Đìu hiu thị trường sách cũ

14:46 15/10/2017

Ngày nay, với sự ra đời và bùng nổ của các thiết bị kết nối internet như điện thoại, máy tính hay sách điện tử khiến độc giả không phải đi đâu xa, chỉ cần ở nhà và “nhấp chuột” là có thể dễ dàng tìm kiếm các loại sách mình cần một cách nhanh chóng. Và đối ngược với sự phát triển ồ ạt của các thiết bị công nghệ thông tin là thị trường sách cũ đang rơi vào tình cảnh “đìu hiu chợ chiều” và có nguy cơ bị “xóa sổ”.

Nhiều cửa hàng sách cũ cả buổi không thấy người mua ghé thăm

Phố Cát Cụt vốn từng được mệnh danh là “phố sách cũ” của người dân đất Cảng. Đã có thời, cả dãy phố ngắn chừng vài trăm mét nhưng hiện diện đến hơn 30 cửa hàng sách cũ nằm san sát. Từ sáng đến tối, lúc nào cũng thấy các cửa hàng tấp nập người tìm mua. Sách cũ là kế sinh nhai của nhiều gia đình, nhiều thế hệ nối tiếp nhau.

Thậm chí có nhà sống được và sống khá khẩm nhờ nghề buôn bán sách báo cũ. Nhưng, đó chỉ là câu chuyện của gần 20 năm về trước - khi sách cũ còn được ưa chuộng vì thời đợi công nghệ số chưa bùng nổ, người ta còn nhiều thời gian để đọc, để tìm đến với sách cũ.

Giờ thì dọc con phố Cát Cụt không còn không khí náo nhiệt, nhộn nhịp kẻ mua người bán của chục năm về trước. Thay vào đó là không khí đìu hiu, vắng vẻ với một vài cửa hàng sách cũ còn sót lèo tèo, ít ỏi. “Gia đình tôi làm nghề này được hơn chục năm rồi. Trước ông bố chồng bán, giờ cụ yếu quá nghỉ ở nhà tôi ra bán thay.

Ngày ấy, dọc con phố này lúc nào cũng nhộn nhịp người đến tìm mua, sách chất ngồn ngộn không có chỗ mà đặt. Nhiều khách tận các quận huyện khác như Kiến An, Kiến Thuy, An Dương, Đồ Sơn cũng vì biết tiếng mà tìm đến. Ấy vậy mà bây giờ ế ẩm quá, thi thoảng lắm mới có người vào tìm mua” - cô Nguyễn Thị Thu, chủ một cửa hàng sách cũ trên đường Cát Cụt chia sẻ.

Nghề bán sách cũ đã từng là sinh kế của rất nhiều gia đình

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nguồn sách báo cũ thường được mua gom từ những người bán ve chai, đồng nát, những nhà muốn thanh lý tủ sách gia đình. Chính vì vậy giá bán đến tay người có nhu cầu cũng rất rẻ. Thường giá trị mỗi quyền sách, báo cũ chỉ bằng 1/3 đến ¼ giá bìa, thậm chí vài ba nghìn người mua đã có thể ung dung mang về một quyển truyện cũ.

“Giờ buôn bán ế ẩm, ngồi cả ngày bán được 100.000 đồng tiền sách là may. Những hôm mưa gió mang đi rồi lại chở về, nhiều hôm tôi cũng chán, muốn bỏ nghề nhưng còn phải nuôi hai con ăn học nên tôi lại cố gắng “theo nghề” – cô Thu chia sẻ.

Một chủ cửa hàng sách khác trên đường Cát Cụt cũng ngao ngán cho biết, thời sách cũ còn hưng thịnh, các cửa hàng sách cũ mọc san sát, chẳng cần mời chào mà vẫn đắt như tôm tươi, chẳng phải lo giành khách.

Khu vực này gần các trường học nên trước đây học sinh tìm đến mua sách cũ khá đông. Bây giờ muốn thấy bóng dáng các cháu học sinh đến mua sách cũng hiếm vì chỉ cần lên mạng là các cháu có thể tìm được sách mình cần, vừa nhanh, vừa tiện lợi...

Số người tìm mua sách cũ ngày càng ít ỏi

Lý giải cho việc ngày càng thu hẹp của nghề bán buôn sách cũ, chị Nguyễn Thị Tuyết, chủ một cửa hàng sách cũ trên đường Đà Nẵng cho biết: “Các cửa hàng sách cũ chủ yếu bán báo, truyện và sách giáo khoa đã qua sử dụng.

Truyện và báo thì giờ đầy rẫy trên mạng. Sách giáo khoa thì thay đổi liên tục, học sinh tiểu học thường làm trực tiếp vào sách giáo khoa nên không tái sử dụng được. Hơn nữa, với mức sống của xã hội ngày càng nâng cao, hầu như cháu nào cũng được sắm sách vở mới nên sách cũ ngày càng mất dần chỗ đứng.

Chị Tuyết chia sẻ thêm: Thị trường sách cũ ngày càng thu hẹp còn do trẻ bây giờ ít thời gian hơn trước. Ngoài thời gian học ở trường, nhiều cháu còn phải đi học thêm, thời gian làm bài trên lớp còn không có, lấy đâu ra thời gian mà đọc sách tham khảo hay sách truyện nữa. Ngày trước, buôn bán sách cũ là nghề chính trong gia đình nhưng giờ thì là nghề phụ. Trong lúc chưa xoay xở nghề khác thì tạm giữ nghề chứ tương lai nghề này không thể giữ lâu được”.

Buôn bán sách cũ ngày nay đã không còn là một nghề kiếm ra tiền như trước mà thay vào đó, nhiều cửa hàng sách cũ đã phải đóng cửa, chuyển hình thức kinh doanh mới hoặc cho thuê địa điểm. Tuy nghề bán sách cũ không còn hưng thịnh, song vẫn có không ít người lặng lẽ gắn bó với nghề cùng những lo toan trăn trở tìm kế mưu sinh mới khi nghề xưa đã không còn chỗ đứng vững chãi trên thị trường.

Hạnh Ngân

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông