16:08 30/03/2023 Kinh tế số đang trở thành xu hướng phát triển, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, được nhiều quốc gia nghiên cứu, ứng dụng. Để trở thành một trong những thành phố dẫn đầu về kinh tế số, đóng góp tích cực cho nền kinh tế số của quốc gia, việc phát triển Hải Phòng thành trung tâm dữ liệu số, một digital hub của cả nước đóng vai trò là động lực quan trọng hàng đầu.
Lợi ích khi trở thành digital hub
Digital hub là một thuật ngữ dùng để chỉ tổ hợp các trung tâm lưu trữ dữ liệu, hạ tầng đám mây và trao đổi lưu lượng truy cập Internet của những nhà phát triển siêu cấp, viễn thông toàn cầu, công nghệ thông tin, nội dung số, cung cấp dịch vụ trên phạm vi rộng khắp các quốc gia và khu vực lân cận.
Ông Trần Minh Tuấn, Vụ Trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, khi trở thành hub dữ liệu của cả nước, các tập đoàn lớn trên thế giới sẽ đặt trụ sở, đặt các trung tâm dữ liệu lớn tại Hải Phòng. Khi các tập đoàn kinh doanh tốt, họ sẽ mở rộng các lĩnh vực kinh doanh sang cả khu vực. Đồng thời, khi trở thành hub dữ liệu, năng suất lao động xung quanh và trong hub sẽ tạo ra rất tốt, đặc biệt là hệ sinh thái của các sản phẩm dịch vụ tiện ích xung quanh.
Theo đó, Digital hub được xây dựng và phát triển sẽ thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao, các chuyên gia kỹ thuật trong lĩnh vực công nghệ đến làm việc và chia sẻ những kiến thức tiên phong về mặt công nghệ. Các digital hub cũng có thể cung cấp các dịch vụ hỗ trợ như không gian làm việc, hỗ trợ tài chính, các khóa đào tạo và sự kiện kết nối, thậm chí là nhân lực số, qua đó tạo ra một môi trường thân thiện, an toàn cho việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới trong lĩnh vực công nghệ số và kỹ thuật số.
Hiện tại, Hải Phòng đã bắt đầu ứng dụng công nghệ thông tin, và mạng lưới thiết bị kết nối Internet trong một số khâu liên quan đến dich vụ logistics như thủ tục hải quan, quản lý xếp dỡ hàng hóa tại các kho bãi, bến cảng. Vì vậy, thông qua việc nâng cấp nền tảng công nghệ và tận dụng tối đa các tiến bộ công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thành phố có thể hướng tới xây dựng và phát triển mô hình cảng biển thông minh, đô thị thông minh, đóng góp vào việc thúc đẩy phát triển nền kinh tế số tại Hải Phòng.
Thách thức và nhiệm vụ
Theo Nghị quyết số 03, thành phố đã đặt ra các mục tiêu cao về phát triển kinh tế số như đến năm 2025 phấn đấu kinh tế số chiếm 25% GRDP thành phố, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 15%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 15%; đến năm 2030 phấn đấu kinh tế số chiếm 30% GRDP thành phố, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 25%, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 16%.
Để đạt được mục tiêu về chuyển đổi số nói chung, về kinh tế số nói riêng cần thông minh hóa các cơ sở hạ tầng hiện có, đồng thời cần phải có một hạ tầng số mạnh và hiện đại bao gồm hạ tầng viễn thông băng rộng điện toán đám mây, thành phố phải coi hạ tầng số quang trọng như hạ tầng giao thông, bảo đảm cả dòng chảy vật chất lẫn dòng chảy dữ liệu. Đặc biệt, Hải Phòng cần được xây dựng là trung tâm dữ liệu, một digital hub của khu vực và của cả nước. Nhất là năm 2023 được xác định là năm dữ liệu số.
Ông Trần Minh Tuấn, Vụ Trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số chia sẻ, với hub dữ liệu, Hải Phòng cần tính toán để có những tuyến cáp quang biển lớn của các tập đoàn lớn trên thế giới; phải có chính sách tốt để các tập đoàn lớn đặt trụ sở tại Hải Phòng; đồng thời là một khu vực nơi có trung tâm dữ liệu lớn.
Còn theo ông Chu Minh Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng, Hải Phòng trở thành một digital hub là sự tác động lớn bao trùm tất cả các doanh nghiệp mà trong toàn thành phố. Vì vậy cần có sự chỉ đạo chung, tổng thể của các cơ quan quản lý Nhà nước để Hải Phòng cũng là một đầu mối về chuyển đổi số, qua đó giúp tất cả các doanh nghiệp đều có thể ứng dụng, áp dụng công nghệ 4.0 và đặc biệt là trong ngành cảng biển thì thực hiện được việc tạo ra cảng biển thông minh, áp dụng công nghệ số vào trong tất cả các hoạt động sản xuất.
Có thể thấy, để phát triển trở thành digital hub, thành phố phải tạo ra một môi trường kinh doanh thân thiện cho các công ty công nghệ, các nhà sáng lập và các chuyên gia kỹ thuật; đồng thời phát triển các cụm công nghiệp kỹ thuật số trong các lĩnh vực tiềm năng như trí tuệ nhân tạo, công nghệ điện toán đám mây, các lĩnh vực liên quan đến kỹ thuật số. Bên cạnh đó là xây dựng các hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại để bảo đảm sự liên kết mạng tốt và phát triển ứng dụng kỹ thuật số mới.
Chính quyền địa phương cần cần thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp, các trường đại học và cơ quan hành chính để bảo đảm rằng các công nghệ mới được phát triển và áp dụng một cách hiệu quả. Cùng với đó xây dựng các chính sách và quy định về bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng để bảo đảm ràng các công ty công nghệ và khách hàng của họ được bảo vệ một cách hiệu quả.
Tiềm năng và cơ hội lớn
Trong quá trình trở thành trung tâm dữ liệu số của cả nước, Hải Phòng có tiềm năng và cơ hội rất lớn. Theo thống kê của Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và truyền thông, năm 2022, Hải Phòng có khoảng hơn 2,4 triệu thuê bao điện thoại di động, chiếm 1,94% tổng số thuê bao cả nước. Năm 2021, thành phố đã có hơn 505 nghìn hộ gia đình có kết nối cáp quang; hơn 1 triệu tài khoản thanh toán, chiếm 2,81% số tài khoản thanh toán của cả nước; hơn 5.200 người dân có chữ ký số, chiếm 1,6% chữ ký số cả nước.
Tình hình kinh tế số năm 2022 cũng có nhiều điểm nhấn khi hoạt động sản xuất phần cứng xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố; hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin xếp thứ 3; hoạt động phát thanh, truyền hình xếp thứ 4; hoạt động dịch vụ thông tin xếp thứ 5.
Cũng theo ông Trần Minh Tuấn, Vụ Trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, chúng ta có thuận lợi là chúng ta đang ở trong khu vực phát triển về kinh tế số nóng ở trên thế giới - khu vực ASEAN. Việt Nam cũng đồng thời được các tổ chức quốc tế đánh giá là khu vực phát triển dữ liệu nhờ có lượng người dân tương đối lớn, tỷ lệ tham gia Internet cao khoảng trên 70%; thời lượng sử dụng internet mỗi cá nhân đạt 6,32 giờ/ngày. Những con số này đối với Hải Phòng còn cao hơn nữa. Đó là những con số phản ánh rất tốt.
Không chỉ vậy, trên chặng đường trở thành digital hub của Hải Phòng còn có sự đồng thành của các doanh nghiệp phát triển hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin thúc đẩy chuyển đổi số.
Ông Vũ Quang Vinh, Phó Giám đốc VNPT Hải Phòng khẳng định, VNPT sẽ đồng hành cùng thành phố triển khai thành công mục tiêu trở thành trung tâm digital hub của cả nước. VNPT sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng năng lực hạ tầng mạng viễn thông, hạ tầng số; áp dụng các công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, chất lượng trải nghiệm khách hàng.
Đồng thời xây dựng quy hoạch hạ tầng viễn thông, đặc biệt là hạ tầng 5G, trung tâm dữ liệu vùng tại Hải Phòng có thể đáp ứng đầy đủ các nhu cầu về hạ tầng dữ liệu cho chính quyền các cấp, doanh nghiệp, người dân và các tỉnh lân cận; tập trung đầu tư hạ tầng viễn thông công nghệ thông tin theo định hướng chỉ đạo của thành phố, có trọng tâm, trọng điểm đặc biệt là tại các KCN, khu chung cư cao cấp, cảng biển và logistics; tiếp tục nâng cao cải thiện chất lượng nguồn nhân lực viễn thông, công nghệ thông tin để sẵn sàng cũng cấp các dịch vụ một cách nhanh chóng, tham gia đáp ứng vào các dự án chuyển đổi số của thành phố.
Với những tiềm năm và cơ hội cùng tinh thần đổi mới sáng tạo, dựa vào công nghệ để phát triển, Hải Phòng có thể mạnh dạn áp dụng các chính sách mới, cách làm mới để từ đó trở thành digital hud về kinh tế số, hiện thực hóa khát vọng vươn ra biển lớn; tạo nền tảng vững chắc để đến năm 2030, Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, văn minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á theo tinh thần Nghị quyết 45 của Bộ chính trị.
TÚ QUYÊN
15:04 09/01/2025
12:16 09/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh