17:10 08/04/2024 Là thành phố Cảng biển lớn nhất miền Bắc, Hải Phòng là nơi hội tụ của hàng nghìn doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn cũng như các tỉnh, thành phố lân cận. Những năm qua, thành phố và các ngành thực sự đổi mới, cải cách, mang lại nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng còn nhiều tâm tư, nguyện vọng, mong muốn thành phố, các ngành cùng chung tay giải quyết, vì sự phát triển chung của cả doanh nghiệp và thành phố.
Bài 1:
Nhiều băn khoăn, lo lắng
Tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp xuất nhập khẩu với chủ đề “Hợp tác - phát triển - hiệu quả” do UBND thành phố phối hợp với Cục Hải quan Hải Phòng tổ chức mới đây, các ý kiến phát biểu của doanh nghiệp đều đánh giá rất cao thành phố Hải Phòng, Cục Hải quan Hải Phòng đã hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động; môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố ngày càng thông thoáng, cởi mở, làm hài lòng doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng tập trung nêu nhiều ý kiến, kiến nghị và cả những băn khoăn, lo lắng.
Mong muốn giảm thủ tục, chuyển đổi số
Ông Trương Gia Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhôm Đông Á tại Chí LInh, Hải Dương cho biết, công ty thường xuyên có sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Australia, Canada, châu Âu… qua cảng Hải Phòng với sản lượng khoảng 40.000 tấn/năm, chiếm 2/3 sản lượng sản xuất. Trong quá trình đó, công ty thường xuyên phải giao dịch mua bán nguyên liệu, vật tư với một số đối tác nước ngoài. Các đối tác này chỉ định cho doanh nghiệp tại Việt Nam giao hàng. Tuy nhiên, công ty thường gặp vướng mắc liên quan tới thủ tục hải quan đối với việc xuất nhập khẩu tại chỗ nêu trên và rất mong muốn sớm được hướng dẫn, tháo gỡ.
Theo lãnh đạo công ty Đông Á, Cục Hải quan Hải Phòng đang tập trung nguồn lực để có thể sẵn sàng triển khai Hệ thống Hải quan số và mô hình Hải quan thông minh theo kế hoạch của Tổng cục Hải quan, cố gắng trở thành một trong những đơn vị đầu tiên của toàn ngành thực hiện thí điểm thành công kế hoạch này. Đối với một thành phố mạnh về xuất nhập khẩu với hàng triệu tờ khai và kim ngạch hàng chục tỷ USD mỗi năm như Hải Phòng thì lợi ích của Hải quan số và mô hình Hải quan thông minh mang lại sẽ rất to lớn. Tuy nhiên để mô hình này có thể thuận lợi vận hành, doanh nghiệp đề xuất cơ quan ban ngành khác cũng cần phải cải tiến để có thể đồng bộ và tận dụng triệt để lợi ích mà Hải quan số mang lại.
Ví dụ như Ban Quản lý Khu kinh tế có thể kết hợp kết hợp với cơ quan hải quan để đảm bảo thông tin một cửa quốc gia. Doanh nghiệp khi làm thủ tục hải quan đã có bộ chứng từ đầy đủ như tờ khai, hóa đơn, CO, chứng từ kiểm tra chất lượng,… đã được đính kèm lên hệ thống hải quan thì các cơ quan ban ngành khác có thể tận dụng bộ hồ sơ đó để tiếp tục làm thủ tục, giảm thiểu một số bước cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp đề xuất, có thể số hóa việc lưu trữ chứng từ, thay vì lưu trữ chứng từ giấy để việc truy suất nguồn dữ liệu được dễ dàng hơn…
Ông Liu Hiu Min, Tổng giám đốc Công ty TNHH USI Việt Nam (Khu công nghiệp Đình Vũ) cho biết, USI là công ty sản xuất điện tử hàng đầu với 30 cơ sở sản xuất trên toàn thế giới, cung cấp cho những khách hàng lớn trên toàn cầu. Thành phố Hải Phòng có sự thuận tiện về giao thông (đường bộ, đường biển và đường hàng không), có dịch vụ cung cấp điện nước trong Khu công nghiệp tương đối vững vàng, thêm vào đó là sự hỗ trợ nhiệt tình của các cơ quan ban ngành trong quá trình đầu tư. Vì vậy, USI lựa chọn Hải Phòng là địa điểm đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất đầu tiên của tập đoàn tại Đông Nam Á. Do sự thay đổi mô hình tiếp thị trên toàn thế giới nên USI HPH nhận được nhiều mô hình kinh doanh mới từ khách hàng quan trọng. Vìì vậy, đối với quá trình xin cấp và thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đầu tư; Giấy phép kinh doanh sẽ thường xuyên hơn, so với hiện tại, sẽ là loại hình mới trong tương lai (ví dụ: vật liệu bán dẫn từ tấm wafer được khách hàng chỉ định). Việc áp dụng thay đổi kịp thời và xác định lại nguyên liệu sản phẩm sẽ là yếu tố then chốt để giành được nhiều hoạt động kinh doanh hơn.
Do đó, để tăng năng lực cạnh tranh và vì sự phát triển bền vững của Việt Nam và các doanh nghiệp FDI, USI đề nghị, cùng với cơ quan Hải quan, thành phố chỉ đạo các sở ban ngành cùng đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng các Cơ sở dữ liệu lớn sao cho kết nối liên thông các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ xử lý thủ tục hành chính, sử dụng dữ liệu dùng chung một cửa. Ví dụ như khi Sở kế hoạch Đầu tư cấp phép thay đổi giấy chứng nhận đầu tư thì các cơ quan khác như hải quan, thuế...vv có thể xem, nắm bắt thông tin trên hệ thống được ngay mà doanh nghiệp không cần trình bản giấy nữa. USI đã đưa kỹ thuật sản xuất bản mạch thu nhỏ với công nghệ tiên tiến nhất thế giới vào Hải Phòng. Trong tương lai, công ty sẽ hợp tác chặt chẽ với nhu cầu của thị trường, đưa vào sản xuất và phát triển những sản phẩm công nghiệp, hy vọng có thể tiếp tục hợp tác với Hải Phòng để góp phần vào sự phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, cống hiến vào sự phát triển kinh tế của địa phương nên càng giảm thủ tục bao nhiêu càng tăng sức hấp dẫn của Hải Phòng và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bấy nhiêu.
Đại diện Công ty TNHH điện tử DONG YANG Hải Phòng (KCN Tràng Duệ) phản ánh, hiện nay, hệ thống dữ liệu xin khai báo hóa chất; tiền chất trên Cổng thông tin một cửa quốc gia (https://vnsw.gov.vn/) có trường hợp gặp sự cố hay không trả kết quả ngay khi khai báo trực tuyến. Điều này làm hàng hóa của doanh nghiệp không được thông quan mà tồn tại cảng khiến cho chi phí lưu kho tăng, không đáp ứng được tiến độ sản xuất và mong sớm khắc phục.
Lo lắng về chi phí
Theo Công ty TNHH Điện tử Cais Vina (KCN nam cầu Kiền), chi phí logistics chiếm một tỷ lệ khá lớn trong tổng chi phí sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu. Hiện nay chi phí logistics ở Việt Nam đang khá cao so với mặt bằng chung trên thế giới và khu vực. Doanh nghiệp hiện đang trực tiếp chi trả cước vận tải quốc tế cho các lô hàng xuất khẩu và nhập khẩu của mình. Theo Nghị định 146/2016 về niêm yết giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển, giá dịch vụ tại cảng biển thì các hãng tàu khi muốn điều chỉnh các loại phí và phụ phí, chỉ cần niêm yết thay đổi giá trước thời điểm điều chỉnh giá 15 ngày và không phải thông qua kiểm tra, giải trình các yếu tố cấu thành phí và phụ phí. Doanh nghiệp rất mong các ban ngành cơ quan hữu quan có giải pháp kiểm soát chi phí giao nhận hàng của các hãng tàu nước ngoài, để giúp tạo nên một mặt bằng chi phí có tính cạnh tranh và công bằng cho cộng đồng doanh nghiệp.
Cũng như vậy, Công ty TNHH Navigatec New Materials Việt Nam (KCN Đình Vũ) cho biết, đang có sự chênh lệnh phí nâng hạ hàng và vỏ rỗng giữa cảng (CY) và các bãi (ICD), khi phí nâng/hạ vỏ rỗng tại các bãi (ICD) không những không thấp hơn mà lại cao cả chi phí nâng/hạ hàng tại cảng, rất bất hợp lý (cao hơn từ 10-25% tùy cảng và bãi). Trong khi đó, khi lấy lệnh từ hãng tàu, doanh nghiệp đã phải trả các loại phí như phí chứng từ, THC, CIC, phí vệ sinh, phí bảo trì cont (khoảng từ 200.000-500.000 đồng/cont) nhưng khi trả vỏ rỗng về bãi thì trong một số trường hợp doanh nghiệp vẫn phải trả thêm phí vệ sinh thông thường (được các bãi gọi là vệ sinh công nghiệp) hoặc phí sửa chữa như xước sàn, hay phình bẹp vỏ, bẹp xà...
(Còn tiếp)
Hồng Thanh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh