18:09 27/05/2020 Vừa qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tại Hải Phòng. Có thể nói, đây là hoạt động hết sức thiết thực, nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, duy trì ổn định và phát triển kinh tế thành phố, sau những tổn thất nặng nề do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.
Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tại Hải Phòng
Tính đến thời điểm này, dịch Covid-19 đã xuất hiện ở hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, với số lũy kế lên tới gần 5,3 triệu người mắc bệnh, trong đó khoảng 340 nghìn người đã tử vong.
Bên cạnh những vấn đề liên quan đến tính mạng và sức khỏe con người, dịch Covid-19 đã gây ra tổn thất quy mô lớn cho nền kinh tế toàn cầu. Nghiêm trọng hơn, những nền kinh tế lớn nhất, giữ vai trò trụ cột trong định hướng tiến trình hội nhập quốc tế như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU… đều đang ngập trong vòng xoáy suy thoái.
Đối với Việt Nam, dù dịch Covid-19 không đem đến những tổn thất về tính mạng, mức độ ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng cũng không đáng kể, nhưng tác động cộng hưởng giữa suy thoái ngoại nhập, cùng với nhiều hoạt động bị gián đoạn cũng khiến kinh tế nước ta mất mát không kém phần nghiêm trọng.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng, kết quả khảo sát cho thấy, có tới 85,7% số doanh nghiệp trên cả nước bị tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Trong quý 1 vừa qua, dù là nước có tăng trưởng tốt nhất khu vực Đông Nam Á, nhưng GDP của Việt Nam cũng chỉ đạt chỉ đạt 3,82%, thấp nhất trong 10 năm qua.
Liên quan đến hoạt động của ngành ngân hàng, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng, dịch Covid-19 không chỉ tác động tiêu cực đến các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phổ biến, mà trong đó ngân hàng cũng là một trong những ngành chịu tác động lớn nhất. Đánh giá sơ bộ của ngành ngân hàng cho thấy, mức tăng bình quân của tín dụng những tháng đầu năm chỉ đạt 0,78%, rất thấp so với năm 2019.
Nhìn từ góc độ Hải Phòng, dù là địa phương đạt những kết quả ấn tượng nhất trên cả hai lĩnh vực phòng chống dịch bệnh Coovid-19 và giữ nhịp độ phát triển kinh tế, nhưng các doanh nghiệp của Hải Phòng cũng không tránh khỏi tình trạng lao đao.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Mộng Lân – Tổng giám đốc Công ty Vico cho biết, “Thời điểm hiện tại Công ty Vico chỉ đặt mục tiêu giữ doanh thu và ổn định sản xuất là số 1, còn lợi nhuận thì xem xét sau…” . Nhưng những doanh nghiệp giữ được doanh thu và duy trì sản xuất như vậy đã là rất tích cực, còn có nhiều doanh nghiệp phải ngưng trệ hoàn toàn, thuộc nhóm các ngành du lịch, vận tải, kinh doanh nhà hàng, cơ sở lưu trú…
Đơn cử như ngành du lịch, theo chia sẻ của Phó giám đốc Sở du lịch Hải Phòng Vũ Huy Thưởng, trong 4 tháng đầu năm, khách du lịch đến Hải Phòng giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm 2019, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch đã phải ngừng hoạt động hoặc giảm quy mô chiếm tới trên 90%.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngay thời gian đầu dịch bệnh Covid-19 bùng phát, ngành ngân hàng đã dự báo sớm tình hình tác động. Trong thời gian qua, trong bối cảnh cùng cả nước gồng mình phòng chống dịch bệnh, ngành ngân hàng đã đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế, đồng thời triển khai nhiều biện pháp hiệu quả.
Trong đó một trong những giải pháp tích cực nhất là việc ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch bệnh.
Còn theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Phòng Lê Văn Cường, thời gian qua thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Hải Phòng đã tăng cường đôn đốc, giám sát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức tín dụng tại Hải Phòng, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt năm 2020.
Chi nhánh đã thiết lập đường dây nóng và thành lập Ban thường trực xử lý kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, các Hiệp hội doanh nghiệp… Đồng thời thường xuyên phối hợp với các sở, ban, ngành, các địa phương trên địa bàn Hải Phòng để kịp thời tuyên truyền, giải đáp thắc mắc, chung tay tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Ông Lê Văn Cường cho biết, đến nay các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hải Phòng đã thực hiện: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 1.239 khách hàng với dư nợ 1.919 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay cho 2.037 khách hàng với số tiền lãi 12 tỷ đồng; cho vay mới áp dụng lãi suất ưu đãi cho 1.997 khách hàng với doanh số lũy kế 10.566 tỷ đồng.
Đặc biệt, Ngân hàng chính sách xã hội chủ động phối hợp triển khai nắm bắt tình hình khách hàng vay vốn, đã tiến hành gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho 2.091 khách hàng, đem đến ý nghĩa hết sức thiết thực cho đối tượng vay chính sách.
Theo ông Lê Ngọc Thái – Giám đốc Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Hải Phòng, thời gian qua Vietcombank Hải Phòng thực hiện 3 đợt giảm đồng loạt lãi suất tiền vay . Theo đó, giảm tới 10% số tiền lãi phải trả cho các khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp, giảm 5% số tiền lãi phải trả cho các khách hàng bị ảnh hưởng gián tiếp bởi dịch Covid-19.
Tổng số có gần 300 khách hàng được giảm lãi suất đợt 2 với quy mô tín dụng khoảng 4.780 tỷ đồng, chiếm gần 55% dư nợ hiện hữu tại Chi nhánh. Mới đây nhất, Vietcombank Hải Phòng giảm đồng loạt lãi suất tiền vay đợt 3, giảm 5% số tiền lãi phải trả cho đối tượng là khách hàng cá nhân vay phục vụ đời sống bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Còn theo ông Nguyễn Bá Ngọc - Giám đốc Agribank chi nhánh Hải Phòng. Agribank Hải Phòng đã khẩn trương vào cuộc, tổ chức rà soát nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Trong đó chú ý tới khách hàng hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, nông nghiệp, xuất khẩu; đặc biệt là các doanh nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu và xuất khẩu; các doanh nghiệp đầu mối; các mặt hàng nông sản khó bảo quản, thời gian thu hoạch và tiêu thụ nhắn…
Tính đến nay, Agribank Hải Phòng có 129 khách hàng là doanh nghiệp được hỗ trợ với số dư nợ trên 1.600 tỷ đồng; hỗ trợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi tiền vay cho 85 khách hàng, bằng 66% số khách hàng bị ảnh hưởng. Agribank Hải Phòng cũng cho vay lãi suất ưu đãi 99 khách hàng doanh nghiệp với 317 tỷ đồng, mức lãi suất áp dụng giảm tới 2%/năm so với lãi suất thông thường.
Như vậy có thể thấy, trước những tổn thất do dịch bệnh Covid-19 gây ra, hệ thống ngân hàng, đặc biệt là các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hải Phòng đã triển khai khá nhanh nhạy các giải pháp chung tay cùng cộng đồng doanh nghiệp.
Đây là những hoạt động mang nhiều ý nghĩa, với vai trò giữ vững tuyến hậu cần cho nền kinh tế, để đội ngũ doanh nghiệp yên tâm, vững vàng bước vào mặt trận mới mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa phát lệnh khởi động.
Lê Minh Thắng (Còn nữa)
16:30 11/01/2025
16:29 07/01/2025
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh