Giá rau xanh “sập sàn” sau thời gian dài cao ngất ngưởng

07:59 22/11/2022

Trong khoảng 10 ngày qua, giá rau xanh trên thị trường thành phố giảm rất mạnh, nhất là các loại rau có lá. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung đang có phần vượt cầu, thời tiết tốt, cước vận chuyển giảm đã khiến lưu thông thuận lợi.

                                           

          Nhìn lại thị trường từ đầu năm, rau xanh là một trong những nhóm thực phẩm thiết yếu có mức tăng mạnh nhất. Hơn nữa, không chỉ biến động vì thời vụ như thông lệ, mà giá rau ở mức cao kéo dài gần như suốt thời gian tính từ đầu năm đến thời điểm gần đây.

          Theo ông Nguyễn Văn Thắng, một đầu mối cung cấp rau từ tỉnh Hải Dương về bán tại thị trường Hải Phòng, thì nguồn rau xanh khan hiếm và giá tăng trong năm 2022 có nhiều nguyên nhân.

          Trong đó, cơ bản nhất là tác động của giá xăng dầu tăng cao trong nửa đầu năm, dẫn đến tăng cước vận chuyển, ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí lưu thông.          Tiếp đến là cũng trong thời gian này thời tiết không thuận lợi, khi nắng là nắng kéo dài, khi mưa là mưa lớn và tệ hại nhất là cũng kéo dài, làm hư hại hầu hết các vùng trồng.

          Bên cạnh đó, sau thời gian ngưng trệ do dịch bệnh Covid-19, năm 2022 mọi hoạt động thị trường trở lại bình thường, các dạng hình dịch vụ ăn uống đã kích nguồn cầu tiêu thụ rau tăng đột biến.

          Trong khi dó, một nguồn cung không nhỏ cho thị trường Hải Phòng cũng như cả nước là từ Trung Quốc, thì do nước bạn thực kiểm soát chặt biên mậu phòng chống dịch bênh, gần như chặn hết nguồn nhập này.

          Chưa kể, tính từ tổng thể, thu nhập từ trồng rau không lớn nên người trồng cũng không mặn mà tái tạo khi các diện tích canh tác đã bị hư hại.

          Bà Vũ Thu Nga - một người nội trợ ở Đằng Giang (Ngô Quyền) tâm sự, việc giá rau tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội, bởi trong hoàn cảnh thu nhập không được cải thiện, các chi phí thiết yếu đều gia tăng, rau xanh tăng giá đã khiến cơ cấu sinh hoạt của hầu hết các gia đình đều gặp khó, khi giá trị rau có khi chiếm tới 1/3 cho phí bữa ăn.

          “May mà đợt này giá rau giảm rất nhiều, nhưng mỗi khi đi chợ mua rau rẻ quá nghĩ cũng tội cho người trồng rau…” – bà Nga nói.

          Cụ thể theo bà Nga, giá bán lẻ ở chợ An Đà vào buổi sáng sớm đối với một số loại rau phổ biến là: cải xanh, mồng tơi 4.000 đồng/bó; dền, ngót 5.000 đồng/bó; muống 8.000 đồng/bó; đậu co-ve 15.000 đồng/kg; bắp cải ngọt 7.000 đồng/kg…

          Tính toán của bà Nga cho thấy, mức giá hiện nay rẻ 3 lần so với mức bình quân những tháng trước, nhất lá rau có lá có loại rẻ tới hơn 4 lần. trong khi đó các loại rau và củ quả dạng rau cũng như rau gia vị cũng rẻ “sập sàn”, như ớt hiện có 40.000 đồng/kg so với mức đỉnh được thiết lập 120.000 đồng/kg; rau gia vị các loại bình quân 30.000 đồng/kg so với mức đỉnh 100.000 đồng/kg trước đó.

          Vấn đề ở chỗ, giá rau rẻ luôn đi đôi với nguồn cung phong phú, những ngày gần đây ở chợ đầu mối cầu Bính hay các chợ đầu mối tự phát ở đầu cầu An Dương, chợ Đôn, chợ cầu Rào… các loại rau đều đổ về với số lượng rất lớn.

          Giải thích về hiện tượng này, ông Nguyễn Văn Thắng cho biết, hiện nguồn cung tại chỗ của Hải Phòng cũng đang tốt do chính vụ, nhưng nguồn lớn nhất có lẽ là các vùng trồng ở Hải Dương đang rộ mùa thu hoạch, hầu hết các loại rau đều bán tháo để người dân dành diện tích chuẩn bị cho rau vụ đông.

          Nguồn cung rau xanh dồi dào và giá rẻ đã góp phần cải thiện tình hình sinh hoạt của người dân, chia sẻ của bà Vũ Thu Nga cho thấy, nếu như mấy tháng trước bữa ăn chỉ có một món rau luộc cũng mất 20.000 đồng, thì nay bỏ ra 10.000 đồng đã ăn thoải mái cả ngày.       

          Vui hơn là bên cạnh giá rau rẻ, các loại thực phẩm tươi sống khác cũng đã giảm, dù mức giảm chưa lớn nhưng cũng bớt tạo áp lực cho các nhà nội trợ. Cụ thể thịt lợn dù vẫn cao hơn mức cùng kỳ năm trước khoảng 20%, nhưng đã giảm 10% so với tháng trước, hiện đang được bán bình quân 110.000 đồng/kg, thịt và trứng gia cầm cũng giảm tương ứng bình quân 5%, còn thủy sản cơ bản giữ giá ổn định.

          Tuy nhiên theo kinh nghiệm của ông Thắng, giá rau hiện đang rẻ nhưng cũng tiềm ẩn những nỗi lo cho biến động tiếp theo, nên khó dự báo cho thị trường tết Nguyên đán Quý Mão, vì ngoài một số củ quả có thể giữ được lâu, còn lại phần lớn rau xanh không thể tích trữ.

          Nỗi lo tiềm ẩn mà ông Thắng nói đến chính là thời tiết, so với mọi năm, thời tiết năm nay khác biệt rất rõ, hiện đã sắp hết tháng 10 âm lịch nhưng thời tiết vẫn như mùa hè, khoảng một tháng nay trời lại không mưa, nên việc lựa chọn loại rau phù hợp để tái tạo vùng trồng là cả một vấn đề.

          Còn chưa nói đến những yếu tốt tác động khác như việc làm đất, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hình thức canh tác phù hợp cho từng loại rau…

          Ông Thắng chia sẻ thêm, dịp tết Nguyên đán Quý Mão là thời điểm nhu cầu tiêu thụ rau xanh các loại rất lớn.

          Theo lý thuyết thì thời gian hai tháng từ nay đến tết đủ để tái tạo nguồn cung, nhưng như đã nói ở trên, ở nhiều vùng trồng người dân vẫn có phần lúng túng trong việc đầu tư, lo những yếu tố tiềm ẩn khó lường.       

          Nếu việc tái tạo không hiệu quả, thị trường rau xanh sẽ tái diễn tình trạng mất cân đối, lúc lại bị tồn ứ, khi thì khan hiếm và tăng giá như đã nhiều lần xảy ra.

          Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông