Điện Biên Phủ qua phân tích của một sử gia Pháp

21:12 28/04/2014

 

Quân ta kéo pháo vào trận địa
Quân ta kéo pháo vào trận địa

Dựa trên những tài liệu sưu tầm được của cả hai phía Pháp và Việt Nam để thuật lại chiến thắng thần kỳ của QĐND Việt Nam ở Điện Biên Phủ, nhà sử học Pháp Georges Boudarel đã nêu lên một vấn đề mà trước đó các nhà quan sát nước ngoài chưa bàn tới…

KỲ I: CUỘC DI CHUYỂN QUÂN GIÀNH THẾ CHỦ ĐỘNG

Từ tháng 3-1953, các kỹ thuật viên Việt Minh đã đi nghiên cứu kéo dài con đường số 13 dài 160km đi từ Yên Bái ven sông Hồng đến tỉnh lộ 41 ở Cò Nòi, nằm giữa Nà Sản và Mộc Châu. Đến tháng 8-1953, khi con đường (do nông dân mở) đến Tạ Khoa bên sông Đà, cách Nà Sản 30km theo đường chim bay, thì tướng Navarre (vừa thay thế Salan), bắt đầu sợ, ông ra lệnh rút khỏi Nà Sản. Phía Pháp làm ra vẻ đang đổ thêm quân để đánh lừa đối phương, nhưng đột nhiên cho di chuyển hết bằng máy bay Dakota. Việt Minh tuy để sổng mất con mồi nhưng theo đánh giá của giới nghiên cứu lịch sử quân sự thì đây là cuộc di chuyển quân thắng lợi của tướng Giáp.

  Navarre còn tổ chức được cuộc tấn công chớp nhoáng lên Lạng Sơn, phá hủy một kho vũ khí quan trọng của Việt Minh, rồi rút lui an toàn. Thủ tướng Pháp Joseph Laniel rất hài lòng, nhưng Navarre không dừng lại ở đó mà muốn rút khỏi Lai Châu nữa. Nhưng điều nghịch lý là chính ông lại chủ trương làm theo đề nghị cũ của Salan trước đây là lập một cứ điểm phòng ngự ở Điện Biên Phủ. Ngày 24-7-1953, trước Ủy ban Quốc phòng, khi Navarre nói đến cái tên Điện Biên Phủ thì không ai phản đối, nhưng không ai biết điểm đó nằm ở đâu. Ngày 20-11-1953, ba tiểu đoàn được thả dù xuống Điện Biên Phủ dưới sự chỉ huy của tướng Gilles, Paris không có phản ứng gì.

Quân đội Pháp không gặp phản ứng nào đáng kể. Hai trung đoàn “chính quy” Việt Nam cũng biến mất vào rừng rậm sau một ngày chiến đấu. Chỉ có con đường do công binh Việt Nam mở từ tháng 4 nối sông Hồng với tỉnh lộ 41 là mối đe dọa với cứ điểm. Cái lòng chảo mà quân đội viễn chinh Pháp sẽ chiếm giữ và tăng cường chỉ cách điểm cuối cùng của con đường chiến lược mới đó có 100km, đấy là Cò Nòi - nơi mà bấy giờ xe tải của Việt Minh có thể tới. Lúc bấy giờ, người Pháp ít ai ngờ rằng cái thung lũng lớn nhất (lòng chảo Điện Biên) miền Tây Bắc sẽ trở thành thất bại lớn nhất.  

Di tích Điện Biên Phủ
Di tích lịch sử Điện Biên Phủ

Về phía Việt Minh, đầu tháng 12-1953, tham mưu trưởng của trận chiến sắp nổ ra, Hoàng Văn Thái và chính ủy Lê Liêm đã đến Điện Biên Phủ nghiên cứu thực địa và chuẩn bị chiến trường. Trong khối lượng tin tức đưa về, tướng Giáp chú ý đến ý kiến của một sĩ quan Pháp đang đóng quân tại lòng chảo: “Nếu tôi phải chiếm lĩnh bên kia, thì tôi sẽ cố thủ trên những ngọn đồi ven phía đông thung lũng”. Đôi khi các sĩ quan Pháp nói hơn nhiều. Có lẽ họ tin chắc quân đội viễn chinh không thể bị quân đội đi dép lốp kia đánh bại. Phòng Nhì biết rằng Quân đội Việt Nam có xe tải và pháo, nhưng làm thế nào mà họ đưa lên tận Điện Biên Phủ được? Không có đường. Người Pháp yên ngủ trên ý nghĩ về sức mạnh ưu việt. Họ lại còn có máy bay nữa nhưng họ quên mất rằng bầu trời Tây Bắc thường mù sương khiến cho khả năng bị hạn chế.

 Sự tự tin của viên sĩ quan Pháp đó khiến tướng Giáp phải suy nghĩ. Từ lúc đó, kế hoạch của ông coi những ngọn đồi đó là mấu chốt của việc bố trí binh lực. Ông muốn tấn công từ phía đông. Trong cái trực giác chiến lược đó đã có mầm mống của sự xem xét lại cách đánh một cách khó khăn - đó là có mở cuộc tấn công tối 24-1-1954 theo đề xuất của các cố vấn Trung Quốc hay không?

Ngày 24-12-1953, Navarre đón Noel cùng binh sĩ ở Điện Biên Phủ. Trong khi đó tướng Giáp vẫn còn ở Bộ chỉ huy tại Thái Nguyên, cách chiến trường 500km. Không phải vì ông chậm chạp, mà ông còn suy nghĩ. Mãi đến mồng 5-1-1954 ông mới rời ATK gần chợ Chu Thái Nguyên để lên chiến trường cùng với Phạm Kiệt phụ trách an ninh. Vào lúc khởi hành, tin rằng quân Pháp không còn khả năng tấn công vào hậu phương nữa, ông ra lệnh cho tất cả các đơn vị dự bị hướng về Điện Biên Phủ. Suốt dọc đường ông thường xuyên theo dõi tình hình. Điều lo ngại nhất là quân Pháp lại tháo chạy như ở Nà Sản mấy tháng trước, và Hòa Bình đầu năm 1952. Tướng Giáp muốn bẻ gẫy quân Pháp ở lòng chảo Điện Biên Phủ.

Khi tin quân Pháp nhảy dù được đưa đến Bộ tham mưu Việt Minh, chưa một quyết định nào được đưa ra cả. Tướng Giáp chỉ nói: “Cuộc hành quân này sẽ đem lại thuận lợi cho chúng ta”. Ngay lập tức đại đoàn 304 đã dời Thanh Hóa hướng lên Điện Biên Phủ, rồi đột nhiên luồn rừng đến ém quân ở Phú Thọ, cửa ngõ miền trung du đề phòng quân Pháp tung quân quấy rối đường giao thông sau hậu phương. Sau khi rút khỏi Nà Sản, Pháp không thể tung các đội biệt kích luồn rừng nhằm quấy rối việc tiếp tế của Quân đội Việt Nam.

(còn nữa)

Trần Phương


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông