13:41 11/09/2024 Ngày 10/9, sau khi cơn bão số 3 tan được 3 ngày nhưng đảo ngọc Cát Bà (huyện Cát Hải) vẫn phải oằn mình trước những thiệt hại khó đoán định. Ngay tại bến phà Đồng Bài, những cây tre, vật liệu lồng bè từ các nơi trôi dạt về chất dài hàng trăm mét. Con đường từ bến phà về Cát Bà trước đây đẹp và nên thơ, hoa nở hai bên đường núi quanh co khơi dậy bao cảm hứng của du khách thì nay tiêu điều, hiu hắt. Cây to, cây nhỏ đều bị kéo đổ rạp. Tuyến đường về trung tâm huyện vẫn ngổn ngang. Tại các khu phố, người dân vẫn đang chen chúc mua máy phát điện, xếp hàng mua xăng dầu. 4-5 ngày bị cô lập, không điện, không nước, không thông tin liên lạc khiến “cô gái đẹp” Cát Bà bị “phôi phai” không ít.
Nặng trĩu suy tư
Trải qua hàng tuần liền chống bão và lo giải quyết hậu quả sau bão, các đồng chí lãnh đạo huyện Cát Hải hầu hết đều đã thấm mệt. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hoàng Hồng Luân vất vả ngược xuôi để lãnh đạo, chỉ đạo xử lý rất nhiều công việc sau bão. Chủ tịch UBND huyện Cát Hải Bùi Tuấn Mạnh cho biết, đã nhiều ngày không ngủ đủ giấc, công việc bộn bề khiến toàn thể cán bộ, nhân viên của huyện luôn căng như dây đàn. Từ trước bão, huyện chia thành 2 tổ công tác, một bên Cát Hải, một ở Cát Bà. Khi bão đến, thông tin liên lạc bị cắt đứt, 2 tổ không liên lạc, trao đổi được gì, đành bên nào lo bên ấy. Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Hải Nguyễn Quang Vinh ở tổ bên Cát Hải cho biết: từ ngày 7 đến ngày 9/9 còn “không nghe được tiếng của Chủ tịch huyện” vì điện thoại hoàn toàn mất sóng, có một số công việc cần xin ý kiến chỉ đạo không thực hiện được. Chỉ đến khi phà Đồng Bài chạy trở lại (9/9), các công việc mới tạm thuận lợi hơn một chút.
Nói là vậy nhưng nhìn vào những con số thống kê thiệt hại của huyện đảo thì vẫn còn ngổn ngang lắm. Chủ tịch UBND huyện Bùi Tuấn Mạnh cho biết: thống kê sơ bộ, tính đến trưa 10/9, trên địa bàn huyện có 13 người bị thương; 4.717 nhà dân bị hư hỏng, trong đó 133 nhà hư hỏng từ 70-100%; 78 nhà hư hỏng 50-70%; 1811 nhà hư hỏng 30-50%; 20 trường học bị tốc mái; 8 cơ sở y tế bị thiệt hại; nhiều công trình văn hóa bị hư hỏng.
Ngoài ra, còn có 52 công trình trụ sở cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp bị hư hỏng nặng, ước tính số tiền 29,3 tỷ đồng. Một số khách sạn, cơ sở lưu trú bị hư hỏng khá nặng. Tại huyện có 18 tàu đắm. Trong đó, có 9 tàu cá ở Cảng Trân Châu; 9 tàu du lịch. Có 48 thuyền nan bị đắm, 1 tàu du lịch mắc cạn tại xã Gia Luận; 19 hộ dân có bè nuôi trồng thủy sản bị trôi, đứt dây neo, thiệt hại nặng. Ngoài ra, 1 trạm biến áp cột trung thế bị đổ và hư hỏng nhiều đoạn dây trung thế, hạ thế; gãy đổ 28 cột điện; trạm 110kV Cát Bà bị tốc mái, nước mưa ngấm phòng điều khiển; 10 cột viễn thông bị đổ. Diện tích cây trồng hằng năm trên địa bàn huyện khoảng 11 ha; 2 ha trồng cây ăn quả, 19 ha trồng rau màu bị thiệt hại. Sau bão, hệ thống thông tin liên lạc viễn thông bị tê liệt; điện, nước bị ngừng trệ; giao thông từ nội thành ra đảo khó khăn do cáp treo và phà ngừng hoạt động; giao thông tại một số xã cũng bị ách tắc, có thời điểm bị cô lập.
Lãnh đạo huyện Cát Hải nhấn mạnh, do là huyện đảo, tác động của cơn bão số 3 đối với huyện cũng trực diện và nặng nề hơn. Cùng với đó, do ách tắc về giao thông, thông tin liên lạc với đất liền và trên địa bàn huyện dẫn tới công tác khắc phục hậu quả sau bão gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, tập thể lãnh đạo huyện cùng các cơ quan, đơn vị, phòng, ban, các lực lượng vũ trang và nhân dân rất kiên cường chống bão; hạn chế được tới mức thấp nhất thiệt hại do bão. Mừng nhất là không có trường hợp nào tử vong; huyện cứu nạn được 28 người trở về an toàn; chỉ có 13 người bị thương đều đang được chữa trị tốt. Đáng chú ý, mặc dù có rất nhiều khó khăn, cách trở nhưng cán bộ, đảng viên và nhân dân vẫn luôn chủ động tìm cách khắc phục, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của thành phố và huyện, tin vào một ngày gần nhất, đảo ngọc sẽ trở lại bình thường, sẽ lại xinh đẹp, hút hồn bao du khách gần xa.
Hỗ trợ nhân lực, vật lực cho Cát Hải
Chủ trì cuộc kiểm tra công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3 tại huyện Cát Hải chiều 10-9, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố và các đồng chí lãnh đạo thành phố đặc biệt cảm thông và chia sẻ với những khó khăn, vất vả, thậm chí nguy hiểm của cán bộ, nhân dân huyện đảo trong cơn bão. Đồng thời ghi nhận, đánh giá rất cao tinh thần chủ động, tự lực, tự cường của huyện đảo giải quyết hậu quả sau bão khi giao thông, liên lạc, điện, nước bị tê liệt.
Đồng chí Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, trong bối cảnh đó mà huyện đã xử lý được đáng kể cây xanh gãy đổ, bảo đảm giao thông từ huyện về các xã, kết nối thông tin; dọn dẹp vệ sinh môi trường; di chuyển được khoảng 2000 m3 rác các loại, cứu hộ thành công 28 trường hợp; bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn… là rất đáng biểu dương. Trong cả quá trình đó, thành phố luôn kề vai sát cánh với nhân dân huyện đảo như chỉ đạo để tuyến phà Đồng Bài đi vào hoạt động từ ngày 9/9 ngay khi đủ điều kiện; yêu cầu các đơn vị Điện lực; Cấp nước; Viễn thông khẩn trương khắc phục sự cố để cấp điện, cấp nước trở lại cho đảo…
Tại cuộc làm việc ngày 10/9, lãnh đạo Công ty Điện lực Hải Phòng; Công ty Cấp nước; Sở TTTT; các doanh nghiệp viễn thông cho biết đang rất nỗ lực, khẩn trương cấp điện, cấp nước, khôi phục mạng lưới thông tin liên lạc. Tuy nhiên, do địa hình cách trở; hạ tầng điện bị hư hỏng nặng nên còn nhiều khó khăn. Các đơn vị cho biết sẽ sớm cấp điện cho Cát Hải; từng bước khắc phục và cấp điện cho Cát Bà. Từ đó tạo thuận lợi cho cấp nước và khôi phục hệ thống thông tin liên lạc. Từ ngày 9/9, phà Đồng Bài hoạt động trở lại, giao thông ra đảo Cát Bà thuận tiện hơn, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, người dân và du khách.
Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự cho biết đã tăng cường 105 cán bộ, chiến sỹ cho huyện để góp phần khắc phục hậu quả cơn bão. Các ngành Công an, GTVT, Xây dựng… đều có các giải pháp hỗ trợ huyện xử lý các công việc.
Đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Tiên Châu nêu rõ, mức thiệt hại của huyện đảo tuy được giảm thiểu nhưng cũng đặt ra rất nhiều vấn đề cần giải quyết, do địa hình biệt lập nên công tác khắc phục xử lý hậu quả khó khăn phức tạp và kéo dài hơn. Từ đó, đồng chí Bí thư Thành uỷ yêu cầu các đơn vị: Điện lực, Cấp nước; Viễn thông tìm mọi giải pháp khôi phục lại, bảo đảm nhanh chóng cấp điện, cấp nước, bảo đảm thông tin liên lạc cho huyện đảo. Thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ cho huyện.
Đồng chí Bí thư Thành uỷ yêu cầu huyện Cát Hải chủ động, tích cực huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để khắc phục hậu quả cơn bão. Theo đó cần rà soát cụ thể và đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, sớm đưa mọi hoạt động trên địa bàn huyện trở lại bình thường. Đối với 19 hộ dân có bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại lớn, huyện phối hợp với các ngành liên quan và ngân hàng, có thể đề xuất việc khoanh nợ, giãn nợ để giúp người dân giảm bớt khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất.
Để hỗ trợ huyện sớm vượt qua khó khăn, trước mắt thành phố hỗ trợ Cát Hải 5 tỷ đồng. Nhân chuyến công tác của đoàn lãnh đạo thành phố tại huyện Cát Hải, Công ty Thai Hollding và Công ty Viconship hỗ trợ trực tiếp tới nhân dân huyện Cát Hải 5 tỷ đồng và 400 thùng mì ăn liền các loại. Cùng với đó, huyện cũng đang huy động các nguồn lực xã hội hóa để góp phần khắc phục, giải quyết nhanh hậu quả của cơn bão số 3.
Quan trọng hơn là với tinh thần đoàn kết một lòng, năng động, sáng tạo, chủ động của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện đảo, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của thành phố; các ngành, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, chắc chắn một ngày không xa nữa, đảo ngọc Cát Bà sẽ lại lung linh, tỏa sáng để đón du khách bốn phương./.
Hồng Thanh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh