15:38 08/10/2019 Thời gian qua, BHXH thành phố Hải Phòng đang tích cực giải quyết những vướng mắc phát sinh trong công tác quản lý và chi trả trợ cấp mất sức lao động.
Theo đó, tính đến ngày 30/11/2018, Bảo hiểm xã hội thành phố Hải Phòng quản lý và chi trả đối với 150.132 người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH). Trong đó số lượng người hưởng trợ cấp MSLĐ là 13.810 người.
Tháng 10/1995, khi nhận bàn giao từ ngành Lao động Thương binh và Xã hội, trên địa bàn thành phố có 93.324 người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH), trong đó thuộc diện mất sức lao động (MSLĐ) là 26.473 người.
Trao đổi với chúng tôi, Phó giám đốc BHXH Nguyễn Văn Thạnh cho biết: Vào thời điểm đó, công tác lập danh sách chi trả hoàn toàn thực hiện bằng biện pháp kê khai thủ công của từng cán bộ làm công tác thương binh xã hội tại các xã, phường (kế tục từ ngành Thương binh và Xã hội). Đến năm 1998, do yêu cầu quản lý người hưởng của ngành BHXH bằng công nghệ thông tin, nên cơ quan BHXH đã triển khai thực hiện kê khai lại toàn bộ hồ sơ của người hưởng để nhập vào phần mềm quản lý BHXH.NET qua “Phiếu trung gian”. Hàng tháng, cơ quan BHXH in danh sách chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH từ phần mềm quản lý, chuyển các đại diện để chi trả cho người hưởng. Người hưởng đã ký nhận được thụ hưởng đầy đủ.
“Theo quy định tại Điều 1 Quyết định số 60/HĐBT ngày 1/3/1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc sửa đổi chế độ trợ cấp đối với công nhân, viên chức nghỉ việc vì MSLĐ, người hưởng trợ cấp MSLĐ chỉ được hưởng ½ thời gian công tác quy đổi. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 4 và Khoản 6 Điều 2 Quyết định số 60/HĐBT thì: “những người bị MSLĐ từ 81% trở lên”, “những người có đủ 25 năm công tác quy đổi trở lên đang hưởng trợ cấp MSLĐ hàng tháng trước ngày ban hành Quyết định số 176/HĐBT ngày 09/10/1989 của Hội đồng Bộ trưởng” thì tiếp tục được hưởng trợ cấp MSLĐ” và trên “Phiếu trung gian” các trường hợp này được đưa vào mục số “04” và mục số “08” để khi nhập vào phần mềm BHXH.NET không bị dừng hưởng. Còn các trường hợp có đủ 25 năm công tác quy đổi nhưng về nghỉ hưởng trợ cấp MSLD sau ngày 9/10/1989 thì sẽ bị dừng hưởng khi hết hạn.
Ông Thạnh cho biết thêm: Do khi triển khai thực hiện “Phiếu trung gian”, người kê khai là cán bộ thương binh xã hội của các xã, phường và cán bộ làm chính sách của cơ quan BHXH quận, huyện (nay đã về nghỉ hưởng chế độ) đã kê khai một số người hưởng trợ cấp MSLĐ sau thời điểm tháng 10/1989, có thời gian công tác quy đổi từ 25 năm trở lên vào mục số “08” (là mục có thời gian công tác quy đổi đủ 25 năm nhưng hưởng trợ cấp MSLĐ trước ngày 09/10/1989), một số trường hợp đưa vào mục số “04” (là mục người bị MSLĐ từ 81% trở lên) nên khi thực hiện phần mềm quản lý người hưởng từ tháng 5/1999 đến nay (phần mềm quản lý BHXH.NET sau khi chuyển sang phần mềm TCS) đã không báo những trường hợp này dừng hưởng.
Để khắc phục những tồn tại, thời gian qua Bảo hiểm xã hội thành phố Hải Phòng đã nghiêm túc tiến hành rà soát 13.810 trường hợp hiện còn đang hưởng trợ cấp MSLĐ thì có 13 trường hợp thuộc diện hưởng trợ cấp MSLĐ sau tháng 10/1989, có thời gian công tác quy đổi trên 25 năm, đã được kê khai vào mục số “08”, 10 trường hợp kê vào mục số “04”.
Theo quy định, các trường hợp trên được hưởng ½ thời gian công tác quy đổi, và trong thời gian đang hưởng mà ốm đau, suy giảm 81% sức khỏe thì tiếp tục được hưởng trợ cấp MSLĐ. Tuy nhiên do trên phần mềm quản lý BHXH.NET thể hiện ở mục “từ 25 năm” và “MSLĐ 81%”, nên đến nay 23 trường hợp này vẫn đang hưởng trợ cấp MSLĐ và bản thân họ cũng không biết nên đã không đi giám định lại tình trạng sức khỏe. Hiện các trường hợp này tuổi đã cao, cuộc sống gia đình có mức thu nhập thấp và sự việc lập “Phiếu trung gian” đã diễn ra gần 20 năm, những người thực hiện công việc kê khai “Phiếu trung gian” đã không còn làm việc nữa, có người đã qua đời – ông Thạnh cho biết thêm.
Theo báo cáo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội về kết quả kiểm tra, rà soát hồ sơ hưởng trợ cấp MSLĐ do Bảo hiểm xã hội thành phố Hải Phòng cung cấp: Tất cả các trường hợp đều thuộc đối tượng được hưởng chế độ theo Quyết định số 613/QĐ-TTg ngày 06/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ về trợ cấp hàng tháng cho những người có đủ 15 năm đến dưới 20 năm công tác thực tế đã hết thời gian hưởng trợ cấp MSLĐ.
Để đảm bảo đời sống nhân dân và ổn định an ninh chính trị trên địa bàn thành phố, cũng như thực hiện tư tưởng của Bác Hồ về việc đảm bảo đời sống cho những người dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng cũng đã có Công văn số 2285 đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Hải Phòng thực hiện: Giải quyết việc dừng hưởng chế độ trợ cấp MSLĐ đối với 23 trường hợp nêu trên theo quy định của pháp luật; hướng dẫn các đối tượng nêu trên làm thủ tục để hưởng trợ cấp theo Quyết định số 613/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về trợ cấp hàng tháng cho những người có đủ 15 năm đến dưới 20 năm công tác thực tế đã hết thời gian hưởng MSLĐ.
Trao đổi với chúng tôi về hướng giải quyết, Quyền Giám đốc BHXH TP Nguyễn Thị Lộc cho biết: Trước những bất cập nảy sinh trong thực tiễn triển khai công tác, chúng tôi đã triển khai tới tất cả BHXH các quận huyện tiến hành kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng những trường hợp đang được hưởng chế độ MSLĐ trên địa bàn thành phố nhằm tránh xảy ra nhầm lẫn. Đồng thời cơ quan BHXH thành phố cũng đang tích cực triển khai chỉ đạo của BHXH Việt Nam và của UBND TP về việc giải quyết vướng mắc trong công tác quản lý và chi trả trợ cấp mất sức lao động đối với các trường hợp đó trên tinh thần nghiêm túc, đảm bảo đời sống người dân nhưng vẫn tuân thủ theo đúng các quy định của nhà nước”.
PV
11:40 11/01/2025
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh