16:05 23/05/2024 Từ cuối năm 2022, Công ty CP Cảng Hải Phòng chính thức nhận quyết định của UBND thành phố về thu hồi diện tích đất khu Cảng Hoàng Diệu để thực hiện dự án đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi và chỉnh trang đô thị vùng phụ cận. Tiếp đó, trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, các công việc liên quan tới việc di dời Cảng Hoàng Diệu, GPMB, thu hồi đất được triển khai. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi sớm có biện pháp giải quyết phù hợp.
Băn khoăn những nỗi niềm
Khu Cảng Hoàng Diệu ra đời sớm nhất trong các bến cảng tại Hải Phòng, có lịch sử hàng trăm năm, gắn liền với thành phố Hải Phòng, với truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường; với phong trào công nhân; với chi bộ Đảng đầu tiên và rất nhiều kỷ niệm khác. Bởi thế khi giờ đây, Cảng Hoàng Diệu phải di dời, nhường chỗ cho những công trình, dự án đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố sẽ không tránh khỏi những suy tư, tiếc nuối, những nỗi niềm trăn trở và cả những khó khăn liên quan tới các cầu Cảng, hệ thống kho bãi và đặc biệt là hàng nghìn lao động… Mặc dù đây là việc đã được nói tới, được đề cập nhiều trong nhiều năm qua nhưng dường như vẫn còn có sự nhùng nhằng với những hoài niệm về một bến cảng cũ đã tồn tại hàng trăm năm nay và yêu cầu về sự phát triển mới của đô thị Hải Phòng ở cả hai bên bờ sông Cấm.
Biết là vậy nhưng đây là xu thế tất yếu của sự phát triển. Có thể nói, các bến cảng Hoàng Diệu cho dù với lịch sử hàng trăm năm nhưng cho tới thời điểm này đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Để rồi từ đây, sẽ có những công trình mới, dự án lớn làm đổi thay diện mạo đô thị.
Ngày 29-7-2016 , Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển phía Bắc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, các bến sông Cấm không phát triển mở rộng; từng bước di dời, chuyển đổi công năng bến cảng Hoàng Diệu. Lộ trình di dời phù hợp với kế hoạch xây dựng cầu Nguyễn Trãi và tiến độ xây dựng các bến cảng tại khu bến Lạch Huyện.
Tháng 3-2017, Bộ Giao thông Vận tải và Thành ủy Hải Phòng đã thống nhất chủ trương di dời bến cảng Hoàng Diệu. Thủ tướng Chính phủ cũng đã thống nhất với đề nghị của UBND thành phố Hải Phòng về chủ trương đầu tư các bến cảng số 3, 4 khu bến cảng Lạch Huyện của Công ty CP Cảng Hải Phòng để phục vụ việc di dời cảng Hoàng Diệu.
Trước đó, khi xây dựng cầu Hoàng Văn Thụ, 3 cầu cảng của Cảng Hoàng Diệu cũng đã được thu hồi. Hiện dự án xây dựng cầu Nguyễn Trãi và chỉnh trang đô thị vùng phụ cận đang khá cấp bách và việc di dời cảng Hoàng Diệu cũng cần khẩn trương hơn.
Xử lý, tháo gỡ thấu lý, đạt tình
Tuy nhiên, việc di dời bến cảng có lịch sử hàng trăm năm với hàng chục cầu cảng, hệ thống kho, bãi và hàng nghìn người lao động hoàn toàn không đơn giản, cần có các giải pháp thấu ý, đạt tình.
Theo lãnh đạo Công ty CP Cảng Hải Phòng, tài sản, vật kiến trúc, máy móc thiết bị của khu cảng Hoàng Diệu có giá trị rất lớn, việc di chuyển rất khó khăn, phức tạp nên cần có phương án cụ thể, chi tiết. Cảng Hải Phòng đã phối hợp với UBND quận Ngô Quyền để tính toán cụ thể. Cùng với đó, việc di dời bến cảng liên quan tới việc làm, đời sống của 896 người lao động. Do đó, Công ty CP Cảng Hải Phòng đề nghị thành phố có chính sách hỗ trợ, trợ cấp cho người lao động với mức đề xuất là 6 tháng liền kề trước khi mất việc.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Công ty CP Cảng Hải Phòng cũng đề nghị thu hồi đất theo lộ trình. Cụ thể, có thể phân kỳ thu hồi các càu cảng theo tiến độ đầu tư, trước hết là ưu tiên khu vực sẽ triển khai thi công cầu Nguyễn Trãi. Các khu vực còn lại có thể linh hoạt cho phép khai thác cho tới khi thành phố triển khai các hoạt động đầu tư. Được như vậy sẽ góp phần quan trọng ổn định tâm lý, tư tưởng, việc làm của một bộ phận người lao động và công tác tái cơ cấu, sắp xếp lại lực lượng lao động của Công ty CP Cảng Hải Phòng. Đồng thời cũng có thêm thời gian, tạo điều kiện cho các cảng khác của Công ty CP Cảng Hải Phòng có thời gian thích nghi, nâng cao khả năng tiếp nhận tàu, hàng hóa của Cảng Hoàng Diệu khi di dời. Cùng với đó, sẽ giảm bớt tác động tiêu cực tới chuỗi logictics, thu ngân sách của thành phố…
Công ty CP Cảng Hải Phòng cũng đề nghị thành phố tạo điều kiện, báo cáo Trung ương cho phép công ty được đầu tư các bến tiếp theo tại Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện và khu cảng nam Đồ Sơn đang được thành phố nghiên cứu, phát triển…
Theo quận Ngô Quyền, UBND quận đã ban hành kế hoạch thu hồi đất đối với khu Cảng Hoàng Diệu với diện tích hơn 304.074m2. Trên diện tích đất thu hồi có nhiều công trình như cầu cảng, bãi, xưởng chữ Y có kết cấu phức tạp; hệ thống máy móc: cần trục, trạm cân… có kích thước lớn, siêu trường, siêu trọng nên quận có sự phối hợp chặt chẽ với Công ty CP Cảng Hải Phòng thực hiện. Trung tâm phát triển quỹ đất quận đang tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu tư vấn lập dự toán thiết kế công trình và di chuyển máy móc thiết bị. Quận cũng có những đề xuất cụ thể với thành phố nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan tới công tác thu hồi đất và GPMB khu vực này.
Trực tiếp kiểm tra các công việc liên quan tới di dời Cảng Hoàng Diệu mới đây, đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của Công ty CP Cảng Hải Phòng khi phải di dời cảng Hoàng Diệu, cảng lâu đời nhất của Hải Phòng, cái nôi của giai cấp công nhân, giàu truyền thống cách mạng, liên quan tới hàng nghìn lao động và nhiều máy móc thiết bị.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND thành phố, lãnh đạo Công ty CP Cảng Hải Phòng cần làm tốt công tác tuyên truyền tới CBCNV về ý nghĩa, vai trò của dự án cầu Nguyễn Trãi và chỉnh trang đô thị vùng phụ cận, đồng thuận thực hiện, vì sự phát triển chung của thành phố.
Đồng chí Chủ tịch UBND thành phố đồng ý lùi thời điểm phê duyệt phương án hỗ trợ người lao động mất việc để công ty hoàn thành các thủ tục sắp xếp. Đồng thời yêu cầu Công ty CP Cảng Hải Phòng phối hợp với quận Ngô Quyền, các ngành thành phố khẩn trương hoàn thành các thủ tục đền bù hỗ trợ, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, nhất là mặt bằng chuẩn bị khởi công và thi công công trình dự kiến trong tháng 9-2024.
Chủ tịch UBND thành phố cũng đồng ý về việc phân kỳ di chuyển máy móc thiết bị tại một số khu vực theo tiến độ thi công dự án nhưng phải bảo đảm đáp ứng các yêu cầu đề ra về mặt bằng, không để ảnh hưởng tiến độ.
Đối với tiền thuê đất; mức hỗ trợ người lao động… sẽ tiếp tục xem xét và đề ra phương án giải quyết phù hợp nhất, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Thành phố sẽ tạo mọi thuận lợi để có được phương án di dời tối ưu nhất, bảo đảm sự ổn định, phát triển của cảng và đời sống, việc làm của người lao động.
Rõ ràng, những hoài niệm về những bến cảng cũ là đúng nhưng cũng cần nhìn xa trông rộng hơn về hướng phát triển mới sau này. Điều quan trọng trước mắt là sớm di chuyển các cầu cảng để phục vụ việc thi công cầu Nguyễn Trãi sắp được khởi công.
Tới thời điểm này, yêu cầu về tiến độ đã khá cấp bách. Một chút suy tư, tiếc nuối, một chút lo lắng, băn khoăn cũng không có gì lạ nhưng tương lai phát triển của thành phố mới là yếu tố quyết định. Những bến cảng cũ rồi đây sẽ chỉ là hoài niệm nhưng sẽ mãi mãi gắn bó với người dân Hải Phòng bởi từ đây mở ra một thời kỳ phát triển mới rực rỡ hơn, rộng lớn hơn, hiện đại và văn minh hơn của đô thị Hải Phòng./.
Hồng Thanh
15:04 09/01/2025
12:16 09/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh