vui về nghề và cả những số phận con người. Có những phạm nhân trước khi chuyển trại không khỏi xúc động khi được cán bộ nắm tay dặn dò và mong muốn nhất là không bao giờ phải quay lại… trại giam nữa. Điều đó dường như có giá trị hơn mọi thứ vật chất mà mỗi cán bộ quản giáo dành cho phạm nhân.
Thiếu tá Trịnh Quang Hưng Thế nhưng không phải phạm nhân nào cũng làm được điều đó. Anh Hưng cho biết, mỗi lần gặp lại phạm nhân của mình trong bản án mới, anh buồn, giận lắm nhưng cũng chỉ trách nhẹ rồi động viên họ phấn đấu. Nghề quản giáo là vậy, khuyên răn, giáo dục để họ tốt lên nhưng không thể làm gì khác được nếu họ cố tình phạm lỗi. Chính vì thế nên những quản giáo có tâm như anh chỉ biết lặng lẽ với nỗi lòng mình. “Không phải người nào vào đây cũng xấu cả. Có người biết sửa lỗi và quyết tâm sửa lỗi, sau này cuộc sống đều khá cả” - thiếu tá Hưng tâm sự và kể về trường hợp phạm nhân tên Trung, lý lịch có tới 3 tiền án. Khi vào buồng giam do anh quản lý, thấy quản giáo quá trẻ, Trung tỏ ra không phục nên thường cãi lý rồi đưa ra yêu sách này nọ. Thấu hiểu nỗi tự ti của người lớn tuổi phạm tội nên anh đã gọi Trung ra trò chuyện riêng. Sự thẳng thắn, cởi mở và nhất là khi anh Hưng bảo coi phạm nhân Trung như một người anh trong gia đình, khích lệ Trung hãy cư xử làm sao cho đáng mặt người lớn tuổi… Trung nghe ra, từ đó không những chấp hành tốt nội quy, cải tạo, mà còn rất nhiệt tình trong việc giúp đỡ cán bộ những công việc được giao. Cho đến bây giờ, khi đã ra trại được mấy năm nhưng những ngày kỷ niệm của lực lượng công an, Trung không bao giờ quên gọi điện chúc mừng, cảm ơn cán bộ Hưng. Thi thoảng, anh ta còn tìm đến gặp anh Hưng để bày tỏ lòng biết ơn và khoe thành tích về việc chăm chỉ làm ăn của mình. “Vậy nhưng, với nhiệm vụ quản lý giáo dục can phạm nhân thành án đang giam chờ ngày chuyển đi trại lao động cải tạo, nhiều đối tượng có nhiều tiền án tiền sự, họ hiểu biết về luật rất rõ nên nếu cán bộ quản giáo không cứng luật, khi họ hỏi mà giải thích không được rõ ràng, họ sẽ vin vào đó để phản ứng lại mình” - thiếu tá Trịnh Quang Hưng chia sẻ. Anh khẳng định, cán bộ quản giáo các anh luôn phải trau dồi nghiệp vụ, nắm chắc luật, biết được quyền hạn của cán bộ đến đâu, những quy định nào phạm nhân phải chấp hành thì phạm nhân sẽ nghe và không vặn lại.
Bằng tình cảm chân thành, những người quản giáo đã đưa nhiều người lầm lỗi trở về với xã hội Phạm nhân là những người vi phạm pháp luật nhưng trước hết họ là những con người. Giữa con người với nhau thì quan trọng nhất vẫn là tình cảm. Bởi vậy, ban đầu tiếp xúc với họ, bao giờ thiếu tá Hưng cũng hết sức niềm nở để tạo cho phạm nhân cảm giác yên tâm cải tạo, dùng tình cảm và sự chân thành của mình để cảm hóa họ. Cũng theo thiếu tá Hưng, nếu như họ không chuyển biến theo hướng tích cực, khi ấy mình mới nghiêm khắc trong phạm vi của pháp luật cho phép. Mình thoải mái để tạo sự hòa đồng cho phạm nhân nhưng không có nghĩa là dễ dãi. Đối tượng phạm nhân do thiếu tá Hưng quản lý cá biệt có người có đến 4-5 tiền án, bản chất lưu manh, khi vào trại tính cách ấy chỉ tạm lắng xuống nên luôn có tư tưởng đối phó với cán bộ. Theo đó, người quản giáo cần phải có tâm, nắm bắt được tư tưởng, tâm lý của họ, động viên kịp thời để họ có hướng phấn đấu cải tạo tốt. Anh Hưng kể về phạm nhân Nguyễn Văn Trường, một trong những kẻ lưu manh có tiếng ngoài xã hội. Ngay sau khhi tiếp nhận phạm nhân Trường vào buồng giam do mình quản lý, thiếu tá Hưng đã gọi Trường lên trò chuyện. Gặp gỡ, vừa hỏi han vừa răn đe, dạy dỗ, cuối cùng thiếu tá Hưng đã từng bước khiến kẻ ương bướng này phải khuất phục, nhận ra lỗi lầm, từ đó chấp hành tốt công việc hằng ngày. Thiếu tá Hưng cũng như bao cán bộ quản giáo của Trại tạm giam Công an thành phố Hải Phòng, các anh vẫn thường nhắc nhau rằng, phạm nhân họ vi phạm pháp luật là họ nợ với nhà nước chứ không nợ cá nhân chúng ta cho nên trong quá trình giáo dục và quản lý họ, chúng ta nên có những lời nói đúng với quy định, không nên miệt thị, gây bức xúc cho họ. Như thế họ sẽ tôn trọng chúng ta, nhận thức được lầm lỗi mà yên tâm cải tạo. Bởi vậy, bằng cái tâm của mình, quản giáo Hưng đã khiến nhiều phạm nhân bướng bỉnh nhận ra đâu là cội nguồn của sự yêu thương. Đó là lần chứng kiến cảnh một phạm nhân khi thấy người nhà đến thăm nhưng không chịu ra gặp. Thấy vậy, quản giáo Hưng đã lựa lời phân tích nên khi hiểu ra, phạm nhân này đã xin lỗi người thân. Hay như có trường hợp phạm nhân lại bị gia đình bỏ bê, hiếm hoi lắm mới có người đến thăm khiến cho anh ta chán chường, thường xuyên tỏ thái độ chống đối, vi phạm quy định. Biết được hoàn cảnh gia đình và hiểu được tâm lý phạm nhân, thiếu tá Hưng thường xuyên gần gũi hỏi han, đồng thời động viên các phạm nhân khác cùng phòng chia sẻ mỗi khi nhận được quà cáp của gia đình gửi vào để rồi cuối cùng anh ta cũng nhận ra tình cảm của mọi người dành cho mình mà chấp hành các quy định của trại giam… Còn đối với phạm nhân quậy phá, chống đối vì bất cần, quản giáo Hưng lại có cách “điều chỉnh” riêng. Anh luôn dành cho họ những lời khuyên chân tình, dùng tình người để cảm hóa, thuyết phục. Theo anh Hưng, với những phạm nhân luôn mặc cảm, việc tiếp xúc ban đầu rất khó khăn nhưng nếu mình chân tình với họ, họ sẽ mở lòng chia sẻ và một khi đã tạo được niềm tin với họ thì đó sẽ là động lực để phạm nhân yên tâm cải tạo tốt… Gắn bó với công tác quản giáo 15 năm qua, thiếu tá Trịnh Quang Hưng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và điều ý nghĩa nhất đối với anh là tình cảm của phạm nhân dành cho anh. Và hơn cả là thiếu tá Trịnh Quang Hưng đã đánh thức được mầm thiện trong những người lầm lỗi, để họ làm lại cuộc đời mới tốt đẹp hơn… |
16:33 22/12/2024
14:01 21/12/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết