23:17 28/07/2022 Chiều 28-7, tại Quảng Ninh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với 4 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên tổ chức diễn đàn: Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông. Tới dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh: Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương; Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên; đại diện các cơ quan Trung ương; lãnh đạo 4 địa phương; VCCI và đông đảo doanh nghiệp trong nước và nước ngoài… Về phía thành phố Hải Phòng có các đồng chí: Nguyễn Văn Tùng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Đỗ Mạnh Hiến, Phó bí thư Thường trực Thành ủy; Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng; lãnh đạo một số ngành thành phố; lãnh đạo Văn phòng Thành ủy; Văn phòng UBND thành phố…
Phát biểu khai mạc, đồng chí Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI nêu rõ: liên kết kinh tế cấp vùng là một trong những phương hướng chiến lược của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Tạo không gian phát triển mới, trong đó phát huy tối đa lợi thế của các địa phương là một trong những lý do quan trọng thúc đẩy ý tưởng xây dựng liên kết 4 địa phương gồm Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Hưng Yên. Liên kết kinh tế 4 địa phương sẽ mở rộng không gian phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, có đủ tiềm năng và điều kiện để tạo thành một khu vực kinh tế phát triển năng động. Mô hình liên kết kinh tế của 4 địa phương sẽ củng cố các thế mạnh hiện có và bù đắp những bất lợi về nguồn lực.
Từ đó, 4 địa phương có lợi thế chung để thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển doanh nghiệp, thu hút nhiều hơn nữa các dự án đầu tư có chất lượng, khắc phục các hạn chế về logistics và cũng qua đó cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh nói chung trong vùng.Từ bối cảnh và những đánh giá về lợi ích của sự liên kết, 4 địa phương cùng VCCI đã cụ thể hóa ý tưởng liên kết thành thỏa thuận mang tên “Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông”. Từ đó, kết nối với cộng đồng doanh nghiệp, các bộ ngành và các đối tác quốc tế để sự liên kết này đem lại hiệu quả tốt nhất đến quá trình phát triển kinh tế của cả 4 địa phương.
Theo đề án của VCCI, mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2021- 2025 bao gồm: phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư (các chỉ số về tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp của 4 địa phương cao hơn bình quân chung cả nước, nằm trong top 20 địa phương đứng đầu cả nước); chất lượng quản trị kinh tế giữ vị trí nhóm đầu cả nước; mỗi năm có ít nhất 4 hoạt động chung cấp vùng về xúc tiến thương mại và đầu tư; liên kết và hình thành cơ sở dữ liệu chung về hạ tầng giao thông, hệ thống các KCN, chuỗi sản xuất và cung ứng của 4 địa phương; hình thành cơ chế liên kết cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư của 4 địa phương, phấn đấu đạt hơn 100.000 doanh nghiệp vào năm 2025...
Có 8 nội dung liên kết chính gồm: xúc tiến thương mại đầu tư; giao thông và logistics; phát triển chuỗi cung ứng sản xuất; phát triển du lịch; cải thiện môi trường kinh doanh; đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực; bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; liên kết phát triển nông nghiệp, chế biến nông sản và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao… Mô hình tổ chức thực hiện liên kết bao gồm: thành lập Hội đồng kết nối vùng; Ban thư ký hội đồng và Hội đồng doanh nghiệp vùng.
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống dịch vụ hậu cần logistics của Hải Phòng trong khuôn khổ liên kết giữa 4 địa phương để đề ra các giải pháp phù hợp. Phân tích rõ những thuận lợi và khó khăn, hạn chế, thành phố Hải Phòng đề xuất một số giải pháp cụ thể.
Theo đó, các tỉnh trên trục cao tốc kinh tế phía đông Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên cùng kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương chỉ đạo tập trung các nguồn vốn để đầu tư cho một số cơ sở hạ tầng quan trọng của trục kinh tế như: tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng mới song song với tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với các khu bến cảng Đình Vũ, Nam Đồ Sơn và Lạch Huyện, tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân, bao gồm cả đoạn kết nối Nam Hải Phòng - Hạ Long để phát huy lợi thế về đường sắt kết nối qua cả 4 tỉnh của trục kinh tế cao tốc với hệ thống cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh; nâng cấp, cải tạo các tuyến đường thủy kết nối với các địa phương trong khu vực (đẩy nhanh tiến độ nâng cấp cầu Đuống để nâng cao năng lực các tuyến vận tải hàng hóa đường thủy, đặc biệt là hàng container)...
Đồng thời, tiếp tục phối hợp trong đầu tư xây dựng, hoàn thành các công trình kết nối giữa các địa phương, kết nối liên vùng; đẩy mạnh hợp tác trong công tác quy hoạch, đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics, cảng biển, cảng cạn, cửa khẩu để khai thác có hiệu quả các lợi thế nổi bật của mình; tăng cường các hình thức, hoạt động xúc tiến thương mại logistics; hợp tác phát triển thị trường dịch vụ logistics theo hướng cạnh tranh, minh bạch; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức thuộc chuỗi cung ứng dịch vụ logistics trên địa bàn 4 địa phương; hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ nghiệp vụ về mọi mặt của nhân viên hoạt động trong lĩnh vực logistics, đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực đào tạo nghề logistics theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…
Lãnh đạo 4 địa phương đã chính thức ký kết Thỏa thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông. Việc liên kết 4 địa phương sẽ tạo ra một vùng có diện tích gấp 3 lần Thủ đô Hà Nội; 5 lần thành phố Hồ Chí Minh; 8 lần so với Đà Nẵng và quy mô dân số tăng gấp 6 lần Đà Nẵng, bằng khoảng 80% dân số Hà Nội và 70% dân số thành phố Hồ Chí Minh…
Hồng Thanh
22:42 09/01/2025
22:41 09/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh