10:02 02/02/2019 Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng vừa ban hành Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 31/1/2019 về học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ngày 24-1-2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Nghị quyết). Nghị quyết thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Trung ương đối với thành phố, mở ra một cơ hội mới, là nền tảng, là động lực quan trọng cho sự phát triển của thành phố. Vì vậy, việc học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt, nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức, ý chí và hành động trong toàn Đảng bộ và sự đồng thuận cao trong nhân dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết. Việc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, một nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, ngành, cần được tổ chức một cách thiết thực, hiệu quả; bảo đảm mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp đều quán triệt, nắm vững và thực hiện đúng đắn, sáng tạo Nghị quyết, phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Với tinh thần và ý nghĩa quan trọng đặc biệt đó, nhằm đạt được mục đích, yêu cầu nêu trên, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:
1- Về học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết
1.1- Toàn thể cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ chủ chốt các cấp và người đứng đầu đều có trách nhiệm học tập, quán triệt Nghị quyết. Các cấp uỷ, tổ chức đảng, trực tiếp là người đứng đầu, chịu trách nhiệm chỉ đạo, chủ trì việc tổ chức học tập, quán triệt, xây dựng chương trình hành động của cấp uỷ, tổ chức đảng, kế hoạch thực hiện Nghị quyết; chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát và hằng năm đánh giá kết quả thực hiện của địa phương, cơ quan, đơn vị mình.
1.2- Các tài liệu cần tập trung nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền gồm: Nghị quyết số 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương, của Thành ủy, HĐND thành phố, UBND thành phố.
Trên cơ sở các tài liệu về Nghị quyết, Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan biên soạn tài liệu học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết phù hợp với từng đối tượng, đi thẳng vào vấn đề, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ triển khai thực hiện.
1.3- Tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết phải được tiến hành khẩn trương, thường xuyên, nghiêm túc, đổi mới mạnh mẽ cả nội dung và phương thức, bảo đảm phù hợp với từng cấp, từng đối tượng. Kết hợp tự nghiên cứu với nghe phổ biến, kết hợp giữa học tập, quán triệt với thảo luận, thông qua chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết của cấp uỷ, tổ chức đảng; chú trọng việc kiểm tra, đánh giá việc học tập, quán triệt Nghị quyết.
Đối với cán bộ chủ chốt các cấp từ thành phố đến cơ sở và đội ngũ báo cáo viên thành phố, tổ chức các lớp học tập, nghiên cứu sâu những quan điểm cơ bản, tư tưởng chỉ đạo, nội dung cốt lõi, những vấn đề trọng tâm của Nghị quyết. Tập trung chủ yếu mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, các chỉ tiêu quan trọng, các nhiệm vụ và giải pháp nêu trong Nghị quyết; trong đó, chú trọng những nội dung liên quan đến ngành, lĩnh vực, nhiệm vụ của đối tượng học tập, quán triệt Nghị quyết.
Đối với cán bộ, đảng viên ở cơ sở, tổ chức các lớp học tập, quán triệt tập trung chủ yếu vào phần mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, các chỉ tiêu quan trọng, các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết.
Đối với các báo cáo viên, cán bộ, giảng viên và cán bộ theo học các lớp đào tạo, bồi dưỡng trong Trường chính trị Tô Hiệu, các trung tâm bồi dưỡng chính trị các quận, huyện cần tổ chức học tập, nghiên cứu sâu theo các chuyên đề về những quan điểm cơ bản, tư tưởng chỉ đạo, nội dung cốt lõi của Nghị quyết.
Thời gian tổ chức các lớp nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết đối với các ban đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng và cấp uỷ trực thuộc hoàn thành trong tháng 3-2019; cấp huyện và cấp cơ sở hoàn thành trong tháng 4-2019.
1.4- Bí thư cấp uỷ, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm trực tiếp truyền đạt Nghị quyết; trường hợp cần thiết, có sự hỗ trợ của báo cáo viên.
Đội ngũ báo cáo viên phải là những người nghiên cứu sâu, nắm vững Nghị quyết, có tư duy, quan điểm đúng đắn, có bản lĩnh, tâm huyết và trách nhiệm, có kinh nghiệm, nghiệp vụ, kỹ năng, bảo đảm truyền đạt trung thực, chính xác, sinh động nội dung Nghị quyết, phù hợp với từng đối tượng cụ thể.
1.5- Công tác tuyên truyền về Nghị quyết cần được tiến hành sâu rộng cả trong và ngoài thành phố, thường xuyên với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hấp dẫn và phù hợp với từng đối tượng; bảo đảm các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng Sông Hồng và vùng duyên hải Bắc Bộ cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân đều được phổ biến, tuyên truyền về Nghị quyết.
Các cơ quan báo chí, nhất là Báo Hải Phòng, Đài Phát thành và Truyền hình Hải Phòng, Website Thành ủy, Cổng thông điện tử thành phố, Tạp chí Sinh hoạt chi bộ,… cần tăng lượng tin, bài, mở các chuyên trang, chuyên mục như hỏi - đáp, trao đổi, toạ đàm, đối thoại… về Nghị quyết. Phát huy, khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hoá, thông tin hiện có, đẩy mạnh tuyên truyền miệng; đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết.
Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu đề xuất việc hợp tác thường xuyên với các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng Sông Hồng và vùng duyên hải Bắc Bộ để tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết.
1.6- Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, ban hành hướng dẫn tổ chức các lớp học tập, quán triệt Nghị quyết cho các đối tượng: cán bộ chủ chốt thành phố, thường trực cấp uỷ, lãnh đạo các ban tuyên giáo, báo cáo viên nòng cốt của các cấp uỷ trực thuộc Thành ủy; lãnh đạo các cơ quan báo chí, xuất bản; lãnh đạo các hội văn học, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật và văn nghệ sĩ, trí thức; giảng viên lý luận chính trị trong các trường đại học, cao đẳng. Hướng dẫn việc viết thu hoạch phù hợp với từng đối tượng. Chú ý đổi mới, áp dụng các hình thức học tập, quán triệt nhanh, sâu rộng, thiết thực, hiệu quả. Thành lập Tổ Báo cáo viên Thành ủy để trong trường hợp cần thiết hỗ trợ truyền đạt Nghị quyết cho cán bộ chủ chốt các quận, huyện và các đảng bộ trực thuộc; chỉ đạo tuyên truyền phổ biến Nghị quyết.
2- Về việc triển khai thực hiện Nghị quyết
2.1- Đảng đoàn HĐND thành phố, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chủ động phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội, các ban, bộ, ngành Trung ương xây dựng đề án trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép thành phố thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù (hoàn thành trong quý 3 năm 2019). Đảng đoàn HĐND thành phố có trách nhiệm chỉ đạo thể chế hoá về mặt nhà nước và giám sát thường xuyên việc triển khai thực hiện Nghị quyết.
2.2- Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chủ động phối hợp các ban, bộ, ngành Trung ương tham mưu, đề xuất Chính phủ sớm ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết (hoàn thành trong quý 2 năm 2019)và cụ thể hóa, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết.
Thúc đẩy liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng Sông Hồng và vùng duyên hải Bắc Bộ nhằm tạo khồn gian kinh tế thống nhất để thúc đẩy phát triển như yêu cầu của Nghị quyết.
2.3- Trên cơ sở các nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch của Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương và của Thành ủy, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành trung ương và các địa phương xây dựng chương trình hành động, thể chế hoá về mặt nhà nước, xây dựng, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách phát triển thành phố; đồng thời chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị xây dựng chương trình, đề án nhằm cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết.
2.4- Cấp uỷ, chính quyền và tổ chức chính trị - xã hội các cấp xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, triển khai các chương trình, kế hoạch của thành phố gắn với chức năng, nhiệm vụ, phù hợp với đặc điểm, tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị, bảo đảm khả thi, thiết thực, hiệu quả. Việc xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết phải hoàn thành ngay sau khi học tập, quán triệt Nghị quyết, không nhất thiết chờ chương trình, kế hoạch của cấp trên.
3- Tổ chức thực hiện
3.1- Các đảng đoàn, ban cán sự đảng, các ban của Thành ủy giúp Ban Thường vụ Thành ủy theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết; kịp thời báo cáo, đề xuất Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo giải quyết những vấn đề phát sinh.
3.2- Uỷ ban Kiểm tra Thành ủy xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết hàng năm.
3.3- Văn phòng Thành ủy chủ trì tham mưu, đề xuất việc thành lập Ban Chỉ đạo của Thành ủy thực hiện Nghị quyết. Phối hợp với các ban Thành ủy theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và định kỳ báo cáo Ban Chỉ đạo, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy việc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết và việc thực hiện Chỉ thị này.
Chỉ thị này phổ biến đến chi bộ.
23:13 03/01/2025
14:35 01/01/2025
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh