21:17 22/11/2024 Chiều 22-11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, UBND thành phố phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng tổ chức hội thảo về kinh tế số-kinh tế xanh. Đây là một trong những nội dung nằm trong khuôn khổ Diễn đàn chuyển đổi số Hải Phòng năm 2024. Phó chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường; đại diện Bộ TTTT và các doanh nghiệp, các ngành tham dự.
Theo đồng chí Phạm Văn Tuấn, Giám đốc Sở TTTT Hải Phòng, trong những năm vừa qua, chuyển đổi số và phát triển kinh tế số được xác định là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng. Năm 2024, thực hiện chủ đề năm của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số là “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số”, thành phố Hải Phòng đã ban hành các chương trình,đề án,kế hoạch, chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế số, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Cụ thể, về công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT), thành phố đã quan tâm thu hút đầu tư trong phát triển công nghiệp công nghệ cao tại các khu công nghiệp, khu kinh tế. Thu hút đầu tư của Thành phố liên tục đứng top đầu của cả nước, đã góp phần tăng cường tỷ trọng kinh tế lõi ICT. Nhiều doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn điện tử LG, Fuji Xerox, Haengsung Electronics, Vingroup... hoạt động trong lĩnh vực ICT đã đầu tư và phát triển mạnh mẽ tại các khu công nghiệp, khu kinh tế thành phố.
Cùng với đó, trên địa bàn hiện có gần 1.000 doanh nghiệp công nghệ số hoạt động và gần 9.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số trong hoạt động… Kinh tế số hiệu quả đã đóng góp vào phát triển kinh tế của thành phố. Tỷ trọng gia tăng kinh tế số ICT/GDP của Hải Phòng ước đạt 29,7%, đứng thứ tư cả nước.
Về phát triển hạ tầng số, thành phố đã có nhiều bước phát triển mạnh. Ngoài việc triển khai thử nghiệm 5G thương mại tại các khu đô thị trung tâm, để thúc đẩy các ngành mũi nhọn là cảng biển và công nghiệp. Thành phố đã phối hợp với các doanh nghiệp (DN) viễn thông triển khai 5G tại các cảng Tân Vũ, Đình Vũ để thí điểm xây dựng cảng thông minh và triển khai thành công mạng 5G dùng riêng cho nhà máy thông minh đầu tiên trên toàn quốc tại công ty Pegatron (Khu công nghiệp DEEP C II).
Hải Phòng cũng đặc biệt quan tâm đến số hóa ngành kinh tế cảng biển. Tại các cảng biển, các DN đã mạnh dạn ứng dụng các giải pháp công nghệ số Make in Việt Nam, nền tảng chuyển đổi số (CĐS) cảng biển, góp phần tạo sự chuyển động nhanh trong hoạt động. Hiện 100% số cảng tại Hải Phòng đã có hệ thống quản lý cảng TOS; trong đó có 22 cảng (chiếm hơn 40% số cảng) đã ứng dụng các nền tảng cảng biển số chỉ trong thời gian nhanh từ 2 - 4 tuần, với chi phí bằng 10 - 20% so với các sản phẩm cùng loại từ nước ngoài.
Việc ứng dụng nền tảng cảng biển số đã góp phần đưa năng lực đón tàu của hệ thống cẩu tăng khoảng 50%, khả năng giải phóng hàng hóa tại bãi tăng 30%. Cùng với đó, các thủ tục hành chính, dịch vụ cảng giảm mạnh từ 6 - 8 giờ với 12 điểm chạm xuống chỉ còn 3 phút với 2 điểm chạm…
Đồng chí Phạm Văn Tuấn nhấn mạnh, năm 2025, thành phố sẽ có cơ chế đột phá thu hút các doanh nghiệp công nghệ số đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong sản xuất, phát triển kinh tế số, phấn đấu đến năm 2030 chiếm tỷ trọng 40% GRDP thành phố.
Hội thảo chuyên đề “Kinh tế số - Kinh tế xanh” là dịp để các chuyên gia, các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp công nghệ số sẽ thảo luận, trao đổi tập trung vào định hướng chuyển đổi số - chuyển đổi xanh các Khu Công nghiệp, Khu Chế xuất, vùng kinh tế trọng điểm; chuyển đổi số - chuyển đổi xanh xu hướng tất yếu để tăng trưởng và phát triển bền vững; các giải pháp công nghệ số (IoT, AI, Big Data, ERP, 5G) thúc đẩy phát triển sản xuất thông minh; khu công nghiệp xanh thông minh, tăng lợi thế cạnh tranh và hấp dẫn đầu tư; chuyển đổi số - chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp sản xuất.
Lãnh đạo các ngành, các doanh nghiệp như TS Lê Quang Minh, Phó Viện trưởng Viện KHCN VINASA, Phó Viện trưởng Viện CNTT, Đại học Quốc gia Hà Nội; ông Bùi Ngọc Hải, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng; ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Công ty CP Shinec; bà Diệp Thị Kim Hoàn, Giám đốc phát triển bền vững- Tổ hợp KCN DEEP C; ông Bùi Quốc Khánh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP TNTech; ông Doãn Tuấn Anh, Phó giám đốc Ban khách hàng doanh nghiệp nước ngoài, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam đã có những chia sẻ bổ ích, góc nhìn đa chiều về phát triển kinh tế số- kinh tế xanh; xây dựng KCN xanh, thông minh…
Hồng Thanh
22:42 09/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh