11:00 29/05/2018 Trong những ngày tháng 5 lịch sử, được trở về mái đình làng, nghe các cụ cao niên kể chuyện về con người và mảnh đất này trong những ngày kháng chiến gian khó mà hào hùng của đất nước. Nơi đây, xưa đã từng là đầu mối giao liên đưa, đón cán bộ hoạt động trong lòng địch, là nơi nuôi giấu, chở che cho cán bộ cách mạng… Đó là đình Hòa Nghĩa, tại Tổ dân phố số 1 và số 2 của phường Hòa Nghĩa, quận Dương Kinh.
Đình Hòa Nghĩa, di tích lịch sử cần được tôn tạo, bảo tồn
Đình được xây dựng vào đầu thế kỷ 20, cuối triều vua Khải Định. Đình thờ Thành hoàng làng Phạm Ngũ Lão, Trinh Ý Phương Anh Tĩnh Huệ công chúa và Đức Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.
Trong một thế kỷ qua, đình không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cả làng mà đã trở thành nơi hoạt động cách mạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Hòa Nghĩa xưa, nay là phường Hòa Nghĩa, quận Dương Kinh.
Cách mạng tháng Tám thành công, nhân dân Hòa Nghĩa hăng hái tham gia các phong trào, tổ chức yêu nước. Tháng 9-1946, khi thành phố Hải Phòng bị quân Pháp chiếm đóng, bộ đội ta phải rút quân ra ngoài để bảo toàn lực lượng.
Một đại đội rút về đóng quân tại đình làng Hoà Nghĩa do ông Hiếu làm Đại đội trưởng, ban ngày đóng quân tại đình, ban đêm đi làm nhiệm vụ.
Bia tưởng niệm đình Hòa Nghĩa
Thực hiện tiêu thổ kháng chiến, tháng 10-1946, đình chùa Hoà Nghĩa được dỡ bỏ để xây dựng công sự nhằm ngăn cản các cuộc hành quân càn quét bằng xe tăng, pháo binh yểm trợ của địch.
Lúc này toàn bộ đồ thờ bằng đồng của đình được chuyển ra chiến khu để đúc vũ khí. Tháng 11-1946, dân quân du kích đào giao thông hào từ nền đình Hoà Nghĩa ra giáp đường 14 cũ để bộ đội và dân quân du kích di chuyển theo giao thông hào ra đường14, bất ngờ chặn đánh địch hành quân từ Hải Phòng xuống Đồ Sơn và các vùng lân cận.
Từ tháng 8-1948 đến năm 1952, Ủy ban kháng chiến tỉnh Kiến An và huyện Kiến Thuỵ cử cán bộ vào hoạt động trong lòng địch, dân làng Hoà Nghĩa đã tổ chức đào hầm bí mật trong khu vườn và nền đình cũ để che giấu cán bộ. Khu vực nền đình còn là nơi tập kết lực lượng du kích kết hợp với bộ đội địa phương để tiêu diệt đồn Ninh Hải.
Nơi đây còn là đầu mối giao liên đưa, đón cán bộ hoạt động trong lòng địch và vận chuyển công văn giấy tờ mật từ cơ sở đầu mối Tràng Cát - cây xanh Đồng Xá, An Hải đến Quán He về Đình Hòa Nghĩa sang đầu mối xã Hưng Đạo, đến Đồng Hòa, Kiến Thụy được thông suốt an toàn.
Đình còn là nơi dân làng đào hầm bí mật, nuôi giấu cán bộ kháng chiến, nơi bộ đội tập kết, điều tra, trinh sát sân bay Cát Bi, góp phần làm nên chiến thắng Cát Bi rực lửa ngày 7-3-1954.
Từ đó góp phần làm đảo lộn, phá sản kế hoạch của thực dân Pháp, chặt đứt một con đường tiếp viện quan trọng của địch cho chiến trường Điện Biên Phủ đang trong giai đoạn quyết liệt nhất, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Những công lao đóng góp của quân và dân Hòa Nghĩa đã được nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười khẳng định: “Đừng quên lòng dân Hòa Nghĩa, nếu không có những tấm lòng muôn lần quý hơn vàng, trong như pha lê ấy, thì không có những chiến thắng Cát Bi lịch sử”.
Là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng và bất cứ thời điểm nào của lịch sử ở Hòa Nghĩa đều xuất hiện các phong trào thi đua yêu nước, trong đó có phong trào “Sóng Duyên Hải - gió Đại Phong - cờ Ba Nhất” trong công cuộc khôi phục đất nước sau chiến tranh và xây dựng Chủ nghĩa xã hội.
Đặc biệt, đình Hòa Nghĩa cũng chính là nơi vinh dự được đón cố Tổng Bí thư Trường Chinh về thăm, nói chuyện và động viên cán bộ, nhân dân Hòa Nghĩa trong phong trào “Sóng Duyên Hải - gió Đại Phong - cờ Ba Nhất”.
Sau khi hòa bình lập lại, đình Hòa Nghĩa được dân làng đóng góp công sức, tiền của xây dựng lại, thường xuyên trùng tu, tôn tạo. Mặc dù nhiều cổ vật của Đình xưa không còn được giữ lại.
Hiện nay đình vẫn là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân, nơi giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng cho các thế hệ người dân nơi đây.
Với truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, cũng như những đóng góp làm nên chiến thắng vang dội trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, tháng 11-2017, Đình Hòa Nghĩa đã vinh dự được UBND thành phố Hải Phòng công nhận và xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố.
Chia sẻ với phóng viên, Chủ tịch UBND phường Hòa Nghĩa, Nguyễn Văn Mạnh cho biết: Với nhiều hình thức, phường Hòa Nghĩa tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về giá trị văn hóa, lịch sử của ngôi đình, cùng nhau đoàn kết, giữ gìn những di sản, những truyền thống lịch sử văn hóa tốt đẹp của cha ông để lại.
Đồng thời, thực hiện tốt công tác quản lý di tích theo Luật di sản văn hóa, nâng cao về ý thức và trách nhiệm trong việc giữ gìn, bảo vệ, trùng tu tôn tạo theo quy hoạch tổng thể đến năm 2030, nhằm phát huy tác dụng của di tích, để trở thành một điểm du lịch thăm quan của đông đảo du khách thập phương.
Tuy nhiên, hiện nay cơ sở vật chất của đình Hòa Nghĩa có nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng nên phường đề nghị Sở văn hóa và Thể thao, Bảo tàng thành phố quan tâm, cùng nhân dân chung tay để di tích Đình Hòa Nghĩa được trùng tu, tôn tạo, bảo tồn, góp phần phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa, lịch sử…
Xuân Hạ
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết