Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường

    14:28 23/08/2022

    Chiều 22-8, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì tổ chức Hội nghị “Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tới 64 điểm cầu trên cả nước.
    Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hải Phòng

    Dự và chủ trì tại hội nghị có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội; Nguyễn Đắc Vinh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban văn hoá, Giáo dục của Quốc hội; Nguyễn Kim Sơn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT; Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó chủ nhiệm Uỷ ban văn hoá, Giáo dục của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương...

    Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Hải Phòng

    Dự hội nghị tại điểm cầu Hải Phòng có đồng chí Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố, Ban giám đốc Sở GD-ĐT cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

    Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Kim Sơn – Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, văn hóa học đường là môi trường quan trọng để giáo dục các thế hệ học sinh trở thành những công dân phát triển toàn diện đức – trí – thể - mỹ, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm với đất nước, cộng đồng, gia đình và bản thân.

    Trong những năm qua, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, văn hóa, đạo đức, lối sống, lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, nhà trường và xã hội quan tâm. Công tác xây dựng văn hóa học đường đã có nhiều chuyển biến tích cực; tạo niềm tin cho xã hội về chất lượng giáo dục, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài góp phần đào tạo nên những thế hệ công dân tốt, có phẩm chất, năng lực, đạo đức, văn hóa đáp ứng yêu cầu của xã hội.

    Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định, xây dựng văn hóa học đường là công tác hết sức quan trọng và có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay. Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn coi trọng và thường xuyên quan tâm đến vấn đề xây dựng văn hóa học đường. Với việc xác định thế hệ trẻ là tương lai của đất nước, rèn luyện, hoàn thiện nhân cách cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, nhà trường là môi trường quan trọng để hình thành, bồi đắp những giá trị, phẩm chất tốt đẹp, là nơi rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ trở thành những người có hoài bão, khát vọng và lý tưởng tốt đẹp. Văn hóa học đường là nền tảng thúc đẩy sự phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế; thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện sự nghiệp GD&ĐT.

    Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy công tác xây dựng văn hóa học đường hiện nay vẫn chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức, thường xuyên; việc thực hiện còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu; sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội và các tổ chức đoàn thể trong trường học thiếu chặt chẽ; nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục văn hóa học đường; cảnh quan của nhiều cơ sở giáo dục chưa xanh – sạch – đẹp; vấn đề bạo lực học đường, bệnh thành tích, sự thiếu trung thực trong giáo dục chưa được giải quyết triệt để; ý thức của một bộ phận học sinh, sinh viên còn hạn chế…

    Do vậy, để thực hiện tốt công tác xây dựng văn hóa học đường trong thời gian tới, đồng chí Trần Thanh Mẫn – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các bộ, ban, ngành, đoàn thể từ trung ương đến địa phương tiếp tục quán triệt, hoàn thiện các quy định pháp luật bổ sung, các quy chế liên quan tới xây dựng văn hóa học đường; gắn việc xây dựng tổ chức văn hóa học đường với thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục đạo đức lối sống; phát huy vai trò quan trọng của nhà trường trong tạo lập các yếu tố văn hóa, chuẩn mực văn hóa đạo đức, quy tắc ứng xử trong nhà trường và ngoài nhà trường, lấy con người làm trung tâm, phát huy vai trò của học sinh, sinh viên trong xây dựng văn hóa học đường.

    Cùng với đó, huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện, đảm bảo các điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất, bảo đảm sinh thái phù hợp với môi trường giáo dục; huy động sự tham gia tích cực của gia đình – cộng đồng xã hội trong xây dựng văn hóa học đường.  

    Bộ GD&ĐT cần phát huy tốt vai trò chủ trì, tham mưu, phối hợp, huy động sự tham gia của toàn hệ thống chính trị, nhất là MTTQVN, Hội Khuyến học, các đoàn thể, đặc biệt là các cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ trong Chỉ thị số 08 trong xây dựng văn hóa học đường.

    Tại Hội nghị, các đại biểu đã lắng nghe tóm lược một số nội dung Chỉ thị số 08 /CT-TTg ngày 1-6-2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường. Các đại biểu cũng tham gia thảo luận, đưa ra các giải pháp thực hiện có hiệu quả xây dựng văn hóa học đường phù hợp với thực tiễn.  

    LIÊM ĐOÀN

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông