14:28 25/09/2022 Ngày 16/6/2022, thay mặt Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết 19-NQ/TW của Hội nghị TW5 về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong đó xác định: Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân và người dân nông thôn là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị.
Nghị quyết 19-NQ/TW nêu quan điểm: “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời, có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Là cơ sở, lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòn an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam, đáp ứng hội nhập quốc tế.
Trên quan điểm đó, Nghị quyết 19-NQ/TW xác định mục tiêu tổng quát: Nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, quy mô sản xuất hàng hoá nông sản ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; tổ chức Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh. Vì vậy, Nghị quyết số 19-NQ/TW đã đề ra mục tiêu cụ thể về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng GDP ngành Nông nghiệp phấn đấu đạt bình quân khoảng 3%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân từ 5,5 - 6%/năm. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn phấn đấu đạt bình quân trên 10%/năm. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 90%, trong đó, phấn đấu 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới trên 70%, trong đó phấn đấu 35% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 phấn đấu tăng gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2020…
Đề cao vai trò của nông dân, Nghị quyết 19-NQ/TW xác định: nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển, mục tiêu cao nhất là nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. Nghị quyết đã đề ra các yêu cầu cao hơn trong việc nâng cao trình độ nhận thức để bảo đảm quyền làm chủ của nông dân. Phát huy vai trò của các tổ chức liên quan với nội hàm chủ yếu là chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng tri thức cho nông dân để đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ trong sản xuất, làm giàu từ nông nghiệp, làm đẹp nông thôn.
Nghị quyết đặt ra yêu cầu phải đẩy mạnh cơ cấu nông nghiệp theo xu hướng nông nghiệp sinh thái, theo tinh thần và mục tiêu của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Phát triển mạnh công nghiệp sản xuất giống, vật tư nông nghiệp, đưa ra các nhiệm vụ cụ thể cho các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, diêm nghiệp. Trong đó, xác định cơ cấu lại nông nghiệp thực chất, hiệu quả; khai thác, phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, miền, địa phương.
Đi đôi với đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến. Chuyển đổi số thực hiện cơ giới hóa, tự động hóa, gắn kết chặt chẽ giữa nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản. Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, chương trình mỗi xã một sản phẩm giảm thải khí nhà kính...
Phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hoá, hoàn thiện thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực song song với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai. Đồng thời tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức liên quan.
Nghị quyết 19-NQ/TW cũng đặt ra một số yêu cầu lớn đối với phát triển thị trường, huy động, sử dụng vốn, phát triển khoa học công nghệ và những nội dung liên quan đến hợp tác quốc tế. Trong đó, chú trọng phát triển thị trường nông sản trong nước, chủ động khai thác hiệu quả cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do; giữ ổn định thị trường truyền thống, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào thị trường.
Nghị quyết 19-NQ/TW khẳng định nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế, phấn đấu nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Trên nền tảng hiện đại, có điều kiện sống tiệm cận với đô thị, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.
Hoàng Minh
23:13 03/01/2025
14:35 01/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh