15:54 02/12/2016
Nhắc đến chuyện con em đi du học, nhiều bậc phụ huynh không giấu nổi niềm tự hào về “cục cưng” nhà mình. Bởi đi du học chính là con đường nhanh nhất để con em họ tiêp cận gần hơn với “văn minh thế giới”, lĩnh hội những tinh hoa trong nền giáo dục của các nước phát triển và cơ hội kiếm việc làm mở ra tương lai bát ngát. Tuy nhiên thực tế hiện nay, con đường du học ngày càng xuất hiện nhiều khúc ngoặt khó lường, đôi khi còn đánh mất tinh thần tốt đẹp như phút ban đầu… Đã hơn 2 tháng kể từ khi cậu “quý tử” Hoàng Việt Đức, sinh 1990, ở xóm 13, Diễn Thịnh, Diễn Châu, Nghệ An, phải trả giá về hành vi “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” nhưng bà C.T.M, (mẹ Đức) và gia đình vẫn chưa hết day dứt, tự trách bản thân vì đã không kịp thời ngăn con trai lạc bước vào đường phạm tội... Chẳng là vừa tốt nghiệp cấp 3, nhìn bạn bè đồng trang lứa phơi phới, đứa thì vào đại học, đứa thì được bố mẹ cho đi du học trời tây nên Đức cũng nung nấu quyết tâm đi nước ngoài cho bằng được. Bà M. thiểu não: “Hồi cháu nó nói muốn đi du học, tôi cũng bất ngờ vì biết chi phí vô cùng tốn kém. Bản thân cháu hồi năm 2008 từng bị bắt đi cải tạo không giam giữ 9 tháng về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” nên hồi đó tôi rất lo lắng vì hồ sơ không “sạch”, cháu sẽ khó lòng xuất ngoại…”. Nhưng với quyết tâm xây mộng đổi đời, thông qua các trung tâm môi giới, Đức đã tìm tới một phụ nữ tên Dương, là Giám đốc Công ty T.D.D, ở Đống Đa, Hà Nội và được người phụ nữ này ngon ngọt hứa hẹn chỉ cho cách “lách luật”. Muốn xuất cảnh sang Úc thì phải “phù phép” làm giả hồ sơ mang tên một người khác với chi phí toàn bộ từ A đến Z là 660 triệu đồng… Vụ việc trót lọt, Đức được gán mác du học sinh. Thế nhưng ngay khi sang Úc, Đức chẳng hề vào ngôi trường Western Sydney học lấy 1 ngày mà thay vào đó, chàng trai 9x miệt mài lao động “chui”, ngày đêm kiếm tiền để chi tiêu cá nhân cho thỏa những ngày khốn khó trước đây… Và rồi, ước muốn đổi đời chỉ là giấc mơ qua nhanh. Sau 3 năm sống chui lủi ở nước ngoài, ngày về Việt Nam, vừa đặt chân xuống sân bay, Đức đã bị Công an cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất bắt giữ về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Trường hợp của Đức cũng như rất nhiều du học sinh khác, khi đặt chân đến nước bạn là phải nghĩ ngay đến việc đi làm kiếm tiền để chi trả cuộc sống vốn rất đắt đỏ nơi đất khách. Chúng tôi gặp gỡ chị Hồng Nhung, 32 tuổi, có 5 năm kinh nghiệm trong nghề tư vấn du học tại Hải Phòng. Chị tỏ ra rất am hiểu lĩnh vực này: “Đa số các cháu học sinh tới chỗ tôi tư vấn đều chọn đi các nước Anh, Úc, Mỹ, Canada để du học. Tuy nhiên, cũng có không ít cháu nói là đi du học nhưng thực chất chỉ là kiếm cớ để sang đó lao động làm giàu. Các cháu thường chọn đi Nhật để vừa học vừa làm, vì đây là đất nước có dân số già, thiếu lao động trẻ trầm trọng, nhất là công nhân trong các nhà máy. Còn ở các quốc gia khác, các du học sinh làm nhiều công việc khác nhau để trang trải tiền học, tiền nhà như giao thức ăn nhanh, bồi bàn, làm tóc, nối mi, làm móng, hoặc có điều kiện thì vận chuyển hàng hóa về Việt Nam kiếm lời”. Tuy nhiên không phải ở quốc gia nào du học sinh cũng dễ dàng kiếm công việc làm thêm. Như trường hợp của Anh Dũng, 20 tuổi, du học sinh ở Bang Seattle (Mỹ) là ví dụ điển hình. Sang Mỹ được một thời gian, anh chàng ngậm ngùi thú thật: “Em chưa tìm hiểu trước nên không biết rằng luật Mỹ quy định du học sinh không được phép làm thêm ngoài trường học. Còn làm thêm trong trường thì việc ít mà nhiều người đăng ký, cơ hội gần như không có, nên chúng em đành phải đi làm “chui”. Các cửa hàng, quán ăn ở Mỹ không dám nhận du học sinh vì như vậy là bất hợp pháp, nên hầu hết du học sinh người Việt như em chỉ làm tại các nhà hàng, tiệm ăn của người Việt hoặc người Hoa”. Biết phận “làm chui” nên Dũng cùng nhiều bạn trẻ người Việt khác thường bị các ông chủ “ép” lương thấp, làm việc nhiều. Chỉ xin cái “chân” bưng bê phở thôi nhưng đôi khi em phải kiêm luôn bốc vác, dọn dẹp. Làm được một thời gian, sức khỏe của Dũng giảm dần do liên tục phải lao động tay chân nặng nhọc, việc học tập tại trường cũng theo đó mà sa sút dần đi. Oải quá, Dũng đang tính kiếm việc khác phù hợp hơn để tiếp tục “cày” kiếm tiền. Theo xu thế phát triển trong xã hội hiện đại, con đường du học ngày nay hướng tới mọi đối tượng, từ những thanh thiếu niên thực sự bản lĩnh, có nền tảng kiến thức nhất định cho tới những “cậu ấm, cô chiêu” bị cha mẹ bắt đi học xa để nhờ “thế giới văn minh” quản hộ. Theo lý giải của các bậc phụ huynh khá giả, việc đưa con ra nước ngoài là giải pháp an toàn để cách ly các “quý tử bất trị” này khỏi việc ăn chơi, lười biếng, sa đà vào những chuyện thị phi, hy vọng con tu chí học tập trong môi trường hoàn thiện. Tuy nhiên họ quên mất một điều rằng, dù ở trong nước hay quốc tế, nếu bản thân con em họ không biết mình cần gì, muốn gì, không biết cách quản lý bản thân thì khi ra đến nước ngoài, chuyện sinh hoạt, học tập sẽ càng trở thành… thảm họa. Không có cha mẹ giám sát, quản lý như khi ở nhà, nhiều “cậu ấm, cô chiêu” sang nước ngoài càng thỏa sức tung hoành, ăn chơi tưng bừng vì không phải lo lắng đến chuyện tiền bạc cũng như chịu lời trách mắng của các bậc phụ huynh. Mới đây, chị Thanh Hiền, công tác tại một bệnh viện ở Hải Phòng, đã phải thú nhận trong tiếng nấc nghẹn ngào, rằng mình đã sai lầm khi bỏ qua mọi lời can ngăn của gia đình mà quyết bằng mọi giá đưa cậu con trai tên Thế Anh đi sang Mỹ du học. Chị Hiền chia sẻ: Vì hiếm muộn, anh chị chỉ có mình Thế Anh là con trai độc nhất nên từ bé Thế Anh đã được nuông chiều, bao bọc bằng tình yêu thương, sự quan tâm của cả gia đình. Trong ngày lễ nhận bằng tốt nghiệp cấp 3, cùng với lời chúc tụng của bạn bè, thầy cô, Thế Anh được mẹ tặng tấm vé máy bay sang Mỹ du học. Tuy nhiên, mới sang Mỹ được nửa năm, Thế Anh dường như đã hoàn toàn thay đổi, thực dụng và chơi bời nhiều hơn. Hàng ngày vào facebook của con, xem các hình ảnh ăn chơi đàn đúm cộng với những cuộc gọi điện về xin tiền ngày càng gần nhau, chị Hiền rất hoang mang và bắt đầu thấy hối tiếc vì đã quyết định cho con du học. Theo một chuyên gia tư vấn tâm lý, với con cái, quản lý gần luôn tốt hơn quản lý từ xa. Việc bắt con đi du học không phải là một giải pháp giáo dục tốt, cũng không phải là “phép màu” để biến con hư thành con ngoan như các bậc phụ huynh vẫn lầm tưởng. Bởi, nó không xuất phát từ mong muốn và ý thức tự giác học tập của con, mà chỉ là giải pháp “chữa cháy” tạm thời cho chính bản thân những người làm cha làm mẹ mà thôi. Sai lầm ở chỗ, khi cho con du học, ngay bản thân các bậc cha mẹ cũng không xác định được mục tiêu của việc này là gì, nên vẫn ảo tưởng “cứ đi du học là sẽ thành tài và môi trường giáo dục “ngoại” nào cũng ưu việt”… Phóng sự xã hội của Hà Ninh |
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết