09:30 19/03/2018 Với quan niệm “trần sao âm vậy”, mong muốn người ở cõi âm được sung túc, không ít gia đình Việt hiện nay tốn quá nhiều tiền cho việc sắm đồ vàng mã để cúng tiến cho người cõi âm vào những dịp giỗ, tết trong năm. Đặc biệt tại các cơ sở thờ tự như chùa chiền, miếu mạo, việc người dân mua vàng mã vào cung tiến và sử dụng quá nhiều không chỉ gây tốn kém, ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng đến an toàn phòng cháy chữa cháy…
Từ xưa, dân ta đã có tục đốt vàng mã mỗi khi gia đình có đám hiếu, giỗ chạp hay các tuần rằm, dịp lễ trong năm. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, tục đốt vàng mã có phần biến tướng, nhiều gia đình đã sa vào cuộc chạy đua đầy phô trương và lãng phí tiền của.
Xe hơi, nhà lầu, máy giặt, đô la, ngân phiếu, tiền vàng, ông ngựa, quần áo, giày dép đến những vật dụng sinh hoạt hàng ngày mà người trần sử dụng thời công nghệ số như điện thoại di động, ipad, ti vi, máy tính; thậm chí cả osin…. Tuốt tuồn tuột đều có, đều có thể “sản xuất” tương đương với kích cỡ thật chứ không chỉ tượng trưng, miễn gia chủ có tiền là “người nhà” sẽ có đủ. Tất cả điều này cũng chỉ bởi quan niệm, đốt càng nhiều vàng mã thì càng được người âm phù hộ, cuộc sống dương gian mới ổn định, việc làm ăn buôn bán cũng vì thế mà trở nên phát đạt hơn, “đối với người cõi âm không thể xuề xòa được đâu”.
Thế nhưng, chính quan niệm sai lầm này đã gây ra lãng phí nguồn tiền bạc khổng lồ của người dân. Một tháng có 2 dịp là rằm và mùng 1, trong đó rằm tháng 7 và tháng giêng là lễ lớn nhất. Ngoài ra còn có dịp 23 tháng Chạp ông Táo về trời, cúng tất niên, đêm giao thừa, hóa vàng ngày tết, thanh minh, các ngày giỗ kỵ. Tính trung bình, mỗi gia đình Việt mỗi năm không dưới 30 lần phải bỏ tiền thật để mua vàng mã. Nhà ít thì bỏ ra vài chục nghìn cho mỗi lần cúng kiếng, nhà khá giả thì vài trăm, nhà giàu có đôi khi cả triệu bạc cũng sẵn sàng phóng tay không tiếc. Tính rộng ra, mỗi năm người dân cả nước tốn không dưới vài nghìn tỉ đồng chỉ để phục vụ cho việc mua và đốt vàng mã.
Không chỉ tốn kém, gây ô nhiễm môi trường cho người sống, việc đốt vàng mã tràn lan, tùy tiện còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về an toàn phòng cháy chữa cháy. Đã có rất nhiều vụ hỏa họa xảy ra ở mức độ vô cùng nghiêm trọng mà nguyên nhân đều xuất phát từ việc đốt vàng mã.
Như chúng ta đều biết, vàng mã chủ yếu được làm từ giấy và tre nứa. Đây đều là những chất liệu dễ cháy, dễ bắt lửa và dễ bay làm cháy lan sang các vật dụng khác. Chỉ cần một sơ xuất nhỏ có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Đơn cử trong số các vụ hỏa họa do vàng mã gây nên, phải nhắc đến vụ cháy 2,5ha rừng tạp tại khu vực núi Sơn Đảo, xã Thủy Đường, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng vào khoảng 11h30 ngày 15-2 vừa qua. Nguyên nhân xác định ban đầu là do người dân địa phương sơ ý khi đốt vàng mã đã để ngọn lửa bùng phát dẫn đến cháy rừng. Đám cháy bùng phát một cách nhanh chóng khiến chính quyền địa phương phải huy động 212 người, 2 kíp xe chữa cháy cùng 5 ô tô tham gia dập lửa.
Cũng một vụ hỏa họa lớn khác xảy ra vào dịp Tết Nguyên đán 2018 tại khuôn viên đền Mẫu, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn mà nguyên nhân cũng xuất phát từ vàng mã. Theo đó, vào khoảng 7h35 ngày 20-2, tại dãy ki-ốt bán hàng mã phía bên phải từ cửa trong khuôn viên đền Mẫu, một ngọn lửa lớn xuất phát từ một gian hàng bán vàng mã đã nhanh chóng cháy sang các gian hàng bên cạnh. Lửa bốc cao kèm theo khói lớn đã khiến 10 gian hàng chuyên bán lễ, vàng mã bị thiêu rụi hoàn toàn.
Như vậy có thể nói, đốt vàng mã dù là tập tục lâu đời của người Việt Nam, tuy nhiên nếu không cẩn thận thì đây sẽ là nguy cơ lớn gây cháy nổ, hỏa họa, gây thiệt hại không chỉ về của mà cả về người. Ngày nay, tại nhiều điểm thờ tự, bên cạnh việc hạn chế thắp hương tại các khu chính điện, để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ do đốt vàng mã, ban quản lý đều xây điểm dành riêng hóa vàng mã để phục vụ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là bài toán tạm thời cho vấn đề an toàn phòng cháy chữa cháy tại cơ sở thờ tự mà thôi.
Cũng xoay quanh vấn đề đốt vàng mã tại các nơi thờ tự, thời gian vừa qua, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa có công văn gửi Ban trị sự Giáo hội phật giáo các tỉnh, thành đề nghị các Phật tử loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự. Theo đó, công văn do hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó chủ tịch thường trực của Ban thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ký, gửi tới ban trị sự giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành phố thuộc hệ thống của giáo hội Phật giáo Việt Nam, đề nghị các ban trị sự hướng dẫn cho tăng ni, Phật tử tổ chức lễ hội văn minh, tiết kiệm, không phô trương hình thức, cần tuyên truyền, vận động trong việc phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo; đề nghị tăng ni hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam. Đồng thời, đề nghị các chư tôn tăng ni chú trọng việc gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục trong các lễ hội; lan tỏa giá trị từ bi, lòng bao dung, tôn trọng sự khác biệt của các cộng đồng tín ngưỡng, tôn giáo bạn trong nội dung các bài thuyết giảng cho tín đồ, Phật tử.
Việc làm của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam dường như khá phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Và cũng có nhiều nơi, nhiều bậc cao tăng đã khuyên bảo phật tử hạn chế đốt tiền vàng. Bởi nếu chỉ dựa vào lời nguyện đơn thuần mà đạt được kết quả thì trên đời này sẽ không có chiến tranh, không có cảnh thất nghiệp, không có khủng hoảng tài chính, không có mất mát mùa màng, không thất bại trong công danh sự nghiệp cũng chẳng có chuyện thất tình… Số tiền tiết kiệm được từ việc không đốt vàng mã được nhà chùa dùng để làm từ thiện, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, bởi lòng từ bi mới phù hợp với giáo lý đạo Phật.
Không thể phủ nhận đốt vàng mã là nét văn hóa tâm linh của dân tộc ta vốn được lưu truyền từ bao đời nay. Vì thế không thể ngày một ngày hai bỏ ngay được mà cần có thời gian để làm chuyển biến nhận thức của người dân. Từ đó tiến tới tiết giản tối đa trong cuộc sống. Điều quan trọng là phải làm sao vừa thỏa mãn nhu cầu tâm linh của mọi người, vừa tiết kiệm và bảo vệ môi trường sao cho đúng tinh thần ích nước, lợi dân.
Bùi Hạnh – Phạm Ngân
23:15 11/01/2025
11:33 10/01/2025
20:58 14/12/2024
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý hoạt động kinh doanh, dịch vụ
Chuyên mục Nghị định 154/CP: Quy định về giấy tờ, tài liệu, thông tin chứng minh chỗ ở hợp pháp
Công an quận Hồng Bàng phối hợp kiểm tra, xử lý 7 trường hợp vi phạm nồng độ cồn
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh