Đến thăm đảo ngọc Long Châu

03:07 23/01/2016

 

 

Ngọn đèn hải đăng Long Châu luôn tỏa sáng
Ngọn đèn hải đăng Long Châu luôn tỏa sáng

Chiều cuối năm, tiếng cuông điện thoại vang lên, giọng nói của trung tá Vũ Quang San, Chính trị viên đồn biên phòng Cát Bà hồ hởi thông báo đã có tàu ra đảo Long Châu, anh chuẩn bị hành lý ra Cát Bà để đi ra đảo. Tôi tất tưởi chuẩn bị hành lý, thoáng nghĩ mình ra đảo mang theo quà gì cho anh em. Nhìn chồng báo để góc bàn làm việc, trong tôi lóe lên ý nghĩ, quà cho những người đảo xa là đây!

Tôi đi trên chuyến tàu của anh Đỗ Văn Hánh, ở Yên Hưng, Quảng Ninh, vợ chồng anh làm nghề thu mua hải sản ở vùng biển Long Châu. Tranh thủ hỏi chuyện, được biết vợ chồng anh Hánh có 9 năm làm nghề thu mua hải sản trên vùng biển, đảo Long Châu, lần nào có cán bộ biên phòng ra đảo là tàu của vợ chồng anh đều chở. Tàu của anh Hánh đã nhiều lần tham gia cùng bộ đội biên phòng tìm kiếm cứu hộ ngư dân gặp nạn trên biển, anh Hánh được Ban chỉ huy đồn biên phòng Cát Bà biểu dương, khen ngợi vì đã có thành tích tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển.

Tàu chạy từ từ vào trong vụng, một cán bộ biên phòng trên Trạm quan sát Biên phòng Long Châu cánh tay săn chắc chèo thuyền ra đón, trên bờ 5-6 cán bộ của trạm hải đăng và đài quan sát Long Châu đứng đợi chúng tôi ra thăm đảo, niềm vui hiện trên khuôn mặt từng người. Lên thăm Trạm Hải đăng, tôi chăm chú ngước nhìn những bức ảnh trong khung treo trên tường, đó là những bức ảnh chụp lưu niệm của các đoàn công tác đến với Long Châu, đặc biệt, năm nào gần tết cũng có đoàn cán bộ của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố, Công ty bảo đảm an toàn hàng hải, lãnh đạo và cơ quan, ban ngành huyện Cát Hải ra thăm động viên tinh thần, vật chất CBCS và có cành đào nở hoa tươi thắm.

 Đảo Long Châu như một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ với những ngọn núi cao sừng sững và ngọn hải đăng cao vút; xa xa là vùng biển rộng mênh mông sóng vỗ, tôi chợt nhớ đến lời trong bài hát: Chiến sĩ biên phòng đất cảng, sáng tác của nhạc sĩ Phương Minh Quang “Biển xa vợi vợi gọi Biên phòng, bão giông Long Châu đèn soi sáng, niềm tin vào dân thề son sắt, canh giữ cho thành phố luôn thanh bình”.

Trên đảo có hai lực lượng là CBCS Trạm quan sát biên phòng Long Châu và cán bộ Cty bảo đảm an toàn hàng hải Hải Phòng làm nhiệm vụ. Họ là hàng xóm “tối lửa tắt đèn có nhau”, chia se tình cảm, nấu giúp nhau bát cháo, bát canh, rót cốc nước uống viên thuốc khi ốm đau. Nếu có ai đó vào đất liền mua lương thực thực phẩm đều mua hộ nhau, đóng thành 2 bao tải chuyển xuống tàu, về đến đảo lại gọi nhau để nhận. Những lúc bên này hết nước ngọt, bên kia xẻ can nước ngọt chia đôi và tối tối ngồi quây quần bên ấm trà, đọc báo, xem thời sự, hàn huyên chia sẻ chuyện gia đình thật ấm cúng trong ngôi nhà đại gia đình trên đảo.

Điều kiện trên đảo thuần núi đá nên không có nước ngọt, mùa mưa họ phải tìm đủ cách tích nước trời vào trong bể và téc inox, mùa khô, thiếu nước anh em vượt dốc dài khoảng 800m, xuống bến tàu mua từng can nước ngọt của ngư dân. Thế nên nước trên đảo Long Châu được sử dụng triệt để qua nhiều chức năng, tắm rửa xong giữ lại để tưới cây, rửa rau, vo gạo cũng lưu lại để tưới rau. Tôi tận mắt chứng kiến vườn rau xanh trên đảo đá Long Châu, đủ loại rau muống, rau ngót, rau cải, các loại rau gia vị như rau răm, rau lá nốt, cây xả, lá mơ… như trong đất liền. Sáng, chiều, những cán bộ đài quan sát biên phòng và trạm hải đăng múc từng xô nước đã qua sử dụng lưu trữ trong thùng xây bê tông, tưới luống rau, vừa làm vừa cười nói rôm rả. Thượng úy Cao Văn Quyết - Đài trưởng cho biết: Để có đất trồng rau, anh em vào các xã trong đảo Cát Bà xin đất, sau đó đóng vào bao tải và nhờ tàu thu mua vận chuyển giúp.

Cán bộ, chiến sĩ Biên phòng tuần tra bảo vệ đảo Long Châu
Cán bộ, chiến sĩ Biên phòng tuần tra bảo vệ đảo Long Châu

Nhìn từ xa, ngọn hải đăng Long Châu sừng sững giữa vùng biển trời bao la của tổ quốc, tựa như một cây tháp bút khổng lồ viết lên trời xanh. Người dân đi biển thường gọi ngọn hải đăng Long Châu là “Mắt Long Châu”. Đã qua trên 120 năm, cây đèn biển Long Châu luôn tỏa sáng soi đường cho hàng triệu lượt tàu, thuyền ra vào cảng Hải Phòng, bất chấp mọi sự khắc nghiệt của thiên nhiên, vượt qua mọi thử thách của thời gian. Đây là điểm chuẩn của đường hàng hải Hải Phòng - Đà Nẵng, Hải Phòng - Hải Nam, Trung Quốc. Từ vùng biển quốc tế, các tàu thuyền nhận được vị trí cảng Hải Phòng qua ánh sáng đèn Long Châu và Hòn Dấu. Đèn Long Châu ở độ cao 180m so với mặt nước biên, hàng ngày những cán bộ leo120 bậc cầu thang qua xoáy chôn ốc lên tận ngọn đèn để lau chùi kính, bóng đèn, kiểm tra thiết bị hệ thống chiếu sáng.

Ở Long Châu có hai thứ: Rắn ở trên đất và sét ở trên trời. Nói về rắn, Long Châu có hai loại rắn độc: rắn màu lục và rắn màu nâu, nếu vô tình bị chúng cắn mà không kịp thời hút độc hoặc cắt bỏ ngay phần bị cắn thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Còn sét ở Long Châu thì ít nơi nào sánh được; trong cơn mưa, bầu trời Long Châu liên tục bị xé nát bởi những tia chớp và tiếng sét liên hồi. Người trên đảo bịt chặt tai lại mà vẫn không khỏi inh tai, nhức óc vì những chuỗi sét kinh hoàng như bom tấn. Ti vi, bóng đèn đã rút điện mà vẫn không tránh khỏi sét đánh cháy thui qua cảm ứng.

Anh em trên đảo kể, đã có 1 cán bộ trạm hải đăng và 1 cán bộ biên phòng công tác trên đảo Long Châu bị rắn cắn, nhưng may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần nhờ chuyển vào bệnh viện cấp cứu kịp thời. Anh Đặng Duy Chức, Trạm phó Hải đăng Long Châu, trong một lần mở kho lấy dầu đổ vào máy phát điện đã bị con rắn lục nằm trên nắp thùng phuy cắn dính nọc độc toàn thân, người đờ đẫn, tím tái, may sao anh em ở trạm hút độc, ga rô, dùng tạm lá thuốc nam đắp và vận chuyển vào Bệnh viện đa khoa Cát Bà, anh Chức thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Sống ở trên đảo, anh em truyền kinh nghiệm cho nhau về loài rắn, chỉ có mùa xuân rắn bò ra ngoài nhiều nhất vì thời kỳ này chúng lột xác, đẻ trứng, chúng bò ra cả con đường bê tông lối lên nhà đèn, do vậy ai đi đường, nhất là vào ban đêm, phải căng mắt ra quan sát, kẻo dẫm phải chúng là “dính đòn” ngay tức khắc.

 Ngay nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, khi đất nước đang tích cực chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, việc giao thương trên đường biển, tàu thuyền khắp nơi ra vào cảng Hải Phòng đã đem lại những nguồn lợi to lớn trong phát triển kinh tế biển, cùng với đó là những thách thức về vấn đề chủ quyền, an ninh trên biển. Dù có khăn gian khổ, thiếu thốn nhưng mỗi cán bộ chiến sĩ biên phòng và công nhân viên ngọn hải đăng trên đảo Long Châu vẫn luôn miệt mài làm nhiệm vụ quan sát toàn bộ vùng biển, đảo, vùng trời Cát Bà, bắn pháo hiệu báo bão khi có lệnh, tham gia cứu hộ cứu, nạn trên biển và giữ cho cây đèn biển luôn tỏa sáng, soi đường chỉ lối cho tàu thuyền năm châu tấp nập ra vào cảng.

Chia tay những người lính quân hàm xanh và cán bộ trạm hải đăng trên đảo Long Châu trong tiết trời se lạnh, giữa vùng biển Cát Bà mênh mông sóng vỗ, trong tôi dâng lên niềm xúc động và tự hào. Một mùa xuân nữa lại về, những người lính biên phòng cùng với cán bộ trạm hải đăng vẫn kiên cường bám đảo, luôn giữ ánh đèn Long Châu tỏa sáng và vững chắc tay súng bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của tổ quốc, để mùa xuân bình yên, ấm no hạnh phúc về với mọi nhà.

Nguyễn Quang Vinh


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông