Để bào ngư Bạch Long Vỹ thành thương phẩm

22:33 12/10/2018

Trong những chuyến công tác ở Bạch Long Vỹ, lần nào về cũng có người hỏi thăm tôi: “Có được ăn bào ngư không?”, mới thấy thương hiệu bào ngư gắn bó với huyện đảo thế nào. Nhưng do “người càng đông, của càng hiếm”, mấy năm gần đây nguồn lợi bào ngư ở Bạch Long Vỹ gần như cạn kiệt, đâu phải lần nào ra đảo cũng được thưởng thức.

                                                                               

Bào ngư Bạch Long Vỹ

          “Của trời” càng ngày càng hiếm.

          Những ai từng tìm hiểu về Bạch Long Vỹ, huyện đảo của Hải Phòng nằm cách đất liền hơn một trăm cây số, chắc sẽ được nghe nhắc đến bào ngư. Một thời, đặc sản bào ngư được biết là niềm tự hào của huyện đảo, khiến nhiều du khách đã đến đây là tìm cách mua bằng được.

Nhưng lâu nay, người ta chỉ biết đến loại nổi tiếng gắn với tên tuổi Bạch Long Vỹ là bào ngư 9 lỗ (tên khoa học Haliotis diversicolor Reeve). Theo tài liệu khoa học, loại bào ngư này là loài thân mềm chân bụng, từ mép vỏ gần miệng xoắn gờ thường tạo thành 9 lỗ nên còn được gọi là ốc “cửu khổng” hay “bào ngư 9 lỗ”. Bào ngư 9 lỗ chân rộng, bám chắc vào đá ở vùng nước biển chảy mạnh có độ mặn cao, vì vậy ở vùng biển phía Bắc, bào ngư cũng chỉ xuất hiện ở một số khu vực, trong đó mật độ phân bố cao nhất là vùng đảo Bạch Long Vỹ.

Một lần tới đảo, khi tỉ tê trò chuyện với một ngư dân bên bờ âu tàu, tôi giả bộ hỏi: “Bào ngư là thứ gì mà nhiều người lùng mua thế…?”. Anh này nghênh mặt ra tầm quan trọng: “Chưa được ăn bào ngư bao giờ à?”. Tôi lại làm vẻ lắc đầu, anh được thể hăng lên: “Vứt, vứt… đàn ông mà không biết bào ngư là vứt… ”.

Rồi anh kể ra hàng loạt công dụng của đặc sản này, nào là nó bổ tì bổ vị, thông khí huyết, chống suy nhược cơ thể, nhưng quan trọng nhất là giúp các quý ông tăng cường dương lực, “chiến đấu” không biết mệt mỏi… “Chỉ cần ăn vài con là chị em nhớ mình đến chết luôn…” – anh này quả quyết.  

          Chỉ nghe tả thôi cũng đã “chết thèm”, từ món nướng, món gỏi, món xào... rồi cháo bào ngư, rượu bào ngư, nói đến món nào là cảm thấy hai cánh mũi phưng phức với món ấy. Có lẽ chính vì giá trị như thế mà bào ngư trở thành mục tiêu săn lùng quyết liệt, khiến nguồn ở Bạch Long Vỹ bị khai thác kiệt quệ. Nên thao thao bất tuyệt một hồi, rồi tự nhiên vẻ mặt anh bạn ngư dân chùng xuống: “Nói thế chứ ngay như tôi đây, mấy năm nay cũng có được hớp rượu bào ngư nào đâu?”. Thì cứ tính, mỗi kg bào ngư tươi bây giờ cũng tiền triệu, rượu một lọ lít rưỡi bán rẻ cũng có số tiền tương ứng, dân thường sao dám sờ đến nữa.

Chung một nỗi niềm, một đồng chí bộ đội biên phòng đi cùng chuyến tàu tâm sự: “Ngày trước bào ngư tự nhiên ở Bạch Long Vỹ nhiều lắm, nhưng đánh bắt nhiều ngày càng cạn kiệt…”. Kể cũng phải, Bạch Long Vỹ dù có hệ sinh thái rất đa dạng với 274 loài thực vật và 738 loại động vật biển,  nhưng thực ra chỉ là một hòn đảo nhỏ. Lúc thủy triều xuống thấp nhất, tính cả vùng đá ngập mới khoảng trên 3 km², còn bình thường chỉ chừng 1,8 km²,  một vùng khai thác nhỏ nhoi như thế, thì nguồn tự nhiên sao tái tạo để cung cấp kịp cho sự ham muốn của “thượng đế” khắp nơi cơ chứ.

Từ năm 2013 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 2630/QĐ-TTg về thành lập Khu bảo tồn biển Bạch Long Vỹ. Đây là cơ hội gìn giữ những loài hải sản đặc hữu cho huyện đảo, mà nổi bật trong đó có bào ngư và hải sâm vốn đã từng là thương hiệu nổi tiếng.

Nỗ lực tìm nguồn tái tạo

Những năm gần đây, Bạch Long Vỹ được phát triển theo hướng thành trung tâm hậu cần nghề cá, lượng tàu thuyền ra vào âu đảo ngày càng nhiều, tính bình quân có tới 20 nghìn lượt tàu/năm. Số tàu thuyền đến lớn, tỷ lệ thuận với nhu cầu tiêu thụ càng cao, nguồn bào ngư tự nhiên của huyện đảo bị quét vét vô tội vạ, đến nỗi không còn nguồn tái tạo sinh trưởng.

Trước thực trạng này, từ năm 2012, Viện nghiên cứu hải sản (trụ sở đóng tại Hải Phòng) đã xây dựng đề án ươm giống nhân tạo bào ngư. Người phụ trách đề án thời điểm đó là thạc sỹ Lại Duy Phương cho biết, Viện phối hợp với Tổng đội thanh niên xung phong Hải Phòng, xây dựng trung tâm giống bào ngư tại Bạch Long Vỹ.

Sau một thời nghiên cứu ứng dụng, từ 20 cặp bào ngư bố mẹ được thuần hóa, lứa bào ngư gây giống nhân tạo đầu tiên đã ra đời, thành công ngoài sự mong đợi, tỷ lệ sinh nở từ ấu trùng đạt tới 10%. Trung tâm đã gây hàng vạn con giống, cơ bản đáp ứng các yêu cầu của tự nhiên, mở ra hướng đi cho một phân ngành kinh tế mới trên huyện đảo.

Không chỉ dừng ở đó, mới đây nhất Viện nghiên cứu hải sản lại có thêm một công trình nữa liên quan đến tương lai của bào ngư Bạch Long Vỹ. Số là,  từ thông tin do ngư dân ở đảo cung cấp, trong phạm vi nghiên cứu đề tài Tiến sỹ, Thạc sỹ - Nghiên cứu sinh Đào Minh Đông đã cùng Ban quản lý Khu bảo tồn biển Bạch Long Vĩ tiến hành điều tra, khảo sát, phát hiện thêm loài bào ngư mới, qua phân tích ADN đã xác định được là loài bào ngư dài (Haliotis varia Linnaeus). Đây là một phát hiện mới về mặt khoa học và là cơ sở cho các nghiên cứu tiếp theo về giải pháp quản lý, phát triển nguồn lợi loài bào ngư này.

Trung tâm giống bào ngư Bạch Long Vỹ

Kết quả nghiên cứu cho thấy, so với bào ngư “9 lỗ”, loại bào ngư dài có hình thái sinh trưởng khác rõ rệt. Nếu như bào ngư “9 lỗ” có kích thước lớn hơn, sống bán chặt vào mặt dưới các vỉa đá ở độ sâu thường trên 10 mét, thì bào ngư dài phân bố vùng dưới triều đến độ sâu chỉ trên dưới 3 mét, kích thước nhỏ hơn, nhưng thân mỏng và dài hơn, thường hay sống trong các hốc nhỏ, khe của các vỉa đá.

Bước đầu, bộ phận nghiên cứu của Thạc sỹ Đào Minh Đông đã khảo sát nguồn giống bào ngư dài, độ thích nghi với môi trường từng khu vực quanh đảo, hình thành sơ bộ cho hướng phát triển nhân tạo trong tương lai.

Điều quan trọng là, hiện vùng đảo đá quanh vịnh Bắc Bộ, bao gồm cả địa phận Quảng Ninh và Hải Phòng, nguồn bào ngư đang ngày càng khan hiếm. Giá của bào ngư “9 lỗ” trên thị trường dao động trong khoảng từ 600 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng/kg, loại bào ngư dài có giá trị thấp hơn nhưng vẫn thuộc diện đặc sản.

Chính vì vậy, việc phát hiện thêm giống bào ngư dài ở Bạch Long Vỹ có ý nghĩa rất lớn cho huyện đảo, nếu như các công trình tái tạo thành công, chủ động được nguồn giống và công nghệ nhân tạo, rất có thể bào ngư Bạch Long Vỹ sẽ trở thành thương phẩm, đem lại nguồn lợi kinh tế cao.

Vấn đề đặt ra là, thành công mới chỉ là kết quả nghiên cứu ban đầu, để bảo tồn phát triển nguồn lợi bào ngư Bạch Long Vĩ, cần có sự đầu tư lớn hơn, các nghiên cứu sâu hơn về đặc điểm sinh học của chúng, hoàn thiện quy trình sinh sản nhân tạo và các giải pháp nuôi bào ngư trên diện rộng. Mặt khác, như kết quả từ công trình ươm giống bào ngư “9 lỗ” trước đó, thì dù chủ động được nguồn giống thì bào ngư vẫn phải thả ra tự nhiên mới có thể sinh trưởng thành sản phẩm tiêu chuẩn.

Mà sự tồn vong ngoài phụ thuộc vào việc quản lý khai thác, còn bị tác động rất lớn từ môi trường. Vì vậy, để bào ngư Bạch Long Vỹ có thể vươn ra thị trường, phải có sự đầu tư đồng bộ, mà tiềm lực của một hay vài nhóm người say mê nghiên cứu sẽ gặp khó. Nghĩa là cần phải nâng tầm công trình nghiên cứu khoa học thành một dự án phát triển kinh tế hoàn thiện.

Nếu mọi việc suôn sẻ, thì tương lai của huyện đảo sẽ có thêm nhiều khoảng sáng, và biết đâu khi có dịp trở lại Bạch Long Vỹ, tôi sẽ lại được ngắm vũ điệu của sứa biển và nhâm nhi bào ngư nướng với canh hải sâm? Mơ ước thế nhưng có lẽ vẫn còn hơi sớm, vì tất cả còn chờ kết quả từ những người thực hiện, thôi đành dè dặt nuôi một niềm hy vọng ở tương lai.

Gia Lê

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông