Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng: Tham gia nhiều ý kiến vào Luật Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

08:19 01/06/2022

Chiều 31-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng thảo luận tại tổ 12 cùng đoàn Bắc Ninh và Kiên Giang.

                                    

            Đồng chí Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng chủ trì phiên thảo luận tổ

Tại phiên họp tổ, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc dự thảo Luật đã nhận diện và quy định khá rõ các hành vi bạo lực gia đình. Việc tiếp tục quy định về các hành vi bạo lực gia đình theo hướng cụ thể sẽ góp phần bảo đảm tính minh bạch, khắc phục tình trạng luật khung và thuận tiện trong hướng dẫn thi hành Luật. 

                                            

                                                  Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến về các dự án Luật

     Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, phải “gia cố” nhiều hơn nữa cho các biện pháp “phòng” và mối quan hệ giữa “phòng” với “chống” để người ta không thể và không dám có hành vi bạo lực gia đình. “Không thể tức là hệ thống pháp luật phải chặt chẽ. Không dám là chế tài phải nghiêm. Nếu không thì ban hành Luật ra cũng khó tạo được chuyển biến căn bản trong lĩnh vực này”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

     Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đặt vấn đề ngoài bạo lực thể chất còn bạo lực tinh thần, hay ép buộc lựa chọn giới tính thai nhi…là những vấn đề cần được nghiên cứu. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung vào trong Luật các loại hành vi bạo lực gia đình, tránh bỏ sót hành vi vi phạm, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi bạo lực gia đình được đánh giá là diễn biến nghiêm trọng với nhiều hình thức tinh vi, phức tạp.tiếp tục phân tích rà soát để nhận điện đầy đủ hành vi bạo lực gia đình.

                                      

                                      Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng thảo luận tổ cùng đoàn Bắc Ninh và Kiên Giang

     Chủ tịch Quốc hội cho rằng bên cạnh việc xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong nước như xây dựng nhà an toàn, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình… là rất cần thiết để duy trì các thành quả hiện có cũng như nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Song cũng cần có các quy định để nâng cao trách nhiệm của các địa phương và thu hút sự tham gia, đóng góp của xã hội, cộng đồng và cá nhân trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

     Trong đó thể hiện rõ mối quan hệ giữa gia đình với nhà trường, các tổ chức xã hội, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, các hội, liên hiệp hội liên quan trong phòng, chống bạo lực gia đình. Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, trên thực tế có nhiều vụ việc phức tạp nghiêm trọng về bạo lực gia đình được phát hiện chủ yếu nhờ các cơ quan thông tấn báo chí, trong khi đó vai trò của các thiết chế trong hệ thống chính trị lại chưa nổi bật rõ ràng.

      Các đại biểu Quốc hội Hải Phòng đề nghị cần khắc phục những vướng mắc của quy định pháp luật và phù hợp với công tác phòng chống bạo lực gia đình trong tình hình mới như bổ sung phạm vi áp dụng đối với những người sống chung với nhau… Đồng thời, cần nghiên cứu, cho ý kiến chung quanh vấn đề xã hội hóa công tác phòng chống bạo lực gia đình; về tư vấn, hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình; phát huy vai trò của cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có phát huy vai trò của cơ quan cấp xã đối với phòng chống bạo lực gia đình; về báo tin và xử lý tin báo, tố giác về bạo lực gia đình… 

                                           

                                                            Đại biểu Nguyễn Minh Quang (Hải Phòng) phát biểu

     Đại biểu Nguyễn Minh Quang (Hải Phòng) nêu ý kiến, dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình bổ sung quy định về biện pháp cấm tiếp xúc là phù hợp, nhất là đối với trẻ em, người mất ý thức… để tránh bạo lực kép.

     Đại biểu Tống Văn Băng (Hải Phòng) nhất trí với dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) quy định bổ sung thêm đối tượng điều chỉnh là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.. Song, qua 15 năm thi hành Luật cho thấy số vụ việc bạo lực gia đình có chiều hướng gia tăng, phức tạp, gây nhiều tác động xã hội. Do đó, đại biểu Tống Văn Băng cho rằng, Quốc hội nên xem xét cơ quan quản lý về vấn đề này là Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

       Về dự án Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ  nhấn mạnh, dự án Luật mở rộng phạm vi điều chỉnh, quy định việc thực hiện dân chủ cơ sở đối với 3 loại hình cơ sở chính, gồm: xã, phường, thị trấn và cộng đồng dân cư trên địa bàn đơn vị hành chính cấp xã; cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và doanh nghiệp. Đồng thời, việc chuyển  nội dung thanh tra nhân dân từ Luật Thanh tra sang Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là chủ trương đúng, bởi nội hàm này là thanh tra của nhân dân, từ đó bảo đảm cơ chế dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.

                                        

                                                                          Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) phát biểu

      Các đại biểu Quốc hội Hải Phòng cũng đồng tình với những quy định dân chủ cơ sở đối với các loại hình doanh nghiệp, từ đó hạn chế các tranh chấp lao động tập thể, bảo đảm quyền lợi của người lao động. Đại biểu Nguyễn Chu Hồi đề nghị có thể sửa tên gọi của Luật cho gọn hơn, bao hàm nhiều nội dung hơn. Đại biểu cũng thống nhất chuyển quy định về thanh tra nhân dân sang Luật này; đề xuất về quy định đối với một số nội dung để dân biết dân bàn, dân làm, dân kiểm tra đăng tải trên mạng xã hội là đủ, không cần nêu quá chi tiết là mạng gì…

                                                                                                                                                     Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông