14:31 15/04/2020 Đối với những tỉnh, thành phố nằm trong nhóm nguy cơ cao, Ban Chỉ đạo thống nhất kiến nghị Thủ tướng tiếp tục thực hiện biện pháp giãn cách xã hội như quy định trong Chỉ thị 16 thêm ít nhất 1 tuần.
Ngày 15/4, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã họp về các biện pháp tiếp tục ngăn chặn dịch, bệnh lây lan.
Tại cuộc họp, các ý kiến nhận định, nhờ thực hiện các biện pháp cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đã kiểm soát được tình hình dịch COVID-19. Tuy nhiên, diễn biến dịch còn phức tạp, dự kiến kéo dài, do đó cần có các biện pháp để tiếp tục thực hiện hai nhiệm vụ vừa phòng, chống dịch, vừa bảo đảm đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản chỉ đạo tiếp tục thực hiện quy định về giãn cách xã hội sau ngày 15/4. Ban Chỉ đạo nêu rõ, dựa trên các tiêu chí đã được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng và phân loại mức độ nguy cơ dịch bệnh, các địa phương sẽ được chia làm 3 nhóm: nguy cơ cao, có nguy cơ và nguy cơ thấp.
Việc phân loại dựa trên các tiêu chí: Đầu mối giao thông, mật độ di chuyển và đi lại lớn; có biên giới, nhiều người qua lại biên giới; những điểm trước đây có tiếp xúc rất nhiều với người nước ngoài; mật độ dân cư; mật độ các nhà máy, khu công nghiệp. Đặc biệt, có một nhóm tiêu chí liên quan đến năng lực ứng phó của chính quyền khi có ca bệnh, năng lực kiểm soát việc thực hiện các chỉ đạo, chỉ thị, khuyến nghị về phòng, chống dịch COVID-19 từ trước đến nay.
Đối với những tỉnh, thành phố nằm trong nhóm nguy cơ cao, Ban Chỉ đạo thống nhất kiến nghị Thủ tướng tiếp tục thực hiện biện pháp giãn cách xã hội như quy định trong Chỉ thị 16/CT-TTg thêm ít nhất 1 tuần.
Ban Chỉ đạo thống nhất sẽ đưa ra những yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước như tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp đeo khẩu trang; không tập trung đông người; giữ khoảng cách; bảo đảm vệ sinh dịch tễ…
Một số loại hình dịch vụ kinh doanh, vui chơi giải trí chưa được phép hoạt động. Tùy theo điều kiện, mức độ đánh giá nguy cơ của từng địa phương mà lãnh đạo tỉnh, thành phố có thẩm quyền và trách nhiệm quy định các biện pháp bổ sung để vừa bảo đảm phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội.
Những sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội trong trường hợp thật cần thiết sẽ được tổ chức theo hướng tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn về giám sát y tế để bảo đảm an toàn. Tại những địa phương có nguy cơ và nguy cơ thấp, một số hoạt động sản xuất kinh doanh được phép hoạt động có điều kiện, trên cơ sở bảo đảm an toàn vệ sinh dịch tễ.
Đối với hoạt động đi lại, Ban Chỉ đạo thống nhất kiến nghị tiếp tục thực hiện các giải pháp ngăn chặn dịch bệnh từ bên ngoài. Ở trong nước, tùy vào mức độ, nguy cơ, từng địa phương sẽ có giới hạn cụ thể. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải sẽ có những quy định cụ thể.
Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu, thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh, Ban Chỉ đạo đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo lực lượng chức năng tiếp tục xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch, trong đó có việc trích xuất camera để tiến hành xử phạt "nguội".
Theo TTXVN
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh