19:52 30/04/2016
Sáng 29-4, tại Hội trường Thống Nhất thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyên Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến với cộng đồng các doanh nghiệp với chủ đề: “Doanh nghiệp Việt Nam – Động lực phát triển kinh tế đất nước”. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng. Chủ trì phía đầu cầu Hải Phòng có các đồng chí: Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Lê Thanh Sơn, Phó chủ tịch UBND thành phố; Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị liên quan và lãnh đạo 50 doanh nghiệp trên địa bàn (ảnh). Thông điệp mà người đứng đầu Chính phủ đưa ra là: Doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế đất nước. Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng. Theo thông tin từ ban tổ chức, tại điểm cầu Hội trường Thống nhất Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 300 đại biểu doanh nghiệp, dân doanh, 50 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 20 hiệp hội doanh nghiệp như: AmCham, Eurocham; Phòng Thương mại Hàn Quốc, Nhật Bản… tham dự. Hai nội dung chính của Hội nghị là: Xác định các rào cản về cơ chế, chính sách và giải pháp khắc phục, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp; xử lý các kiến nghị, giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, trong quá trình thực thi pháp luật của đội ngũ công chức, như tình trạng nhũng nhiễu do chính bộ máy hoặc do công chức gây ra. Hội nghị đã nghe các kiến nghị của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa; Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam; Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam; Công ty ô tô Trường Hải; Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam; HTX Thương mại Sài Gòn (Sài Gòn coop); Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam; Công ty hàng không Vietjet; Hiệp hội doanh nghiệp Gia Lai; Hiệp hội Dệt may Việt Nam; Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu; Công ty phần mềm Quang Trung; Công ty Vinamilk, Hiệp hội bất động sản thành phố Hồ Chí Minh….Các kiến nghị xoay quanh các vấn đề như: rủi ro về chi phí thủ tục hành chính (giao dịch, gia nhập thị trường, tuân thủ luật pháp…đang ở mức cao so với các nước láng giềng); Các doanh nghiệp trong nước đang phải gánh chịu các chi phí của cả các khoản nợ xấu của hệ thống ngân hàng cũng như nợ công của Chính phủ; Các khoản thuế, phí ở Việt Nam hiện đã chiếm tới 40,8% lợi nhuận của doanh nghiệp, mức huy động thuộc loại cao nhất trong khu vực; đánh giá cao việc Việt Nam gia nhập TPP và kỳ vọng Quốc hội sẽ sớm thông qua Hiệp định này; Việt Nam cần giảm tối đa việc giao dịch tiền mặt, hạn chế gặp mặt trực tiếp giữa đại diện Nhà nước và doanh nghiệp nhằm giảm thiểu được nguy cơ tham nhũng; đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng và sớm hoàn thiện luật về hội để các hiệp hội có chỗ dựa pháp lý vững chắc và thành lập chương trình khởi nghiệp quốc gia do Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng đứng đầu; đề nghị Chính phủ đẩy nhanh cơ chế tái cấp vốn và sửa đổi thông tư 36 cần có lộ trình; kinh tế Việt Nam chỉ có thể hội nhập thành công khi có cộng đồng doanh nghiệp mạnh; đề nghị nhà nước đầu tư nâng cao năng suất lao động của người Việt Nam; Chính phủ cần bảo vệ doanh nghiệp và thị trường bán lẻ trong nước; xây dựng cơ chế cho hàng không tư nhân được tham gia mạnh hơn về đầu tư hạ tầng, cổ phần hoá; đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo áp dụng chương trình hoàn toàn bằng tiếng Anh hoặc tiếng Nhật tại các ngành CNTT ở tất cả các trường đại học, cao đẳng; xây dựng bộ chỉ số về đào tạo CNTT để tránh các trường đào tạo tràn lan, không bài bản…. Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Người dân được phép kinh doanh những gì luật không cấm, các doanh nghiệp được bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực từ tín dụng đến tài nguyên, đất đai...Thủ tướng lưu ý, các cơ quan quản lý Nhà nước khi ban hành chính sách phải chịu trách nhiệm đến cùng với quyết định của mình. Phải lượng hóa được những tác động của chính sách để doanh nghiệp tính toán được với chi phí trong thi hành, tuân thủ chính sách; các quy định phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ; khơi nguồn đổi mới kinh doanh tạo những cơ chế riêng cho doanh nghiệp khởi nghiệp, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng hình sự hóa các quan hệ kinh tế, trừ những trường hợp vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho các quỹ nước ngoài, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam. Việt Nam coi doanh nghiệp FDI là những người bạn đồng hành của mình. Thủ tướng nhấn mạnh: Trong việc cải cách thủ tục hành chính phải tạo điều kiện cho môi trường kinh doanh. Trước mắt, Chính phủ sẽ tập hợp rà soát và công bố công khai những điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa, hợp lý hóa các điều kiện và kiên quyết loại bỏ những điều kiện kinh doanh không phù hợp và nghiêm cấm ban hành những quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp. Việc thanh kiểm tra phải hướng đến mục tiêu hướng dẫn doanh nghiệp chứ không phải mang tính chất điều tra, quy kết. Thủ tướng lưu ý rằng, việc gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp phải đi vào thực chất giải quyết trực tiếp vấn đề của doanh nghiệp chứ không phải là tổ chức các hội thảo, gặp nhau rồi ra về. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cam kết bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính nhưng kiên quyết sẽ đấu tranh, loại bỏ những đối tượng đội lốt doanh nghiệp, làm ăn bất chính, phương hại đến an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia, vô cảm trước sức khỏe của nhân dân, đồng bào... TP |
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh