14:52 02/04/2024 Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã đồng ý chủ trương về việc trình cấp có thẩm quyền Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án phát triển thành phố Hải Phòng thích ứng với biến đổi khí hậu, giao Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo thực hiện các trình tự, thủ tục, bảo đảm nguồn lực và hiệu quả dự án. Dự án được trình HĐND thành phố cho ý kiến tại kỳ họp thứ 14 (chuyên đề) vừa qua. Đây là tin vui, được người dân thành phố đặc biệt quan tâm, mong chờ. Đồng thời thể hiện tầm nhìn chiến lược của Hải Phòng về phát triển đô thị hiện đại, thông minh, bền vững.
Đáp ứng các yêu cầu phát triển
Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng, dự án phát triển thành phố Hải Phòng thích ứng với biến đổi khí hậu thuộc nhóm A, do Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư (ngày 27-1-2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề xuất dự án này). Địa điểm thực hiện tại các quận Hồng Bàng, Hải An và các huyện Thủy Nguyên, An Dương.
Mục tiêu đề ra của của dự án là nhằm phát triển, tăng trưởng kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng, phát triển bền vững đô thị thông qua gói đầu tư tích hợp đa lĩnh vực tập trung vào kết nối đô thị và liên kết vùng, đảm bảo bền vững về môi trường, an ninh nguồn nước và giảm ngập úng đô thị, thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực, nâng cấp không gian công cộng và nâng cao năng lực chống chịu của đô thị.
Cụ thể, sẽ góp phần quan trọng giảm ngập lụt đô thị và thích ứng với biến đổi khí hậu cho đô thị nội đô thành phố Hải Phòng bằng các hoạt động xây dựng và nâng cấp cải tạo hệ thống tiêu thoát nước. Đồng thời, cải thiện điều kiện môi trường theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, kết hợp giữa thoát nước, cải thiện vệ sinh môi trường, phát triển không gian và tạo môi trường cảnh quan đô thị, tạo động lực phát triển xanh và các dịch vụ tiên nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khu vực nội đô, hai bên bờ sông Rể nói riêng và thành phố Hải Phòng nói chung.
Quan trọng hơn nữa là kết nối giao thông khu vực nhằm tạo động lực phát triển trục kinh tế biển Tây Bắc - Đông Nam, thúc đẩy phát triển logistics, hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển Hải Phòng thành trung tâm liên kết vùng. Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý rủi ro ngập lụt và kiểm soát chất lượng nước các lưu vực sông, đảm bảo cung cấp nước an toàn và bền vững cho thành phố bằng cách xây dựng, đào tạo và chuyển giao công nghệ với hệ thống quản lý và giám sát thông minh; góp phần vào công cuộc cải cách hành chính, hình thành và phát triển thành phố thông minh Hải Phòng.
Thêm nhiều tuyến đường, cây cầu và các điểm nhấn mới
Điều mà người dân thành phố đặc biệt quan tâm là dự án được thực hiện sẽ có thêm nhiều tuyến đường, cây cầu và các điểm nhấn mới cho đô thị Hải Phòng. Theo đó, dự án có 4 hợp phần. Hợp phần 1 nhằm phát triển đồng bộ hạ tầng đô thị Thủy Nguyên thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó đáng chú ý nhất là tuyến đường vành đai 3 với tổng chiều dài khoảng 16,9km, điểm đầu tuyến tại Km104+800 đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (quận Hải An), điểm cuối tuyến tại Km13+700 Quốc lộ 10 (huyện Thủy Nguyên). Chiều rộng tuyến đường theo quy hoạch là 68m, phân kỳ đầu tư giai đoạn trước mắt đầu tư theo quy mô 4 làn xe cơ giới, chiều rộng nền đường 27m. Trên tuyến có 4 nút giao, trong đó có 2 nút giao khác mức (với đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và với quốc lộ 5), 2 nút giao cùng mức (với đường tỉnh 359 và với quốc lộ 10). Trên tuyến có 3 cầu gồm: cầu Ngô Quyền vượt qua sống Cấm rộng 32m; cầu qua sông Ruột Lợn rộng 32m; cầu vượt quốc lộ 5B kết nối với đường liên phường rộng 17,5m.
Điểm đáng chú ý nữa là sẽ tập trung nâng cấp hạ tầng sông Rế từ cầu Rế 2 đến cổng Cái Tắt, chiều dài khoảng 9,5km. Theo đó, nâng cấp cải tạo, xây dụng bờ kè sông Rể (hai bên bờ sông) khoảng 10,96km. Trong đó, đoạn 1 từ cầu Rế 2 (Quốc lộ 10) đến cầu Rế (đường Phan Đăng Lưu) xây dựng bờ kè bằng tường Neoweb kết hợp với mái Neoweb trồng cỏ chiều dài khoảng 7,63km; xây dựng đường quản lý dọc theo hai bờ sông, chỉ giới đường 11m (riêng đoạn qua khu dân cư hiện hữu sát bờ sông chỉ giới đường là 3,5m); bao gồm mặt đường 3,5m, vỉa hè sát sông 2m, vỉa hè đối diện 2m, taluy đất khoảng 3,5m.
Đoạn từ Quốc lộ 10 đến cầu Rế 1 (Nguyễn Trường Tộ), hai bên không có dân cư, không phát sinh nước thải nên không đầu tư đường quản lý dọc sông. Tổng chiều dài đường quản lý dọc sông là khoảng 5,71 km. Đoạn 2 từ cầu Rế (Phan Đăng Lưu) đến cống Cái Tắt chiều dài khoảng 5 km, giữ nguyên kè hiện trạng, cải tạo một số đoạn kè hiện trạng hư hỏng. Các đoạn kè hư hỏng được cải tạo bằng kè đá dài khoảng 320m, các đoạn kè cải tạo khác có tổng chiều dài khoảng 1km, xây dựng mới và cải tạo bờ kè bằng tường Neoweb kết hợp với mái Neoweb trồng cỏ có chiều dài khoảng 2,32 km (cả hai bên bờ sông). Đoạn bờ Nam (thị trấn An Dương) từ cầu Rế (đường Phan Đăng Lưu), dân cư hiện hữu xây dựng nhà sát bờ sông được cải tạo kè thẳng đứng dài 690m để thu gom nước thải từ nhà dân đang xả trực tiếp vào sông, hạn chế tối đa thu hẹp lòng sông.
Đồng thời, xây dựng đường quản lý dọc sông Rế với tổng chiều dài khoảng 14,1km.
Cũng rất đáng chú ý khi dự án tiến hành nâng cấp vệ sinh môi trường lưu vực sông Rế (hợp phần 2). Cụ thể, xây dựng hệ thống cống bao thu gom nước thải hai bên bờ sông Rế với 17,3km đường cống tự chảy, 1,4km cống áp lực và 12 trạm bơm nước thải dọc theo đường quản lý sông Rế và tuyến ống bơm truyền tải dẫn về nhà máy xử lý nước thải An Dương 1 (Hoàng Mai) tại xã Đồng Thái thuộc huyện An Dương, giáp đê tả sông Lạch Tray; xây dựng khoảng 11,6km mạng lưới cống cấp 3 thu gom nước thải hộ gia đình để đấu nối đồng bộ với tuyến cống thu gom nước thải. Xây dựng nhà máy xử lý nước thải An Dương 1 (Hoàng Mai) giai đoạn 1 công suất 10.000m3/ngày đêm. Nước thải sau khi xử lý đạt loại B và sẽ được xả vào sông Lạch Tray. Đồng thời, trang bị cho các hệ thống quản lý rủi ro ngập lụt đô thị, quản lý chất lượng nguồn nước và môi trường khí trong phạm vi đầu tư của dự án.
Hợp phần 3 của dự án nhằm mục tiêu giảm ngập lụt đô thị trung tâm. Trong đó, xây dựng 1 cổng điều tiết tại vị trí cầu Tam Bạc và 1 cổng điều tiết tại mom Thủy Đội kết hợp với trạm bơm nước công suất 12m3/s. Cửa điều tiết tại các vị trí có bề rộng khoảng 60-90m. Cùng với đó, xây dựng, cải tạo các tuyến cống; cải tạo các tuyến cống chính đường Điện Biên Phủ, tuyến Cầu Đất – Nguyễn Đức Cảnh, Lãn Ông, tuyến Hai Bà Trưng - tuyến Trần Nguyên Hãn - Tam Bạc, tuyến Hoàng Diệu – Nguyễn Tri Phương, tuyến cống nối hồ Tam Bạc và sông Tam Bạc (bao gồm cả cửa phai). Tổng chiều dài cống thoát nước mưa được xây dựng và cải tạo là 4,6km; xây dựng hệ thống thu gom nước thải bao gồm các tuyến cống thu gom nước thải và các trạm bơm nước thải từ 2 bên sông Tam Bạc dẫn về nhà máy xử lý nước thải Vĩnh Niệm, với khoảng 2,6 km cống thu gom nước thải, các giếng tách nước thải, 5 trạm bơm nước thải.
Hợp phần 4 nhằm phát triển hệ thống và năng lực để cải thiện đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, để nâng cao năng lực quản lý rủi ro ngập lụt sẽ thiết lập hệ thống quản lý rủi ro ngập lụt tích hợp, bao gồm cả hệ thống cảnh báo sớm, các trạm đo thủy văn, mực nước sông, hồ điều hòa, hệ thống giám sát dữ liệu... cho các quận, huyện: Thủy Nguyên, An Dương và Hồng Bàng. Về nâng cao năng lực quản lý chất lượng nguồn nước và quản lý môi trường, sẽ thiết lập hệ thống quan trắc môi trường nước tại nhà máy xử lý nước thải An Dương 1, của điều tiết Tam Bạc; thiết lập hệ thống quan trắc môi trường khí trong nhà máy xử lý nước thải An Dương 1 và giám sát mùi ở khu vực xử lý chất thải, chất thải rắn.
Theo Sở Giao thông Vận tải, dự kiến tổng mức đầu tư dự án là 9.857,06 tỷ đồng, tương đương khoảng 412,84 triệu USD. Trong đó, vốn vay IBRD của Ngân hàng Thế giới là 6.550,41 tỷ đồng, tương đương khoảng 274,35 triệu USD, chiếm 66,45% tổng mức đầu tư dự án để chi phí cho việc đầu tư xây dựng các hạng mục công trình của Hợp phần 1, Hợp phần 2, Hợp phần 3. Vốn đối ứng trong nước là 3.306,65 tỷ đồng, tương đương khoảng 138,49 triệu USD, chiếm 33,55% tổng mức đầu tư dự án, để chi phí cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng, chi phí thuế, lãi vay và các chi phí khác hỗ trợ thực hiện dự án trong quá trình thực hiện. Nguồn vốn này do ngân sách thành phố bố trí và được phân kỳ thực hiện trong giai đoạn 2026-2030.
Theo đề xuất, UBND các quận, huyện: Hồng Bàng, Hải An, Thủy Nguyên, An Dương thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất theo quy định của pháp luật, bảo đảm bàn giao mặt bằng để thi công xây dựng công trình đúng tiến độ được phê duyệt. Dự kiến số hộ dân bị ảnh hưởng, đủ điều kiện bố trí tái định cư khi thu hồi đất thực hiện dự án phát triển thành phố Hải Phòng thích ứng với biến đổi khí hậu là khoảng 1.352 hộ, tập trung trên địa bàn huyện Thủy Nguyên.
Các hộ dân đủ điều kiện tái định cư sẽ được bố trí tái định cư vào các khu tái định cư, dự kiến bao gồm: khu tái định cư tại xã Lâm Động, Hoa Động (dự án đã được UBND thành phố được phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 883/QĐ-UBND ngày 5/4/2023, với 1050 lô); khu tái định cư tại xã Lại Xuân (dự án đã được UBND thành phố thành phố phê duyệt tại Quyết định số 882/QĐ-UBND ngày 5/4/2023, với khoảng 170 lô); khu tái định cư tại xã Ngũ Lão (hiện Sở Giao thông Vận tải đang lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, với khoảng 890 lô); khu tái định cư tại xã Lập Lễ (dự kiến đầu tư sau năm 2025, với khoảng 450 lô).
Như thế, có thể thấy dự án phát triển thành phố Hải Phòng thích ứng với biến đổi khí hậu có quy lớn, tầm nhìn dài hạn, đáp ứng được yêu cầu phát triển bứt phá của Hải Phòng trong giai đoạn tới với mục tiêu thông minh, bền vững. Người dân thành phố mong chờ dự án sớm được thông qua và triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất./.
Hồng Thanh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh