21:54 19/08/2018 Theo đánh giá của Ban chỉ đạo 389 Hải Phòng, 6 tháng đầu năm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cơ bản được kiểm soát do các ngành thành viên Ban chỉ đạo 389 Hải Phòng và các cơ qian chức năng đã tổ chức triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tuy nhiên, trước tình hình sản xuất, buôn bán, vận chuyển hàng giả, nhập lậu và gian lận thương mại diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi đòi hỏi các cơ quan chức năng phải tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh, đặc biệt vào thời điểm cuối năm và dịp tết Nguyên đán…
Nhiều thủ đoạn tinh vi đối phó với cơ quan chức năng
Thông tin tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ vẫn là trọng điểm mà các đối tượng gian lận hoạt động. Trong đó Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang… là những địa bàn “nóng”.
Lợi dụng địa hình và dân cư sinh hoạt, mỗi khu vực các đối tượng lại nhập lậu chủng loại hàng hóa riêng. Tuyến biên giới phía Bắc, hàng hóa vi phạm chủ yếu là ma túy, pháo nổ, động vật hoang dã, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ điện tử gia dụng, gia cầm, máy móc… Đặc biệt xuất hiện tình trạng vận chuyển, buôn bán tiền giả với số lượng lớn (tháng 4-2018, Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng bắt 2 đối tượng chuyển gần 500 triệu đồng tiền giả vào Việt Nam).
Cán bộ Đội QLTT số 4 giám sát việc tiêu hủy số mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ
Tuyến biên giới miền Trung, sau khi bãi bỏ chính sách ưu đãi thuế đối với các khu kinh tế cửa khẩu thì tại Lao Bảo (Quảng Trị), Cầu Treo (Hà Tĩnh), tình trạng buôn lậu thuốc lá, rượu ngoại, đường cát… diễn ra rất phức tạp. Buôn lậu gỗ diễn ra nghiêm trọng tại các tỉnh có đường biên giới giáp Campuchia và Lào (tháng 5-2018, Hạt Kiểm lâm tỉnh Kontum kiểm tra lâm phần Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ia H’DraiCơ phát hiện tại một số khu vực gần biên giới đang tập keets642,222m3 gỗ các loại).
Còn tại tuyến biên giới Tây Nam bộ, hoạt động vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá ngoại, đường cát… tiếp tục diễn biến phức tạp, trọng điểm tại tỉnh Vĩnh Long và An Giang.
Tại Hải Phòng, hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng lậu và gian lận thương mại diễn biến phức tạp, đặc biệt gia tăng trong thời điểm Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ được tổ chức chặt chẽ từ khâu sản xuất đến khâu phân phối. Những mặt hàng này không chỉ được sản xuất trong nước mà còn được sản xuất ở nước ngoài, sau đó dán tem, nhãn xuất xứ là hàng Việt Nam đưa vào trong nước tiêu thụ. Ngoài ra, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn còn tiềm ẩn, chủ yếu xảy ra ở các cơ sở sản xuất thủ công, doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, các điểm giáp ranh giữa các quận, huyện, các tỉnh gây khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát…
Để đối phó với các cơ quan chức năng, trên tuyến biên giới đường bộ, các đối tượng thường lợi dụng địa hình nhiều đường mòn, lối mở, sông biên giới để thuê người dân mang vác hàng qua biên giới rồi dùng xe máy, xuồng ghe, xe tải nhỏ vận chuyển giấu vào nhà dân, vào các khu chợ, bến xe, kho hàng của hộ kinh doanh… để vận chuyển vào nội địa. Tại các cửa khẩu, các mặt hàng thuộc tiêu chuẩn cư dân biên giới bị lợi dụng để thu gom, hợp thức hóa hàng lậu. Trên các xe khách, xe tải xuất nhập cảnh, hàng lậu được trà trộn trong hàng hóa được phép nhập khẩu, trong hành lý, giấu trong các hầm hàng, vách ngăn được gia cố tinh vi, trên sàn xe, ghế xe…
Không chỉ sử dụng thủ đoạn tinh vi, các đối tượng buôn lậu còn ngày càng manh động. Chúng bố trí người đi trước cảnh giới, canh đường, theo dõi sát lực lượng chức năng nhằm trốn tránh hoặc tẩu tán hàng hóa khi bị kiểm tra, bắt giữ. thậm chí chúng còn sẵn sàng chống trả các lực lượng thi hành công vụ như bắn trả hoặc tông xe vào lực lượng chức năng…
Khi bị kiểm tra, các đối tượng thường dùng hóa đơn mua hàng với giá trị thấp hơn so với hàng hóa bán ra trên thị trường, quay vòng hóa đơn. Hàng hóa vận chuyển vào thành phố theo nhiều cung đường, thời điểm khác nhau với các mặt hàng chủ yếu là rượu, bia, thuốc lá, mỹ phẩm, đồ gia dụng.
Đặc biệt một số doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu có điều kiện đã sử dụng giấy tờ giả là giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu, nhập khẩu nhựa phế thải từ nước ngoài đưa về Việt Nam tái chế. Ngoài ra còn nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng nhưng khai báo năm sản xuất không đúng với năm sản xuất thật của máy. Gian lận trong kê khai hàng hóa nhập khẩu không đúng chủng loại, số lượng, mã hàng hóa. Đối với hoạt động xuất khẩu cũng có nhiều thủ đoạn như khi làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa, doanh nghiệp khai xuất khẩu sắt phế liệu nhưng khi kiểm tra giám định phát hiện là đồng hợp kim có hàm lượng đồng trên 90%.
Quyết liệt đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại
Đẩy mạnh các công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, 6 tháng của năm 2018, các đơn vị chức năng trên cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 88.229 vụ việc vi phạm (giảm gần 2% so với cùng kỳ năm 2017), thu nộp ngân sách nhà nước gần 7.500 tỷ đồng, khởi tố 887 vụ án với 889 đối tượng. Trong đó xử lý hơn 5.000 vụ vi phạm hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, tăng 117% so với cùng kỳ năm 2017.
Tại Hải Phòng, 6 tháng đầu năm, các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 Hải Phòng đã tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm 5.140 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước gần 153 tỷ đồng. Trong đó xử phạt vi phạm hành chính trên 50 tỷ đồng; trị giá hàng tịch thu, phát mại gần 25 tỷ; trị giá hàng hóa chờ xử lý gần 18 tỷ đồng; hàng tịch thu, tiêu hủy trên 198 triệu đồng; truy thu thuế gần 78 tỷ đồng.
Tiêu hủy mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Những con số trên chỉ là một phần trong bức tranh chống chống buôn lậu, gian lận thương mại được các cơ quan chức năng trên cả nước quyết liệt triển khai thời gian qua. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, những khó khăn ảnh hưởng đến hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại cũng được thẳng thắn nhìn nhận như: Địa bàn phức tạp, rộng lớn, thời tiết diễn biến thất thường ảnh hưởng lớn tới việc nắm bắt, phát hiện hoạt động vi phạm pháp luật của các loại đối tượng. Các phương tiện chuyên dụng cho công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên biển còn thiếu và yếu, kinh phí hoạt động, đặc biệt kinh phí điều tra, xử lý hàng giả còn hạn hẹp. trong khi các đối tượng vi phạm hoạt động ngày càng tinh vi và được trang bị đầy đủ các trang thiết bị hiện đại nên gây khó khăn và hạn chế cho kết quả hoạt động cho các lực lượng chức năng.
Những tháng cuối năm, dự báo hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn cả nước nói chung và Hải Phòng nói riêng vẫn diễn biến phức tạp. Các đối tượng sẽ tiếp tục lợi dụng sự thông thoáng trong cải cách thủ tục hành chính, khai báo thủ tục hải quan, cảng vụ, thuế điện tử… để buôn lậu, gian lận thương mại với các thủ đoạn như quay vòng hóa đơn, chứng từ, hợp thức nguồn gốc hàng hóa để đối phó với các lực lượng chức năng. Đồng thời lợi dụng chính sách ưu đãi trong đầu tư, xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất để buôn lậu, trốn thuế với mức độ và phương thức thủ đoạn tinh vi hơn, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong việc phát hiện, bắt giữ, xử lý.
Vì vậy Ban Chỉ đạo 389 các bộ ngành địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Xây dựng các kế hoạch chuyên đề về chống buôn lậu thuốc lá, dược mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Đồng thời tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa các lực lượng, lãnh đạo địa phương; chỉ đạo, kiểm tra các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các vụ việc đã phát hiện, tránh kéo dài gây dư luận xấu trong xã hội; rà soát các vụ việc nổi cộm để xử lý đúng người, đúng tội; thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền nhân dân không tiếp tay cho đối tượng buôn lậu, tham gia tố giác tội phạm…
Đối với Hải Phòng, thành phố tiếp tục làm tốt công tác nắm tình hình thị trường, tăng cường kiểm tra kiểm soát; làm tốt công tác hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật và vận động các cơ sở kinh doanh ký cam kết để góp phần nâng cao việc chấp hành pháp luật, hạn chế các hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại.
Tổ chức và thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp giữa các ngành thành viên; tăng cường các biện pháp nghiệp vụ gắn việc nắm tình hình, sử dụng đồng bộ các biện pháp công tác tuần tra, kiểm tra chặt chẽ khu vực biên giới biển, tập trung vào các địa bàn trọng điểm, các cửa sông, cửa lạch, cửa khẩu cảng… Đồng thời xây dựng kế hoạch chỉ đạo các ngành thành viên, các lực lượng chức năng thực hiện cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong những tháng cuối năm 2018 và giáp Tết Nguyên đán 2019.
Bùi Hạnh
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết