21:10 02/05/2024 Mặc dù đã tới gần 12 giờ trưa nhưng cuộc gặp gỡ, đối thoại ngày 12-4 giữa Thường trực Thành ủy với đội ngũ trí thức khoa học công nghệ vẫn sôi động, hấp dẫn. Thường trực Thành ủy muốn nghe nhiều hơn các ý kiến, sự hiến kế; đội ngũ trí thức khoa học công nghệ thành phố cũng muốn phản ánh những tâm tư, tình cảm, suy nghĩ và cả mong muốn, kỳ vọng. Tất cả đều cùng hướng tới một mục tiêu chung là phát huy, huy động nhiều nhất sự tham gia của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ để góp phần hiện thực hóa các mục tiêu, khát vọng phát triển Hải Phòng. Có thể nói, đã có sự hiểu biết sâu sắc, toàn diện hơn; các yêu cầu, chí hướng đã cùng gặp nhau để rồi cùng nỗ lực vì một Hải Phòng phồn vinh, thịnh vượng.
Bài 1:
Đội ngũ trí thức khoa học công nghệ ngày càng vững mạnh
Là thành phố Cảng, thành phố công nghiệp, trung tâm giáo dục đào tạo, y tế của cả vùng, Hải Phòng là nơi hội tụ của đội ngũ trí thức, đặc biệt là trí thức khoa học công nghệ. Những năm qua, với sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, cùng những cơ chế chính sách cụ thể, thiết thực, đội ngũ trí thức khoa học công nghệ thành phố ngày càng đông, càng vững mạnh về mọi mặt, thực sự là nguồn lực quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển thành phố.
Tăng nhanh về số lượng và chất lượng
Đến nay, nhân lực khoa học và công nghệ làm việc trong các trường đại học, cao đẳng, các tổ chức khoa học và công nghệ trên địa bàn thành phố có trình độ trên đại học chiếm 57,73%, vượt chỉ tiêu đều ra (hơn 40%). Trong đó có hàng trăm giáo sư, phó giáo sư, tăng gấp 3-4 lần so với trước. Đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ có trình độ tiến sĩ, tiến sĩ khoa học ngày càng đông đảo.
Báo cáo của UBND thành phố về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH- HĐH đất nước nhận định: trí thức khoa học và công nghệ của thành phố tăng đáng kể về số lượng (tăng 23,7%) và đặc biệt có sự tăng trưởng lớn về chất lượng. Số giáo sư, phó giáo sư tăng hơn 4 lần; số tiến sĩ, tiến sĩ khoa học tăng gấp 3 lần; số thạc sĩ tăng 2,6 lần…
Phân bố nhân lực khoa học và công nghệ của thành phố theo các lĩnh vực hoạt động lần lượt từ cao xuống thấp như sau: khoa học kỹ thuật và công nghệ chiếm tỷ lệ 38%; khoa học xã hội và nhân văn 28%; khoa học y dược 19%; khoa học nông nghiệp 9%; khoa học tự nhiên: 6%; các ngành khoa học khác 8%. Hiện tại, trên địa bàn thành phố có 4 trường đại học, 52 tổ chức có hoạt động khoa học và công nghệ (trong đó có 8 đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn thành phố) bao gồm: 26 tổ chức công và 26 tổ chức ngoài công lập.
Trong tổng số 52 tổ chức, có 19 tổ chức có hoạt động khoa học và công nghệ về biển, kinh tế biển, môi trường, trong đó có các tổ chức lớn của Trung ương đóng trên địa bàn như: Viện Nghiên cứu Hải Sản, Viện Tài nguyên và Môi trường biển, Viện Y học biển. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật của các viện, trường, trung tâm nghiên cứu, các phòng thí nghiệm, các đơn vị sự nghiệp trong những năm qua cũng được tăng cường một bước. Số phòng thí nghiệm, thử nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia VILAS (ISO/IEC 17025) trên địa bàn thành phố ngày càng tăng. Hiện thành phố có 38 phòng thử nghiệm được công nhận (năm 2013, Hải Phòng chỉ có 13 phòng thí nghiệm, thử nghiệm được công nhận đạt tiêu chuẩn quốc gia VILAS).
Hải Phòng cũng là địa phương đi đầu trong việc đào tạo đội ngũ trí thức. Cụ thể là đã triển khai Đề án đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ ở nước ngoài (Đề án 100). Qua 8 khóa, Thành uỷ Hải Phòng đã lựa chọn cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực và có triển vọng phát triển cử đi đào tạo được 73 thạc sĩ và tiến sĩ ở nước ngoài để trở thành cán bộ quản lý, chuyên gia giỏi trên một số lĩnh vực, bổ sung nguồn nhân lực có trình độ sau đại học phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Phần lớn các học viên phát huy được năng lực, với tư duy mới, phương pháp làm việc khoa học, tự tin và chủ động hội nhập quốc tế. Thành phố đã cử 10 cán bộ tham gia Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước” (gọi tắt là Đề án 165) của Trung ương.
Đáng chú ý, các cơ quan, tổ chức, đơn vị của thành phố đã hợp tác với gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ để triển khai các hoạt động khoa học và công nghệ, bồi dưỡng và đào tạo nhân lực, trong đó có nhiều quốc gia phát triển có tiềm lực khoa học và công nghệ mạnh, như Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Hà Lan, Nga, Phần Lan, Hàn Quốc, Úc, Bỉ, Israel, Nhật Bản...Hoạt động hợp tác với nước ngoài trong việc bồi dưỡng và đào tạo nhân lực đã được các trường đại học, cao đăng trên địa bàn thành phố triển khai tích cực với việc hợp tác với nhiều viện nghiên cứu, trường đại học, trong đó có nhiều trường danh tiếng trên thế giới: Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, Học viện kỹ thuật Cock (Ireland), Học viện Hàng hải California, Đại học Y Havard (Hoa Kỳ), Đại học Bách khoa Canaluna (Tây Ban Nha, Đại học Liege (Bỉ), Đại học Bremen (Đức), Đại học Nantes (Pháp) Đại học quốc gia Seoul (Hàn Quốc),...
Thành phố đã triển khai hàng chục nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Nghị định thư, do các tổ chức chính phủ hoặc các tổ chức quốc tế tài trợ (với Hàn Quốc, Cộng hòa Pháp, Phần Lan,...). Hoạt động hợp tác trong ứng dụng và chuyển giao công nghệ đã được triển khai, thông qua việc nhận chuyển giao công nghệ, thiết bị từ nước ngoài, thích nghi làm chủ công nghệ của các doanh nghiệp. Hoạt động này không những tranh thủ chuyên gia, tài chính, kinh nghiệm của các nước có nền khoa học và công nghệ tiên tiến mà bước đầu đã đạt những kết quả trong việc tranh thủ tiềm lực khoa học và công nghệ của các đối tác nước ngoài phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, nâng cao năng lực khoa học và công nghệ của thành phố như sử dụng phòng thí nghiệm của trường Đại học Kangwon (Hàn Quốc), các phòng thí nghiệm của Brest Mestrolole Oceane (Cộng hòa Pháp)...
Nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế về khoa học và công nghệ đã được tổ chức tại thành phố với sự phối hợp. hỗ trợ của các quốc gia, tổ chức quốc tế. Có thể thấy, đó chính là những yếu tố quan trọng để đội ngũ trí thức khoa học công nghệ Hải Phòng ngày càng vững mạnh cả về số lượng và chất lượng, đi đầu trong nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế.
Tràn đầy tình yêu và nhiệt huyết phát triển Hải Phòng
Mặc dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đội ngũ trí thức khoa học công nghệ cũng luôn tràn đầy tình yêu và nhiệt huyết phát triển Hải Phòng. Tại hội nghị đối thoại của Thường trực Thành ủy với đội ngũ trí thức khoa học công nghệ vừa qua, rất nhiều ý kiến phát biểu thể hiện rõ tình yêu, sự đam mê, khao khát cống hiến cho thành phố.
Các đại biểu dự hội nghị thẳng thắn trao đổi, đối thoại với Thường trực Thành uỷ một số nhóm vấn đề chính như: chế độ thu hút, đãi ngộ, trọng dụng, đào tạo, bồi dưỡng, tôn vinh đội ngũ trí thức; đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật nhằm tạo môi trường làm việc cho trí thức yên tâm cống hiến. Đồng thời đề nghị thành phố sớm ban hành “Quy chế xét chọn, biểu dương, tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu”; sớm triển khai nghiên cứu thành lập Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng và các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung phù hợp với thành phố. Từ đó tạo môi trường thuận lợi để thực hiện chính sách thu hút đội ngũ trí thức, chuyên gia khoa học và công nghệ trong và ngoài nước tới làm việc...
Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam - PGS.TS. Phạm Xuân Dương đề nghị thành phố tiếp tục quan tâm tăng cường các chính sách đặc thù, chế độ đãi ngộ, tôn vinh, trọng dụng thu hút đội ngũ, trí thức khoa học - công nghệ, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và nước ngoài làm việc tại Hải Phòng, nhất là chính sách tuyển dụng, chế độ tiền lương, tạo môi trường làm việc, ổn định đời sống.
Bên cạnh đó, Hải Phòng cần đưa ra dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế của thành phố nói chung và kinh tế biển nói riêng, xác định cơ cấu việc làm, từ đó có cơ chế, chính sách mới, đặc thù, phù hợp hơn để phát triển đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trong tình hình mới. Cùng với đó, đề nghị thành phố tiếp tục đầu tư và tạo đột phát trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức khoa học công nghệ; xây dựng cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp và các trường, viện nghiên cứu tham gia sâu rộng hơn nữa trong Kế hoạch nghiên cứu của thành phố; khuyến khích và có chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước ký kết trực tiếp với các nhà khoa học, trường, viện trong các hợp đồng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, nội địa hóa công nghệ để cạnh tranh với nước ngoài...
Tiến sỹ Phạm Thu Xanh, nguyên Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng đề nghị thành phố cần lựa chọn giải quyết các vấn đề theo thứ tự ưu tiên để tối ưu hóa nguồn lực cho phát triển bền vững ngành y tế. Trong đó đào tạo nhân lực là yếu tố then chốt; đầu tư cơ sở hạ tầng là quan trọng; có cơ chế, chính sách phù hợp để xã hội hóa y tế; dành quỹ đất ở các vị trí phù hợp để kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực xây dựng những chuyên khoa sâu cấp thiết; đầu tư cơ sở dưỡng lão có nhiều phân khúc đáp ứng cho các đối tượng khác nhau, trong đó có phân khúc cao cấp 5 sao hiện đại, chăm sóc y tế dịch vụ cao, đội ngũ chuyên nghiệp, đầy đủ tiện ích vui chơi, thể dục, giải trí và đầu tư phân khúc phổ thông để đáp ứng đối tượng là người lao động có thu nhập trung bình; xem xét các giải pháp tăng dân số cơ học để tạo thị trường lao động tiềm năng…
Là một trong những trí thức trẻ người Hải Phòng hiện đang nghiên cứu và làm việc ở nước ngoài, em Nguyễn Hải Phong, nghiên cứu sinh thiết kế vi mạch Đại học Colombia, Hoa Kỳ thể hiện mong muốn, khát vọng được cống hiến cho thành phố quê hương, đặc biệt là được góp sức trong đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ trong lĩnh vực vi mạch; tham gia thiết kế vi mạch cho các doanh nghiệp công nghệ của Hải Phòng và Việt Nam…
(Còn tiếp)
Hồng Thanh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh