Đình Niệm Nghĩa: Ngôi đình cổ trăm tuổi

17:50 23/02/2020

Cũng giống như nhiều ngôi đình làng Việt Nam khác, đình Niệm Nghĩa nay thuộc phường Niệm Nghĩa, quận Lê Chân là một công trình kiến trúc nghệ thuật khá to lớn và đồ sộ, nơi tôn thờ thần Thành Hoàng làng xã và sinh hoạt văn hóa, tâm linh của người làng. Niệm Nghĩa là tên của làng xã đã tạo dựng nên ngôi đình cổ kính và đẹp đẽ này. Xưa, nhân dân quanh vùng thường gọi là đình Niệm hay là đình làng Niệm.

 Đình Niệm Nghĩa - Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia

Đình Niệm Nghĩa nay thuộc phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân. Theo sách địa chí Hải Phòng, Niệm Nghĩa là tên một xã thuộc tổng An Dương, huyện An Dương trước kia.

Sử sách ghi lại, vùng đất này trước đây chỉ có một xã là Vĩnh Niệm, huyện An Dương. Xã Vĩnh Niệm sau tách chia làm ba làng xã độc lập là Niệm Nghĩa, Nghĩa Xá và Đôn Nghĩa. Ngày nay Nghĩa Xá và một phần Niệm Nghĩa đã tách ra nhập đời sống đô thị trong địa bàn phường Niệm Nghĩa, quận Lê Chân.

Đình Niệm Nghĩa là một công trình kiến trúc nghệ thuật còn khá nguyên vẹn

Đình Niệm Nghĩa ngày nay vốn là đình cũ của làng Vĩnh Niệm xưa, nằm bên sông Lạch Tray (còn có tên gọi là sông Niệm). Đình Niệm Nghĩa hiện là một trong những công trình kiến trúc nghệ thuật còn khá nguyên vẹn và là một trong những đài tưởng niệm danh tướng Phạm Tử Nghi trên mảnh đất quê hương ông.

Theo nội dung bản thần phả phúc đình Niệm, năm Tự Đức thứ 22 (1863) thì Phạm Tử Nghi là người xã Vĩnh Niệm, húy là Thành Ông, sinh vào thời Hồng Thuận triều Lê (từ 1509 đến 1515).

Tương truyền ông là người rất khỏe, sức địch muôn người, có công lớn với quê hương trong việc đắp đê ngăn nước mặn, “đào sông dẫn thủy nhập điền” và khi mất rất linh ứng.

Khi ông qua đời, dân làng Niệm suy tôn ông là Thành hoàng và xây dựng nhiều đền đài để thờ cúng ông rất kính cẩn.

Đình Niệm Nghĩa còn là nơi bảo tồn một số di vật quý có giá trị về lịch sử

Cũng như nhiều ngôi đình làng biển khác, đình Niệm Nghĩa xưa được xây dựng trên một địa thế, môi trường, thẩm mỹ khá đẹp. Đình tọa lạc ven sông Lạch Tray, suốt ngày đêm con nước nhấp nhô theo nhịp thủy triều.

Chọn vị trí này để dựng đình, người làng muốn cho công trình có được khoảng cách biệt cần thiết với xóm làng trần tục và từ đó gợi cho những lữ khách cảm giác linh thiêng, đầy chất tâm linh của chốn đình chung.

Những người xây dựng đình đã rất khéo léo trong việc lựa chọn địa điểm dựng đình, nó không chỉ thỏa mãn nhu cầu địa linh và hướng đình, mà còn thuận lợi về giao thông thủy bộ để tập kết nguyên vật liệu xây dựng công trình thế kỷ của làng.

Đình Niệm Nghĩa hiện nay mang phong cách nghệ thuật kiến trúc đình làng Việt Nam thế kỷ 19. Dòng chữ Hán khắc chìm trên câu đầu của bộ vì giữa cho biết đình được trùng tu xây dựng năm Tự Đức thứ 4 (1851).

Đình Niệm Nghĩa cổ hoàn toàn được làm bằng gỗ lim, bố cục hình chữ Công, gồm 5 gian tiền đường, hai gian nhà cầu (ống muống) và một gian hai dĩ hậu cung.

Thực chất đình chỉ có năm gian tiền đường và ba gian hậu cung, nhưng người xưa đã khéo léo xử lý kiến trúc gian cuối cùng tòa hậu cung thành cung cấm cho ngôi đình giống như một tòa độc lập như cấu trúc chữ Công quen thuộc: Nhìn bên ngoài thấy có các vì đốc ván vỉ ruồi, các mái đao cong,… Nhìn bên trong có hệ thống cửa gỗ kiểu “bức bàn ngăn cách với nhà cầu - ống muống”.

Trước đình có hồ Long Trì tròn, được ví như mắt rồng, là điểm tụ thủy, tích phúc cho thế đất. Hồ soi bóng tam quan với các cột đồng trụ vương sừng sững, mái lầu hai tầng tám mái rung rinh đáy nước mặt hồ, khi bình minh rạng ngời ở cõi trời đông.

Bộ mái kiến trúc đình thực sự là một tác phẩm nghệ thuật trang trí và điêu khắc sống động. Bốn mái đao cong đắp rồng chầu, phượng mớm.

Bờ nóc, bờ dải đắp bằng vôi vữa, chính giữa trổ thủng hàng hoa chanh bốn cánh. Đầu kìm đắp hồi Long, mang dáng dấp của thủy quái Makara, cầu mưa thuận gió hoà, miệng ngậm bờ dải, đuôi xoắn tròn.

Bờ dải là nơi ngự của cặp lưỡng long chầu nguyệt. Rồng ở đây có thân gầy mảnh, uốn ba khúc lớn, đầu ngóc cao. Mặt nguyệt tròn, xung quanh có các đao lửa bay ra do hổ phù ngậm chữ Thọ lớn đội ở phía dưới.

Góc mái đắp nghê chầu, hai chân sau đạp lên bờ dải, hai chân trước dẫm lên mái gói. Nghê mang đầu rồng dữ tợn với những cụm mây xoắn đầu lớn, móng chim ưng nhọn hoắt. Mái đình ngắn và dốc, mái lợp kiểu “tàu đao mái lá” hay còn gọi là “tàu thực” và các đao cong như đang cố nâng bổng những tàu mái nặng nề lợp bằng 8 viên ngói bong lên, rung rinh trước gió.

Mái ngói đã ngả màu rêu phong càng làm tăng thêm dáng vẻ cổ kính cho ngôi đình.

Tòa tiền đường 5 gian đứng vững trên 6 bộ vì kèo bằng gỗ lim, trong đó có 4 bộ vì giữa và 2 bộ vì đốc hồi. Các bộ vì kèo giữa được làm theo lối “trồng rường giá chiêng”:

Đội xà nóc là dép gỗ hình thang ngửa đặt trên đấu sen chữ nhật và đấu sen nằm giữa rường bụng lợn của cung giá chiêng.

Rường bụng lợn đội đôi hoành thứ nhất và hai đầu rường này được kê trên đỉnh các cột trốn nhô lên từ lưng câu đầu. Chân và cột trốn đều có đấu hoa sen vuông…

Nhà cầu - ống muống là tòa nhà dọc hai gian. Trong kết cấu kiến trúc trong tòa nhà cầu này, người xưa rất khéo léo, sáng tạo khi sử dụng kiểu kẻ góc từ cột cái tiền đường với cột quân nhà cầu để đỡ các đầu hoành mái phía sau của tiền đường.

Hậu cung là một ngôi nhà một gian hai dĩ, cấu trúc vì kèo khá đơn giản, kiểu trồng rường trụ đấu ván mê. Các bộ phận kiến trúc đều được bào trơn, đóng bén…

Theo những nhà chuyên môn đánh giá, về mặt kiến trúc xây dựng, đình Niệm Nghĩa được bảo tồn khá nguyên vẹn với các bộ phận kiến trúc như cột, xà, câu đầu, hoành, rui, rường… đều lực lưỡng, hiếm thấy trong mạng lưới di tích cổ ở Hải Phòng.

Có thể nói trừ các cột to lớn, các xà bào soi hình vỏ măng, các rui lót dưới các hàng ngói, còn có các bộ phận kiến trúc khác của đình đều được trạm khắc trang trí tinh tế.

Chỉ là một vài đường hoa lá cách điệu, hay hình rồng bay, phượng múa cũng đủ để chúng ta khâm phục và biết ơn những người thợ làm nên niềm kiêu hãnh của dân Niệm Nghĩa.

Cùng với kiến trúc nghệ thuật cổ, mái đình Niệm Nghĩa còn là nơi chở che, bảo tồn một số di vật quý có giá trị về lịch sử, nghệ thuật và văn hóa như nhang án tiền, long đình, kiệu bát cống, long ngai, tượng thánh, cuốn thư, hoành phi, câu đối,…

Với những giá trị về kiến trúc, năm 1996, đình Niệm Nghĩa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.

Xuân Hạ

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông