Đốt vàng mã: Vừa lãng phí, vừa dễ gây thảm họa cháy nổ

14:46 05/02/2023

Trong những ngày rằm tháng Giêng, khi đi trên đường phố, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh các gia đình đua nhau đốt vàng mã trước cửa nhà, bên hè phố. Với quan niệm trần sao âm vậy, khi cuộc sống trở nên khá giả hơn, người dân lại càng chú trọng hơn tới đời sống tâm linh. Tuy nhiên, việc đốt vàng mã tràn lan khiến hành động tâm linh này trở nên hết sức phản cảm.
Đốt vàng mã gây lãng phí và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra hỏa hoạn

Thờ cúng tổ tiên vốn là truyền thống văn hóa tâm linh của người Việt từ xa xưa, song thời gian qua đã có không ít những vụ hỏa hoạn xảy ra mà nguyên nhân chính là do đốt vàng mã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Còn nhớ, vào năm 2020, một ngôi nhà trong ngõ 82 đường Vũ Chí Thắng (phường Nghĩa Xá, quận Lê Chân) bất ngờ bốc cháy dữ dội. Ngọn lửa bùng từ khu vực sân thượng, sau đó lan nhanh xuống nhà dưới.

Vụ cháy không gây thiệt hại về người, tuy nhiên toàn bộ đồ đạc bên trong căn nhà 2 tầng đã bị thiêu rụi. Sau đó, lực lượng chức năng đã xác định nguyên nhân vụ cháy là do chủ nhà hóa vàng mã nhưng không cẩn thận để lửa cháy lan ra những đồ vật bên cạnh.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trung bình mỗi năm người Việt đã đốt hàng nghìn tấn vàng mã. Điều đó không chỉ gây lãng phí mà còn tiềm ẩn nguy cơ về hỏa hoạn, ảnh hưởng tới môi trường sống. Thực tế ai cũng có thể nhìn thấy được, đó là không ít người người sau khi đốt vàng mã xong đều mang tro hóa vàng đổ ra sông hoặc để gió thổi tàn tro bay mù mịt khắp đường phố.

Thiết nghĩ, mỗi người trong chúng ta nếu có thể hạn chế và tiết kiệm trong việc đốt vàng mã sẽ vừa bảo vệ được môi trường sống xung quanh, vừa tránh được các nguy cơ tiềm ẩn xảy ra cháy, nổ.

Được biết, nhiều địa điểm tâm linh giờ đây đã khuyến cáo không thắp hương bên trong đền, chùa; không đốt vàng mã nên đã hạn chế được nguy cơ gây hỏa hoạn. Như tại chùa Kiến Linh, xã Phục Lễ, huyện Thủy Nguyên, người dân và du khách đều được nhắc nhở chỉ nên dâng hương, dâng hoa lễ Phật, không cúng và đốt vàng mã, vừa tiết kiệm, vừa phòng ngừa nguy cơ hỏa hoạn.

Còn tại lễ hội Minh thề vừa được tổ chức tại đền - chùa Hòa Liệu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Tài cho biết: Năm 2023, lễ hội được tổ chức đã đem đến sự vui tươi, phấn khởi cho bà con Nhân dân trên địa bàn và du khách thập phương. Ban tổ chức lễ hội tiến hành các nghi thức trang nghiêm, thời gian ngắn gọn, tiết kiệm, không đốt vàng mã, tránh những nội dung nghi lễ không đúng quy định.

Đồng thời Ban tổ chức cũng khuyến khích người tới dự lễ hội tránh việc cúng và đốt vàng mã gây lãng phí và ảnh hưởng tới môi trường.

Đốt vàng mã gây khói bụi, ô nhiễm

Tại đền Nghè, năm nay không có hiện tượng đốt vàng do Ban quản lý đề nghị mọi người không đốt vàng mã mà nhập vào kho của nhà đền, sau đó phát lộc lại cho người dân. Số lộc này chỉ mang tính tượng trưng nên giảm bớt được số lượng người tấp nập đốt vàng mã tại đền. Nhiều người dân đi lễ không biết đến các quy định sẽ được người trông coi đền nhắc nhở để thực hiện. 

Tại một địa điểm du lịch tâm linh khác trong trung tâm thành phố là di tích Cây đa mười ba gốc, nơi được các tiểu thương, người buôn bán thường xuyên lui tới cúng lễ. Mặc dù tình trạng tiến ngựa giấy đã không còn, nhưng người dân vẫn đốt vàng mã với số lượng nhỏ lẻ. Về vấn đề này, ông Phạm Đức Thiết, Trưởng ban quản lý di tích cho biết, để chủ trương không sử dụng vàng mã tại cơ sở thờ tự đi vào cuộc sống, Ban quản lý di tích thường xuyên bố trí lực lượng nhắc nhở người dân cũng như yêu cầu các nhân viên bảo vệ ứng trực, nhắc nhở người đến lễ chỉ thắp tối đa 3 nén hương, không đặt vàng mã...

Nhìn chung năm nay, mặc dù nhiều người đã thay đổi nhận thức, hạn chế cúng, đốt vàng mã, nhưng tình trạng bày bán và đốt vàng mã vẫn diễn ra phổ biến. Để ngăn nạn lạm dụng đốt vàng mã, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và thực hành các nghi lễ tín ngưỡng, văn hóa theo hướng văn minh mà vẫn duy trì truyền thống tốt đẹp.

Nhóm PV

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông