15:30 13/06/2022 Ngày 17-5, các đồng chí: Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy; Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố trực tiếp chủ trì, chỉ đạo về giải ngân vốn đầu tư công. Như vậy, trong vòng chưa đầy 1 tháng (trước đó là cuộc họp ngày 19-4), các đồng chí lãnh đạo thành phố 2 lần họp về vấn đề này, chưa kể các cuộc họp, làm việc, kiểm tra tại các dự án, công trình trọng điểm của các đồng chí Phó chủ tịch UBND thành phố. Chỉ còn hơn 7 tháng nữa là kết thúc năm kế hoạch, vì vậy, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công lại càng trở nên quan trọng và cấp bách.
Chuyển biến chưa nhiều
Nhận định của các ngành quản lý về vốn đầu tư công cho thấy, sự chuyển biến trong giải ngân chưa nhiều mặc dù các ngành, các cấp đã hứa hẹn, thể hiện quyết tâm rất cao trong cuộc họp trước.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 15-5, vốn giao kế hoạch năm 2022 đã giải ngân 2316 tỷ đồng, bằng 12,8% kế hoạch thành phố giao (18143 tỷ đồng), bằng 18,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (12720tỷ đồng). Trong khi đó, tỷ lệ giải ngân của cả nước đạt 18,73% và như vậy, Hải Phòng vẫn thấp hơn.
Với tiến độ này, Bộ Tài chính ước hết tháng 5-2022, Hải Phòng giải ngân đươc 3.231 tỷ đồng, bằng khoảng 17,8% kế hoạch (xếp thứ 47/63 tỉnh, thành phố và là 1 trong 21 địa phương giải ngân 5 tháng dưới 20%). Trong khi đó, ước giải ngân của cả nước 5 tháng 115.622 tỷ đồng, bằng 20,67% kế hoạch (cùng kỳ năm 2021 đạt 19,99% kế hoạch). Rõ ràng, tốc độ chung của cả nước đang có sự vượt trội hơn khi cao hơn cả cùng kỳ năm trước.
Lý giải nguyên nhân, các ngành, địa phương cho rằng, dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh ảnh hưởng đến tiến độ thi công xây dựng, giải ngân vốn của các dự án. Nhưng vấn đề mấu chốt vẫn là do việc triển khai thủ tục đầu tư của các chủ đầu tư, các đơn vị chậm, dẫn đến số vốn chưa phân bổ, chưa giải ngân còn khá lớn.
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng phấn đấu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đường Lạng Am tới đường bộ ven biển (huyện Vĩnh Bảo), tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công
Cụ thể là vẫn còn hơn 3400 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2022 chưa được phân bổ. Trong số nguồn vốn phân cấp cho các quận, huyện thì vốn xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu mới giải ngân được hơn 37,6 tỷ đồng, bằng 1,44% kế hoạch (2626 tỷ đồng); vốn đầu tư công phân cấp cho các quận, huyện là 2.831 tỷ đồng nhưng đến hết tháng 4 mới giải ngân 473,928 tỷ đồng, bằng 16,7% kế hoạch.
Vốn xây dựng công viên cây xanh bố trí 105 tỷ đồng, mới giải ngân 5,1 tỷ đồng, bằng 4,9% kế hoạch. Vốn hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng bố trí 99,24 tỷ đồng, Sở Xây dựng chưa đề xuất phân bổ chi tiết cho các địa phương nên chưa thể giải ngân.
Ngoài ra, một số dự án của thành phố đã được bố trí số vốn lớn nhưng việc triển khai các thủ tục đầu tư còn chậm nên kết quả giải ngân thấp. Cụ thể, xây dựng cầu Bến Rừng giải ngân được 14,641/868,654 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương), bằng 1,7%; xây dựng cầu Rào 1 giải ngân 75,3/ 700 tỷ đồng, bằng 10,8%; xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ các dự án đầu tư cải tạo chung cư cũ trên địa bàn phường Đồng Quốc Bình được bố trí 392,648 tỷ đồng nhưng chưa giải ngân; dự án cải tạo, nâng cấp đường Máng Nước, huyện Thủy Nguyên mới giải ngân 12/ 164 tỷ đồng, bằng 7,3%...
Cam kết gắn liền với trách nhiệm
Không bằng lòng với tiến độ giải ngân quá ì ạch như vậy, đồng chí Bí thư Thành ủy Trần Lưu Quang cho rằng, đây là vấn đề rất bức bách, rất nghiêm trọng. Theo đồng chí Bí thư Thành ủy, những năm trước, Hải Phòng luôn nằm trong nhóm dẫn đầu về giải ngân vốn đầu tư công của cả nước. Không những thế, năm nay, Hải Phòng đòi hỏi phải đạt mức cao hơn, phải tăng tốc mạnh mẽ hơn để bù đắp cho khoảng thời gian bị ảnh hưởng do dịch bệnh và cho cả nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách đang có dấu hiệu chậm lại.
Một lần nữa, đồng chí Bí thư Thành ủy giao trách nhiệm cho các đồng chí bí thư cấp ủy phải trực tiếp “xắn tay áo” vào cuộc, không được lơ là, bê trễ. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công, GPMB chính là thước đo đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu các địa phương, đơn vị.
Cầu Rừng đã được khởi công sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022
Đồng chí Bí thư Thành ủy cũng nhấn mạnh, đã tới lúc phải “nghĩ khác, làm khác”, phải năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm mới có thể tạo ra được sự bứt phá. Theo đồng chí Bí thư Thành ủy, ngoài 3400 tỷ đồng sẽ tiếp tục phân bổ trong thời gian tới, Hải Phòng còn có nguồn khoảng hơn 2000 tỷ đồng thưởng vượt thu thuế xuất nhập khẩu năm 2021. Hơn 5400 tỷ đồng vốn đầu tư công sẽ tiếp tục được phân bổ trong những ngày tới là niềm mơ ước của nhiều địa phương khác và Hải Phòng không có lý do gì để chậm trễ.
Đồng chí Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng cũng nêu rõ, thành phố sẽ chốt thời điểm hoàn thành GPMB hoặc khởi công, khánh thành các dự án. Trên cơ sở đó, các địa phương, đơn vị phải xác định rõ đường găng tiến độ hoàn thành. Nếu có dự án, khu vực nào chậm trễ, thành phố sẽ kiên quyết điều chuyển vốn đi nơi khác có khả năng giải ngân cao hơn.
Theo đồng chí Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, thành phố cần sớm thành lập Tổ công tác đôn đốc việc giải ngân vốn đầu tư công do lãnh đạo UBND thành phố làm tổ trưởng; tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng.
Công viên 53 Lạch Tray (quận Ngô Quyền) là dự án đầu tư công mới hoàn thành, đưa vào sử dụng
Lãnh đạo các Ban Quản lý dự án được phân bổ vốn đầu tư công lớn cũng khẳng định quyết tâm giải ngân. Cụ thể, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng cho biết, hiện tỷ lệ giải ngân đạt 15% và cam kết tới hết tháng 6 sẽ giải ngân đạt 40% và hoàn thành trong tháng 1-2023. Lãnh đạo các quận, huyện: Hồng Bàng, Ngô Quyền, Kiến An, Đồ Sơn, An Lão, An Dương… cũng khẳng định sẽ đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.
Tuy nhiên, các địa phương, đơn vị cũng đề nghị thành phố chỉ đạo tăng cường hơn nữa công tác phối hợp, đặc biệt là phối hợp giải quyết xử lý nhanh các thủ tục đầu tư xây dựng, thực hiện các dự án, GPMB… Các nút thắt, điểm nghẽn cần được chỉ rõ và có biện pháp khắc phục ngay, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân nếu để chậm trễ thực hiện dự án đầu tư công. Hy vọng rằng, với các động thái này, từ tháng 6, Hải Phòng sẽ thực sự tăng tốc, bứt phá trong giải ngân vốn đầu tư công, chuyển hóa thành các công trình, dự án, góp phần đắc lực vào sự tăng trưởng và phát triển của Hải Phòng./.
Hồng Thanh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh