13:13 01/06/2024 Tính đến hết ngày 20-5-2024, kế hoạch đầu tư công năm 2024 của thành phố (gồm cả nguồn vốn ngân sách Trung ương) đã giải ngân đạt gần 3.399 tỷ đồng, bằng 17% kế hoạch thành phố giao (19.972 tỷ đồng), bằng 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (17.019 tỷ đồng).Trong đó, vốn ngân sách Trung ương đã giải ngân là 110 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 15% kế hoạch thành phố giao (755,44 tỷ đồng); vốn cân đối ngân sách địa phương đã giải ngân là 3.289 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 17% kế hoạch thành phố giao (19.217,3 tỷ đồng). Cùng kỳ năm 2023, vốn đầu tư công của thành phố (gồm cả nguồn vốn ngân sách Trung ương) giải ngân được 5.105 tỷ đồng, bằng 22% kế hoạch thành phố giao (22.771 tỷ đồng), bằng 38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (13.403 tỷ đồng). Như vậy, giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 chưa đạt yêu cầu, đòi hỏi phải có các giải pháp quyết liệt hơn.
Nhiều giải pháp quyết liệt
Tại Nghị quyết số 45 ngày 8-12-2023 của HĐND thành phố, tổng mức vốn đầu tư công nguồn ngân sách thành phố và nguồn đóng góp của các doanh nghiệp đã giao cho các nhiệm vụ, chương trình, dự án đầu tư công trong năm 2024 là 19.217,3 tỷ đồng. Trong đó, nguồn xây dựng cơ bản tập trung là 4.008,2 tỷ đồng; nguồn thu tiền sử dụng đất là 14.472,4 tỷ đồng; nguồn xổ số kiến thiết là 42 tỷ đồng; nguồn vốn vay là 414,7 tỷ đồng; nguồn đóng góp của các doanh nghiệp là 280 tỷ đồng.
Trên cơ sở đó, UBND thành phố đã giao chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2024 tại Quyết định số 4338/QĐ-UBND ngày 15-12-2023. Căn cứ tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024, thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp để tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho các đơn vị và đẩy mạnh việc giải ngân vốn đầu tư công. Cụ thể, trong các thông báo kết luận các kỳ họp thường kỳ hàng tháng của Ban Thường vụ Thành ủy và Kết luận Hội nghị Thành ủy lần thứ 15 đều có nội dung chỉ đạo về công tác giải ngân đầu tư công. Ngày 22-5- 2024, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 1600 về việc thành lập các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Đồng thời, đã tổ chức 2 cuộc họp với lãnh đạo các Sở, ngành, UBND các quận, huyện thuộc thành phố. Trên cơ sở đó đã có các Thông báo kết luận để đôn đốc thực hiện.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, vốn ngân sách thành phố được phân bổ đúng các nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên theo Nghị quyết của HĐND thành phố, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư, vừa góp phần thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, vừa đáp ứng được các yêu cầu giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.
Theo đó, trong kế hoạch vốn năm 2024 đã tập trung để thực hiện xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu; hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; bố trí vốn cho công tác quy hoạch, vốn chuẩn bị đầu tư; bố trí cho các dự án hoàn thành đã được phê duyệt quyết toán để tất toán tài khoản và các nhiệm vụ, dự án quan trọng, cấp bách của thành phố.
Thành phố cũng thực hiện tốt quy chế phân cấp quản lý vốn đầu tư công đối với các quận, huyện; tiếp tục giao chủ động phân bổ chi tiết vốn đầu tư công được phân cấp cho phù hợp với mục tiêu, nhu cầu của địa phương theo Nghị quyết số 12 ngày 22-12- 2020 của HĐND thành phố về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021 - 2025. Đặc biệt, đã bổ sung có mục tiêu cho huyện Thủy Nguyên và huyện An Dương để các địa phương có thêm nguồn lực đầu tư các dự án đạt các tiêu chí về phát triển đô thị áp dụng đối với khu vực dự kiến thành lập phường, thành phố trực thuộc thành phố; thành lập phường và quận.
Thành phố cũng tập trung bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Trong các tháng đầu năm, đã cơ bản hoàn thành các dự án lớn: dự án đầu tư xây dựng cầu Bến Rừng nối huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng và thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh; dự án đầu tư xây dựng nút giao khác mức tại ngã 4 đường Tôn Đức Thắng - Máng Nước - Quốc lộ 5; dự án đầu tư xây dựng Trường Cao đẳng Công nghiệp Hải Phòng (giai đoạn 1)…
Mặc dù vậy, kết quả giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm, cần được các ngành, địa phương xem xét và có biện pháp khắc phục.
Điều chỉnh để đẩy nhanh tốc độ giải ngân
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tại Nghị quyết số 45 ngày 8- 12- 2023 của HĐND thành phố về Kế hoạch đầu tư công thành phố năm 2024, tổng nguồn vốn đầu tư công thành phố năm 2024 nguồn ngân sách thành phố và nguồn đóng góp của các doanh nghiệp là 19.217,3 tỷ đồng, trong đó số vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết cho danh mục các công trình, dự án là 5.122,069 tỷ đồng. Tại kỳ họp thứ 16 (chuyên đề) ngày 28-5, HĐND thành phố đã nhất trí thông qua nghị quyết điều chỉnh vốn đầu tư công năm 2024.
Cụ thể, điều chỉnh lại nguồn vốn vay trái phiếu chính quyền địa phương từ 414,7 tỷ đồng xuống còn 378,2 tỷ đồng. Tại Nghị quyết số 19 ngày 15-4- 2024 về việc phê duyệt chủ trương phát hành trái phiếu chính quyền địa phương năm 2024 tại thành phố Hải Phòng, HĐND thành phố đã phê duyệt khối lượng phát hành năm 2024 là 378,2 tỷ đồng. Số còn lại, điều chỉnh tăng nguồn vay lại ODA từ 0 tỷ đồng thành 36,5 tỷ đồng.
Như vậy, việc điều chỉnh lại nguồn vốn vay theo dự toán đã được Thủ tướng Chính phủ giao và Nghị quyết của HĐND thành phố về chủ trương phát hành trái phiếu chính quyền địa phương năm 2024 là cần thiết, đảm bảo cho các dự án có nguồn vốn vay lại ODA năm 2024 có thể triển khai thực hiện được. Hiện nay, thành phố Hải Phòng chỉ còn 1 dự án còn thời hạn giải ngân và có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn ODA vay lại là Dự án Hiện đại hóa ngành Lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển (FMCR) thành phố Hải Phòng. Do đó đề xuất bố trí 36,5 tỷ đồng cho dự án này.
Cũng tại kỳ họp thứ 16 (chuyên đề), HĐND thành phố thông qua nghị quyết phân bổ 3.508,984 tỷ đồng vốn đầu tư công. Trong đó, bổ sung vốn để xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu là 1.302,736 tỷ đồng. Lý do là đáp ứng yêu cầu tiến độ của chương trình. Hiện 6 huyện: Thủy Nguyên, An Dương, Vĩnh Bảo, Kiến Thụy, An Lão, Tiên Lãng có nhu cầu 1.665,308 tỷ đồng cho chương trình xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó, nhu cầu bố trí vốn để thanh toán cho các công trình xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu từ năm 2021, năm 2022, năm 2023 là 358,524 tỷ đồng; nhu cầu bố trí vốn để thực hiện các công trình xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu từ năm 2024 là 1.306,784 tỷ đồng. Riêng huyện Bạch Long Vĩ không thực hiện xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện Cát Hải đã được bố trí đủ kế hoạch vốn để thực hiện xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu từ năm 2022, đến nay không còn xã chưa thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Tại Thông báo số 2036 ngày 11- 4-2024, Ban Thường vụ Thành ủy đã đồng ý chủ trương điều hành Kế hoạch đầu tư công trung hạn thành phố giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, đối với 13 xã (huyện Thủy Nguyên 10 xã, huyện An Dương 3 xã) bắt đầu thực hiện từ năm 2024 sẽ cân đối đủ nhu cầu đầu tư công trung hạn giai đoạn giai đoạn 2021 – 2025 là 1.495 tỷ đồng (115 tỷ đồng x 13 xã, sẽ hoàn thành vào năm 2025). Đối với 32 xã còn lại, năm 2024 và 2025 không bố trí 100%, chỉ đầu tư 1.150,795 tỷ đồng, bình quân khoảng 35,962 tỷ đồng/xã (đạt khoảng 31,3% tổng mức đầu tư/một xã). Số vốn còn thiếu (2.378,852 tỷ đồng) sẽ tiếp tục được cân đối bổ sung khi thành phố có phát sinh nguồn đầu tư công hoặc nguồn tiết kiệm đầu tư 105 xã đã, đang thực hiện và bố trí trong giai đoạn 2026 - 2030.
Căn cứ chủ trương của Ban Thường vụ, trên cơ sở tổng hợp nhu cầu của các địa phương, UBND thành phố đề xuất dự kiến cân đối bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2024 là 1.302,736 tỷ đồng để xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Cụ thể, đề xuất bổ sung 21,952 tỷ đồng cho các xã thực hiện từ năm 2021, năm 2022, năm 2023. Sau khi bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 cho các xã thì số vốn bố trí bình quân cho một xã đã đạt gần 95 tỷ đồng/xã (79 xã của các huyện Thủy Nguyên, An Dương, Vĩnh Bảo, Kiến Thụy, An Lão, Tiên Lãng đã thực hiện từ năm 2021, năm 2022, năm 2023; riêng 5 xã của huyện Cát Hải đã được bố trí đủ nhu cầu vốn từ năm 2022 với số vốn bình quân là 37,5 tỷ/xã). Đề xuất bổ sung 1.280,784 tỷ đồng cho các xã thực hiện từ năm 2024. Theo đó, đối với 3 xã khởi công mới từ năm 2024 của huyện An Dương đề xuất bổ sung thêm 130 tỷ đồng. Sau khi bổ sung, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 đã cấp cho huyện An Dương để xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu (xã mới từ năm 2024) là 235 tỷ đồng, bình quân 78,3 tỷ đồng/xã. Đối với 32 xã khởi công mới từ năm 2024 thuộc các huyện Vĩnh Bảo, Kiến Thụy, An Lão, Tiên Lãng, bố trí đủ vốn theo nhu cầu của các đơn vị đề xuất và tối đa theo phương án điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 đã được Ban Thường vụ Thành ủy cho ý kiến là 1.150,784 tỷ đồng, bình quân là 35,962 tỷ đồng/xã.
Trong điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2024, thành phố cũng bổ sung có mục tiêu từ ngân sách thành phố cho quận Hồng Bàng, số tiền là 8,393 tỷ đồng. Đồng thời bổ sung vốn cho các chương trình, dự án của thành phố là 2.197,854 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn vay lại ODA 36,5 tỷ đồng. Còn lại 2.161,354 tỷ đồng phân bổ theo thứ tự: thanh toán cho các dự án đã phê duyệt quyết toán; dự án chuyển tiếp, hoàn thành trong năm 2024; dự án đang triển khai, hoàn thành sau năm 2024; dự án khởi công mới. Các dự án được bố trí vốn phù hợp với phương án điều hành Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 đã được Ban Thường vụ đồng ý chủ trương tại Thông báo số 2036 ngày 11-4- 2024. Như vậy, số vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết cho danh mục các công trình, dự án là 1.613,085 tỷ đồng.
Việc điều chỉnh kịp thời nguồn vốn đầu tư công được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy tiến độ giải ngân trong những tháng cuối năm, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố./.
Hồng Thanh
08:20 09/01/2025
15:07 08/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh