09:27 17/08/2023 Ngày 16-8, Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương do đồng chí Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban là Trưởng Đoàn làm việc với Thường trực Thành uỷ Hải Phòng về kết quả thực hiện Chỉ thị số 37 ngày 3-9-2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới.
Đón tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Đỗ Mạnh Hiến, Phó bí thư Thường trực Thành uỷ; Đào Khánh Hà, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ; Lê Trí Vũ, Trưởng Ban Dân vận Thành uỷ; Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố; lãnh đạo các ngành; các đơn vị…
Tính đến hết năm 2022, Hải Phòng có 20.819 doanh nghiệp đang hoạt động thuộc các loại hình với 532.358 lao động. Đến tháng 3-2023, LĐLĐ thành phố quản lý 2964 công đoàn cơ sở với 335.378 công nhân; số đoàn viên là 314.609 người, trong đó có trên 185.000 công nhân làm việc trong các khu, cụm công nghiệp.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của Chỉ thị 37, Thành uỷ Hải Phòng tập trung cao sự lãnh đạo, chỉ đạo, làm tốt công tác phổ biến, quán triệt, tuyên truyền; xây dựng kế hoạch thực hiện. Thường trực Thành uỷ gặp gỡ, đối thoại với công nhân viên chức, lao động; chỉ đạo xây dựng và triển khai đề án phát triển quan hệ lao động; chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút nguồn nhân lực xã hội đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân; LĐLĐ thành phố có chương trình hỗ trợ công nhân lao động xây, sửa nhà; hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế gia đình…
Đồng thời, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, bộ tiêu chí đánh giá quan hệ lao động ở doanh nghiệp, thông tin thị trường lao động; thúc đẩy các hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể; phối hợp giải quyết tranh chấp lao động và đình công… Hầu hết doanh nghiệp đều có những chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, bảo đảm chế độ, quyền lợi, thu nhập cho người lao động…
Nhờ vậy, quan hệ lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có sự chuyển biến rõ rệt. Người lao động và người sử dụng lao động từng bước nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật lao động. Những cuộc tranh chấp lao động tập thể, tranh chấp lao động cá nhân, đình công đã giảm. Trật tự an ninh được bảo đảm, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, kinh tế xã hội của thành phố.
Thành ủy Hải Phòng kiến nghị với Ban Bí thư chỉ đạo sơ kết đánh giá việc thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW từ đó bổ khuyết nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cho phù hợp trong tình hình mới. Đồng thời đề nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội; chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan ban hành văn bản hướng dẫn việc thành lập, hoạt động của tổ chức đại diện cho người lao động tại cơ sở theo quy định tại Điều 170 Luật Lao động năm 2019; đề nghị LĐLĐ Việt Nam đề xuất Quốc hội sửa đổi Luật Công đoàn để thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới tổ chức hoạt động của Công đoàn, đồng bộ hoá với pháp luật lao động, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế…
Các thành viên đoàn khảo sát đề nghị Hải Phòng phân tích làm rõ hơn kết quả thực hiện quan hệ lao động hài hòa, nhất là trong các doanh nghiệp công nghiệp; doanh nghiệp FDI; vai trò của tổ chức công đoàn; các biện pháp bảo đảm mối quan hệ hài hòa giữa người sử dụng lao động và người lao động; các giải pháp bảo đảm an sinh cho người lao động, nhất là về nhà ở, trường học, nơi sinh hoạt văn hoá thể thao; việc thực hiện quy chế dân chủ ở doanh nghiệp…
Đồng chí Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương ghi nhận, đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo và cách làm của Hải Phòng trong thực hiện Chỉ thị 37. Tuy nhiên, theo đồng chí Đỗ Ngọc An, thời gian tới, quá trình hội nhập sâu vào thị trường quốc tế, các hiệp định thương mại khu vực, các chuẩn mực nguyên tắc của ILO đòi hỏi sự tuân thủ những điều khoản ràng buộc về quan hệ lao động kèm theo cơ chế thúc đẩy, giám sát thực thi những cam kết quốc tế về quan hệ lao động phải được bảo đảm trong cả luật pháp và thực tiễn cùng với cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 có tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, qua đó tác động mạnh đến thị trường lao động, quan hệ lao động.
Đồng chí mong muốn thành phố tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền để nâng cao nhận thức, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quan hệ lao động; nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn trong quan hệ lao động; thúc đẩy các hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể theo hướng nâng cao tính thực chất trong xác lập điều kiện lao động; tiếp tục rà soát, kiện toàn các thiết chế giải quyết tranh chấp lao động...
Đồng chí Đỗ Mạnh Hiến, Phó bí thư Thường trực Thành uỷ tiếp thu những ý kiến đóng góp của Đoàn khảo sát. Đồng thời khẳng định, Thành uỷ sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới, phù hợp với các chuẩn mực nguyên tắc của ILO; Bộ Luật Lao động 2019 với sự ra đời của các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; lắng nghe tâm tư nguyện vọng chính đáng của người lao động; tăng cường và đổi mới các hoạt động thanh tra, kiểm tra về lao động, kịp thời tư vấn, xử lý các tình huống có thể gây ảnh hưởng đến quan hệ lao động...
* Trước đó, sáng 16/8, Đoàn khảo sát của Ban Kinh tế Trung ương khảo sát tình hình thực hiện Chỉ thị số 37 đã khảo sát làm việc tại Công ty TNHH Heesung Electronics Việt Nam và Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng tại KCN Tràng Duệ, huyện An Dương./.
Hồng Thanh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh