14:40 24/02/2023 Hết năm 2022, Hải Phòng có 5/7 huyện được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Thành phố đã công nhận 9 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và có thêm 20 xã NTM nâng cao. Đó là thành quả của tinh thần chung sức, đồng lòng, sự chủ động, sáng tạo của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân thành phố trong tiến trình đẩy mạnh Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Phát huy vai trò chủ thể của người dân
Để đạt được kết quả khả quan kể trên, thời gian qua, các cấp, ngành, đoàn thể trên địa bàn thành phố đã chú trọng tổ chức các lớp tập huấn, cập nhật kiến thức về xây dựng NTM cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM. Công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện Chương trình được triển khai thường xuyên đã giúp các địa phương kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Đáng chú ý, nhằm phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân trong tiến trình xây dựng NTM, công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân được thành phố đặc biệt quan tâm đẩy mạnh. Từ đó, đã phát huy được sức mạnh nội lực trong dân, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực chung sức, đồng lòng tham gia xây dựng NTM, tự nguyện đóng góp tiền của, ngày công lao động và hiến đất mở rộng các tuyến đường giao thông nội đồng, giao thông nông thôn.
Cùng với đó, thành phố luôn quan tâm ưu tiên đầu tư nguồn lực lớn từ ngân sách để hỗ trợ các địa phương thực hiện chương trình. Chỉ tính riêng năm 2022, theo Quyết định số 3666/QĐ-UBND, ngày 15-12-2021 của UBND TP về giao vốn đầu tư công cho các huyện để xây dựng xã NTM mới kiểu mẫu, Hải Phòng đầu tư 2.626,199 tỷ đồng cho các xã xây dựng NTM kiểu mẫu.
Trong đó, có 14 xã đã triển khai từ năm 2021 là 1.226,199 tỷ đồng (bình quân 87,6 tỷ đồng/xã); 35 xã triển khai từ năm 2022 là 1.400 tỷ đồng (bình quân 40 tỷ đồng/xã)).
Công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư công được các địa phương chú trọng triển khai nghiêm túc, hiệu quả. Tính đến 31-12-2022, việc giải ngân nguồn vốn của các huyện trung bình đạt 91,37%. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn trên địa bàn thành phố, nhất là cơ sở hạ tầng về giao thông, văn hóa, giáo dục của các xã tiếp tục được đầu tư mở rộng, nâng cấp theo hướng đồng bộ, hiện đại. Hệ thống chính trị ở khu vực nông thôn theo đó cũng không ngừng được củng cố, tăng cường; dân chủ ở cơ sở được phát huy tối đa.
Đường mới được mở rộng đã tạo điều kiện thuận lợi cho vệc đẩy mạnh cơ giới hoá đồng ruộng, đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất, kinh doanh. Từ đó, thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, vươn lên làm giàu chính đáng ngay từ đồng đất quê hương.
Nhà nhà, người người khu vực nông thôn thi đua sản xuất, kiến thiết quê hương. Thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân khu vực nông thôn theo đó không ngừng nâng cao đã góp phần quan trọng vào công tác đảm bảo an sinh, an ninh, an toàn xã hội và làm thay đổi căn bản, toàn diện diện mạo nông nghiệp, nông dân và nông thôn Hải Phòng.
Phấn đấu hết năm 2023 có 35 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 30 xã đạt chuẩn NTM nâng cao
Tính đến hết năm 2022, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của thành phố đã gặt hái được những kết quả rất đáng ghi nhận. 100% các xã đạt tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021-2025; thành phố đã công nhận thêm 20 xã NTM nâng cao. Theo dự kiến trong tháng 3-2023 sẽ hoàn thiện các thủ tục công nhận thêm 3 xã, nâng tổng số đạt xã đạt NTM nâng cao lên 45 xã (đạt 32,85%).
Cùng với đó, thành phố đã công nhận 9 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, dự kiến trong tháng 2-2023 sẽ hoàn thiện các thủ tục công nhận thêm 13 xã, nâng tổng số xã đạt NTM kiểu mẫu lên 22 xã (đạt 16%).
Đáng chú ý, trong xây dựng huyện NTM, Hải Phòng đã có 5/7 huyện được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận đạt chuẩn, gồm: Cát Hải, An Dương, Thủy Nguyên, Kiến Thụy và Tiên Lãng. Đối với 2/7 huyện còn lại gồm: An Lão, Vĩnh Bảo, ngày 27-12-2022, Hội đồng thẩm định Trung ương đã tiến hành họp xét, công nhận các huyện đạt chuẩn NTM. Văn phòng Điều phối NTM thành phố đã phối hợp cùng UBND 2 huyện và các sở, ngành thành phố hoàn thiện các báo cáo giải trình bổ sung, làm rõ một số nội dung theo yêu cầu của các thành viên trong Hội đồng thẩm định Trung ương.
Hết năm 2023, thành phố phấn đấu có 35 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 30 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, tiếp tục triển khai thêm 35 xã để hoàn thành vào năm 2024.
Mặt khác, ngành tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp sinh thái gắn với xây dựng NTM mới theo hướng kinh tế tuần hoàn; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, chuyển đổi cơ cấu sản xuất; triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, du lịch nông thôn được chú trọng ưu tiên phát triển nhằm góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân theo hướng bền vững.
Chất lượng giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe người dân cũng như nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần cho Nhân dân nông thôn; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn và được chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng được ngành ưu tiên chú trọng đẩy mạnh..., nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra.
Khánh Chi
15:04 09/01/2025
12:16 09/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh