Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội làm việc với thành phố theo Chuyên đề “Thực hiện chính sách pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông từ năm 2009 đến năm 2023”

21:40 12/04/2024

Trong hai ngày 11-12/4, Đoàn Giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội làm việc với thành phố theo Chuyên đề “Thực hiện chính sách pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông từ năm 2009 đến năm 2023”. Đồng chí Dương Thanh Bình, Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Ban Dân nguyện làm trưởng đoàn. Tiếp và làm việc với Đoàn có Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Thọ và các sở, ngành liên quan.

Giai đoạn 2009-2023, căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo của Trung ương, thành phố Hải Phòng đã ban hành các văn bản chỉ đạo, quản lý, điều hành theo thẩm quyền, trong đó chú trọng giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ngành, địa phương theo chức năng nhiệm vụ, tăng cường phân cấp, uỷ quyền để thuận lợi trong quá trình tổ chức, thực hiện. Ý thức và hiểu biết của toàn xã hội về công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông được nâng cao, chuyển biến một cách rõ rệt, các quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông dần đi vào đời sống, người dân và doanh nghiệp đã thực hiện, tuân thủ các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

 

Đoàn giám sát thực tế tại Khu vực Cảng Lạch Huyện

 

Kết cấu hạ tầng giao thông giao thông được Trung ương và thành phố chú trọng, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo theo hướng đồng bộ, hiện đại, an toàn góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội và sự ổn định về an ninh chính trị của thành phố. Hoạt động vận tải trên mọi lĩnh vực ngày phát triển đa dạng tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải cung cấp cho người dân dịch vụ ngày càng tốt hơn. Công tác chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ góp phần nâng cao hiệu quả về quản lý trật tự, an toàn giao thông và hoạt động vận tải cụ thể: giám sát, điều hành giao thông, sát hạch đào tạo lái xe, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông...

 

Đoàn giám sát thực tế tại các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT trên địa bàn huyện An Dương

Tuy nhiên, hệ thống chính sách pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh nhưng vẫn thiếu đồng bộ và thường xuyên thay đổi nên việc triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn. Một bộ phận người dần còn thiếu ý thức khi tham gia giao thông, còn có tâm lý coi thường với pháp luật, không chấp hành, chống người thi hành công vụ…

Trên cơ sở thực tiễn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Thọ đề xuất một số giải pháp, cụ thể: Hệ thống chính sách, pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện theo hướng dễ nhớ, dễ hiểu, dễ áp dụng. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm minh vi phạm pháp luật về giao thông của người tham gia giao thông và người được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông. Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; ưu tiên phát triển vận tải khách công cộng đáp ứng nhu cầu hợp lý về phương tiện giao thông của Nhân dân; tăng cường kết nối các loại hình giao thông để giảm áp lực cho giao thông đường bộ. 

 

Khảo sát tại Cảng hàng hoá của Công ty Xi măng Chinfon

Đồng thời, thành phố cũng kiến nghị các cấp uỷ Đảng tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chính sách trong lĩnh vực đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sớm xem xét, thông qua Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Đối với Chính phủ và các Bộ, ngành kịp thời ban hành các nghị định, thông tư và các văn bản hướng dẫn thi hành phù hợp với thực tế và tình hình mới.

 

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Thọ đề xuất một số giải pháp

Qua nghe báo cáo và các ý kiến phát biểu, đồng chí Dương Thanh Bình, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, Trưởng Đoàn công tác ghi nhận, đánh giá cao quyết tâm của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hải Phòng và các sở, ngành liên quan, tạo sự chuyển biến từ thành phố đến cơ sở trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông từ năm 2009 đến năm 2023, đạt được nhiều kết quả tích cực. Đồng chí cũng nhận xét, hệ thống giao thông của Hải Phòng có mật độ, cấp độ phát triển nhanh dẫn tới đội ngũ cơ quan thực thi việc quản lý hệ thống chưa theo kịp, có nhiều bất cập, trong đó có việc ban hành, thực hiện các chính sách, quy định. Bên cạnh đó, việc hội đủ các loại hình giao thông khiến công tác quản lý, vận hành gặp không ít khó khăn, trong đó nguyên nhân chủ yếu do vướng nhiều quy định của pháp luật, thông tư hướng dẫn chưa đầy đủ, phân cấp chưa triệt để, nhất là sự phối hợp giữa các ngành của Trung ương và địa phương chưa nhịp nhàng, thống nhất. 

 

Đồng chí Dương Thanh Bình, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, Trưởng Đoàn công tác ghi nhận, đánh giá cao quyết tâm của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hải Phòng và các sở, ngành liên quan.

Đồng chí đề nghị, qua cuộc giám sát này, UBND thành phố chắt lọc lại các vấn đề cần bổ sung, nhất là các kiến nghị để hoàn thiện báo cáo, gửi  Đoàn giám sát trước ngày 20/4 để tiếp thu, tổng hợp vào báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc gửi tới các Bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết.

LAN PHƯƠNG

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông