18:10 09/01/2017
Theo thống kê của cơ quan chức năng, Hải Phòng hiện có khoảng 26.000 doanh nghiệp đã được cấp phép hoạt động, trong đó chiếm hơn 90% là các doanh nghiệp thuộc loại hình nhỏ và vừa. Tuy nhiên, cũng từ thống kê này, doanh nghiệp nộp thuế thực chất chỉ có hơn 13.000 doanh nghiệp. Như vậy, xấp xỉ 13.000 doanh nghiệp khác chỉ tồn tại... trên giấy (hay gọi nôm na là doanh nghiệp ảo, doanh nghiệp “ma”). Điều này khiến các ngành như Thuế, Bảo hiểm xã hội, Lao động-thương binh-xã hội, Công đoàn... khi muốn tìm đến để hợp tác quản lý hoặc thực hiện công tác nghiệp vụ đều bất lực vì không thể gặp được người đại diện. Việc tồn tại quá nhiều doanh nghiệp ảo đang là thực tế đáng quan ngại, nhất là đối với ngành Thuế. Không thu thuế được đối với các doanh nghiệp này đã đành, ngành phải đối mặt với hàng loạt tiêu cực, đó là hiện tượng kinh doanh hóa đơn bất hợp pháp (đối với các doanh nghiệp “ma”); hay chuyển giá (đối với các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài)...; dẫn đến không đảm bảo công bằng, minh bạch trong thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách... Còn đối với ngành Bảo hiểm xã hội thành phố, tính đến ngày 15-12-2016, cơ quan này đã thực hiện kiểm tra, rà soát ngẫu nhiên 8.701 đơn vị, doanh nghiệp, thì có đến 5.892 đơn vị không tìm thấy địa chỉ (không có trụ sở hoạt động), dừng hoạt động... Kết quả này cho thấy, có quá nhiều bất cập khi xác định số doanh nghiệp hoạt động thực sự hiện nay của thành phố. Nếu như đối chiếu với số liệu của ngành Thuế là hơn 13.000 doanh nghiệp đang nộp ngân sách, thì theo BHXH thành phố, hết năm 2016, mới chỉ có 6.350 doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động (với 288.062 người) tham gia BHXH, BHYT bắt buộc. Như vậy, có thể hiểu còn hơn 6.000 doanh nghiệp đang không thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH cho hàng nghìn lao động(?!). Đến lúc này, câu hỏi đặt ra là làm sao ngăn chặn được hiện tượng doanh nghiệp ảo khi mà người đi đăng ký thành lập doanh nghiệp thoải mái đăng ký ngành nghề kinh doanh, vốn điều lệ, địa chỉ, rồi đóng lệ phí, ít ngày sau được cấp giấy phép, không chịu sự xác minh nào. Lợi dụng sự thông thoáng này, không ít đối tượng đã thành lập mới doanh nghiệp nhưng không hoạt động theo đúng giấy phép đăng ký kinh doanh mà chỉ dùng pháp nhân để làm ăn phi pháp, trục lợi... Rõ ràng các cơ quan chức năng cần mở một cuộc tổng rà soát các doanh nghiệp đã đăng ký trên địa bàn. Doanh nghiệp nào thực sự hoạt động, có đóng thuế và bảo đảm thực hiện các quy định của pháp luật thì cho tiếp tục hoạt động, còn các doanh nghiệp “ảo” thì nên triệt tiêu. Mặt khác, cần phải siết chặt quản lý đối với việc đăng ký thành lập doanh nghiệp mới. Có như vậy, doanh nghiệp ảo, doanh nghiệp “ma” mới thực sự giảm đi và không còn là mối lo thường trực nữa... ĐỨC TÙNG |
22:42 09/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh