16:50 30/10/2014
Sáng qua 29-10, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đọc tờ trình và nghe Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Trong phiên thảo luận tổ chiều qua về dự án Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi), đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa, Phó bí thư thường trực Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hải Phòng cho rằng, Luật ngân sách nhà nước hiện hành quy định: không dùng ngân sách của cấp này chi cho cấp khác, song thực tế hàng năm, ngân sách cấp tỉnh vẫn phải dùng ngân sách địa phương để chi cho các ngành như: công an, tòa án, viện kiểm sát… Nhưng các khoản chi này, theo Kiểm toán nhà nước lại không phù hợp, mặc dù nhiệm vụ chi cho các cơ quan này là thiết thực, đề nghị Ban soạn thảo dự luật lần này có sửa đổi cho phù hợp với thực tế. Đại biểu Nguyễn Thị Nghĩa cũng cho rằng, đối với các địa phương điều tiết ngân sách nhà nước về trung ương phải tự điều tiết các khoản chi của địa phương nếu nguồn thu còn hạn hẹp. Ví dụ như TP Hải Phòng hàng năm điều tiết một phần về ngân sách trung ương nhưng nguồn thu còn hạn hẹp nên các khoản chi cho đầu tư phát triển, an sinh xã hội, chế độ chính sách… rất hạn hẹp và thường phải áp dụng ở mức cận dưới các khoản chi theo Chính phủ quy định. Đại biểu Nguyễn Thị Nghĩa đề cập đến vấn đề thu xuất nhập khẩu lớn của một số địa phương, trong đó có TP Hải Phòng. Theo đại biểu Nguyễn Thị Nghĩa, tại Kết luận số 72-KL/TW của Bộ Chính trị đã đồng ý với đề xuất của TP Hải Phòng về cơ chế hỗ trợ Hải Phòng khoảng 10% thu xuất nhập khẩu qua cảng, song dự thảo luật chưa đề cập đến vấn đề này. Đại biểu Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, thực tế những năm qua, nguồn thu xuất nhập khẩu của Hải Phòng rất lớn nhưng khoản thu này được điều tiết 100% về trung ương, trong khi cơ sở hạ tầng của thành phố xuống cấp nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông… thành phố đang phải hứng chịu. Hơn nữa hàng năm, mặc dù ngân sách địa phương rất hạn hẹp nhưng thành phố vẫn phải trích một phần cho đầu tư cơ sở hạ tầng, đường sá, cầu cảng, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường… Từ thực tế đó, đại biểu Nguyễn Thị Nghĩa đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành xem xét, cho phép hỗ trợ TP Hải Phòng 10% trong tổng số nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu để tái đầu tư cho cơ sở hạ tầng, bảo trì đường sá, xây dựng cầu cảng…, từ đó nuôi dưỡng nguồn thu để tiếp tục tăng thu xuất nhập khẩu hàng năm. Được biết, nguồn thu hoạt động xuất nhập khẩu hàng năm của Hải Phòng đạt khoảng 43 nghìn tỷ đồng. Hôm nay, 30-10, Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015. THẾ KHOA |
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh