Giá gạo tăng và nỗi lo thị trường cuối năm

09:47 16/10/2017

Dù là thiết yếu đối với an sinh xã hội, nhưng có thể nói gạo là mặt hàng giữ giá ổn định nhất trong những năm qua. Tuy nhiên, diễn biến của sản phẩm nông nghiệp quan trọng này đã có nhiều thay đổi trong khoảng thời gian một tháng trở lại đây, đang tiềm ẩn nỗi lo mới, trong bối cảnh thị trường cuối năm đã bắt đầu.

Nguyên nhân vì thời tiết?

Nếu so sánh với chỉ số giá tiêu dùng hàng năm, trên thực tế gạo lại là một trong những mặt hàng chịu giảm phát mạnh nhất. Cụ thể trong vòng 10 năm qua kể từ đợt khủng hoảng giá năm 2008, giá gạo tẻ bình dân thời điểm luôn ở mức trung bình 13.500 đồng/kg, gạo tẻ ngon trung bình 18.000 đồng/kg. Đây cũng là mức giá của gạo tới giữa tháng 9 vừa qua trên thị trường Hải Phòng, nghĩa là dù có một số điều chỉnh, nhưng trong nhiều năm liền giá gạo không tăng giảm.

Tuy nhiên đến đầu tháng 10, giá gạo trên thị trường thành phố bắt đầu tăng. Cụ thể, giá bán lẻ gạo tẻ nguyên liệu từ 10.500 đồng lên 11.500 đồng/kg; gạo bình dân phổ biến là nhóm tẻ thơm và BC15 tăng từ 12.000 đồng lên 13.000 đồng/kg; gạo bắc hương Hải Hậu đi từ điểm xuất phát 14.500 đồng lên 15.000 đồng/kg…

So với các nhóm sản phẩm khác, giá gạo tăng với mức bình quân 7% là rất thấp, nhưng việc tăng diễn ra tại thời điểm này lại được coi là bất thường. Bởi lẽ theo thông lệ, trước thời điểm mỗi vụ mùa mới giá gạo thường được điều chỉnh giảm, vì nhiều đầu mối bán tháo gạo cũ để chuẩn bị nhập hàng mới, chất lượng tốt hơn.

Nhận xét về điều này, bà Nguyễn Thị Nhinh- chủ một cửa hàng gạo ở đường Ngô Gia Tự cho biết, hiện ở nông thôn các trà lúa sớm vụ mùa đã vào vụ thu hoạch, nhiều hộ dân đang bán thóc cũ để lấy tiền đóng học cho con, nên việc giá gạo tăng không hẳn do nguồn cung bị thiếu. Bà Nhinh cho biết thêm, chưa ai nói về nguyên nhân chính thức, chỉ biết giá mua đầu vào tăng nên giá bán lẻ trên thị trường cũng tăng. “Rất có thể giá gạo tăng vì ảnh hưởng của thời tiết.!?” - bà Nhinh nói.

Cũng theo bà Nhinh, giá gạo tăng bắt đầu từ sau cơn bão số 10 đổ vào miền Trung, tiếp đó các đợt mưa lũ diễn ra ở miền Trung đã làm gián đoạn tuyến vận chuyển đường bộ từ miền Nam. Cùng thời điểm này, Hải Phòng và các tỉnh lân cận cũng chịu nhiều đợt mưa lớn kéo dài, đúng vào dịp lúa trỗ bông nên dự báo năm nay sản lượng thóc ở miền Bắc sẽ giảm, do lúa lép nhiều.

Không thể chủ quan

Nhiều người được hỏi ý kiến đồng tình với cách lý giải trên, nhưng cho rằng đó là nguyên nhân cục bộ,  bởi Hải Phòng chỉ là thị trường tiêu thụ gạo trung bình so với nhu cầu cả nước và xuất khẩu.

Theo nguồn tin thị trường, giá gạo tại các vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long cũng tăng trên 10% trong mấy tháng nay, do gạo được thu gom phục vụ các hoạt động xuất khẩu. Một nguồn tin khác cũng cho thấy, tính đến thời điểm này Trung Quốc đang gia tăng nhập khẩu gạo từ Việt Nam, trong đó ngoài số lượng hàng triệu tấn gạo qua đường chính ngạch, còn một lượng lớn được xuất khẩu tiểu ngạch.

Do tuyến vận chuyển gạo từ phía Nam bị gián đoạn như đã nói trên, nên một số thương lái đã thu gom gạo ở các tỉnh phía Bắc bù vào, và đây có thể mới là nguyên nhân chính tác động đến giá gạo thời gian qua? Bất cập ở chỗ, số lượng gạo xuất khẩu tiểu ngạch đã không được định lượng chính xác, gây khó cho việc tính toán cân đối cung cầu trong nước.

Nếu đúng như vậy, có thể thấy thị trường gạo Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung đang chịu sức ép về giá do nguồn cầu tăng nhanh, chưa kể các lý do liên quan đến sự tăng của những mặt hàng nhạy cảm khác. Suy diễn theo chiều hướng tích cực, thì giá gạo tăng có thể là cơ hội tốt cho nông dân, sau thời gian “chìm” trong sự giảm phát.

Tuy nhiên giá gạo tăng tại thời điểm này lại tạo ra nỗi lo bất ổn, vì thị trường quý 4 đã bắt đầu, là lúc tiềm ẩn những nguy cơ biến động bất thường. Dù trong cơ cấu chi tiêu hàng ngày, phần tiền dành cho gạo chưa phải lớn, nhưng kinh nghiệm những năm qua cũng cho thấy, cứ vào dịp cuối năm nếu giá gạo bất ổn là nhiều mặt hàng khác cũng sẽ bị tác động.

Điều đáng nói, mọi năm cứ bắt đầu sang quý 4 là thành phố đã rục rịch triển khai kế hoạch hỗ trợ bình ổn giá, trong nhiều năm gạo luôn được lựa chọn là mặt hàng đầu tiên hưởng chế độ này.

Tuy nhiên mấy năm nay, gạo cơ bản không có biến động, kể cả những loại được tiêu thụ mạnh trong dịp tết Nguyên đán như tẻ đặc sản hay nếp thơm. Nhưng trong điều kiện giá gạo tăng với những biểu hiện như trên, thiết nghĩ các nhà quản lý không thể chủ quan, để tránh diễn biến xấu xảy ra, ảnh hưởng đến an ninh lương thực và thị trường hàng tiêu dùng.                                                                              

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông