09:21 27/05/2019
Thời gian gần đây, 2 loài sinh vật ngoại lai là tôm càng đỏ và tôm hùm đất nước ngọt đã được Bộ NN&PTNT đưa vào danh mục những loài không được phép nuôi và kinh doanh tại Việt Nam bởi những hậu quả về môi trường sinh thái do loài tôm này gây ra. Tuy nhiên, vì cái lợi trước mắt, việc vận chuyển trái phép, nhập lậu hay lén lút nuôi thả loài tôm càng đỏ vẫn diễn ra ở nhiều địa phương, gây lo ngại cho xã hội, đòi hỏi cơ quan chức năng phải có những biện pháp mạnh tay để diệt trừ…
Tôm càng đỏ (Ảnh: Internet)
Tôm càng đỏ có nguồn gốc từ miền Bắc Australia đã lây lan sang nhiều quốc gia khác như Mỹ, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc khi sinh sống trong môi trường tự nhiên có nhiều ưu thế nên nó tiêu diệt các loài thủy sinh khác ở cùng.
Theo các chuyên gia về nông nghiệp, tôm càng đỏ là loài ăn tạp, ăn nhiều thứ từ động thực vật, mùn bã hữu cơ, thậm chí nó ăn ngay chính đồng loại của nó. Tôm càng đỏ cũng sống được ở nhiều môi trường khác nhau, từ nhiệt đới, cận nhiệt đới đến ôn đới, thích ứng trong mọi điều kiện thời tiết, khí hậu.
Điều nguy hiểm là loài tôm này có thể đào hang sâu, chui lủi, len lỏi giữa bờ đê, bờ kè, kênh thủy lợi, tất nhiên trong đó có ruộng lúa, hoa màu. Chưa hết, tôm càng đỏ còn được xác định còn là loài vật mang mầm bệnh, với ký sinh trùng sống ký sinh trong cơ thể, dễ lây lan bệnh tật cho các loài khác.
Vì thế, nếu phát tán ra môi trường tự nhiên, loài sinh vật này sẽ là mối nguy lớn cho môi trường sinh thái và sản xuất nông nghiệp. Tổng cục Thủy Sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2019, cơ quan chức năng đã bắt giữ gần 1 tấn tôm càng đỏ nhập lậu vào Việt Nam từ cửa khẩu Lào Cai và đang có chiều hướng gia tăng.
Điều đáng nói, giá trị dinh dưỡng của tôm càng đỏ hay tôm hùm đất thật ra không cao với chỉ có hàm lượng thịt khoảng 30%, còn lại là vỏ cứng. Loài này thịt nhạt hơn tôm sú hay tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, do nhu cầu của thực khách muốn “trải nghiệm” món ăn mới, nên dù giá cả khá cao, tôm càng đỏ, tôm hùm đất vẫn là thực đơn ưa chuộng ở nhiều nhà hàng.
Tôm hùm đất (Ảnh: Internet)
Sự xuất hiện đáng lo ngại của tôm càng đỏ, tôm hùm đất thực ra cũng không phải là hiện tượng duy nhất về sự xâm hại của sinh vật ngoại lai.
Nhiều năm trước, nông dân nước ta cũng từng phải rất vất vả ra tay “dẹp loạn”: ốc bươu vàng, ốc sên, sâu róm, các loài thực vật như cây mai dương (trinh nữ đầm lầy), cây lục bình, cây bông ổi (cây ngũ sắc)…
Trong bối cảnh nông nghiêp Việt Nam vốn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, đa số dựa vào hộ chăn nuôi, vì thế việc ngăn chặn loài sinh vật nguy hại này chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu không có chế tài đủ mạnh.
Xác định rõ sự nguy hiểm của việc nuôi thả, phát tán tôm càng đỏ, tôm hùm đất ra môi trường sinh thái, Tổng cục Thủy sản – Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát tôm càng đỏ, tôm hùm đất.
Thậm chí, trước sự lây lan nguy hiểm của tôm càng đỏ, tôm hùm đất, mới đây Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã gửi Công văn hỏa tốc đề nghị các tỉnh, thành phố trong cả nước kiểm soát chặt chẽ loài sinh vật ngoại lai này.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương cùng vào cuộc, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả phát tán 2 loài này, tránh ảnh hưởng đến môi trường và sản xuất nông nghiệp.
NGUYỄN VĂN
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh