Giám định gien và những chiến công thầm lặng

21:25 26/02/2009

Sau một thời gian chuẩn bị về lực lượng, phương tiện, ngày 27-2-2008,công tác giám định ADN (thường gọi giám định gen) của CATP Hải Phòng đãchính thức được triển khai. Qua một năm triển khai, đội ngũ trực tiếplàm công tác giám định ADN của đơn vị đã tiếp nhận và chạy điện di gần30 bản gen với tổng số gần 100 mẫu.

Giám định viên AND với công việc thường nhật - Ảnh NTT
Giám định viên AND với công việc thường nhật - Ảnh NTT

Vừa chân ướt chân ráo học xong lớp đào tạo giám định viên ADN do Viện KHHS-Bộ Công an mở tại Hà Nội về, thiếu tá đội trưởng đội pháp y-sinh vật PC21 Nguyễn Đình Rèn và đại úy Vũ Xuân Thắng bắt tay ngay vào thử sức mình: Phân tích ADN xác định dấu vết máu tại hiện trường vụ giết người, cướp tài sản xảy ra tại xã Hồng Thái, huyện An Dương vào hồi 19h30` ngày 17-12-2007, góp phần định hướng giúp cơ quan điều tra truy tìm hung thủ. Đây có thể coi là "tác phẩm đầu tay" của những người làm công tác giám định gen của CATP.

Song, thử thách thực sự đến với các anh chính là ngày đầu năm 2008. Tại bãi biển khu I Đồ Sơn, mọi người phát hiện có 4 xác chết là nữ giới, trong đó có 3 trẻ em từ 4-10 tuổi, 1 người lớn khoảng 25-30 tuổi. Tiến hành thu mẫu máu của 4 nạn nhân nói trên và phân tích ADN, PC21 đã xác định: 1 cháu nhỏ và người phụ nữ có quan hệ huyết thống mẹ - con. Kết quả này đã giúp cơ quan CSĐT - CAQ Đồ Sơn nhanh chóng xác định được tung tích các nạn nhân: Đó là chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn, sinh 1978, ở Đoàn Bái, Hiệp Hòa, Bắc Giang và con gái là Phạm Thị Thanh Tuyền, sinh 2004 cùng 2 cháu của anh trai và chị gái là Trần Thu Hà, sinh 1999 và Nguyễn Thị Phương Thanh, sinh 2003.

Bởi độ nhạy và tính chính xác cao, nên lượng dấu vết cần thiết để giám định ADN không cần nhiều. Thực tế quá trình giám định cho thấy nhiều vụ án hình sự, việc xác định chính xác thủ phạm được thông qua kết quả giám định gen chỉ từ những dấu vết rất nhỏ (vết, vi vết). Ưu thế giám định của ADN là vậy, nó rất phong phú về chủng loại dấu vết có nguồn gốc từ cơ thể con người (gọi là dấu vết sinh học: máu, lông, tóc, móng, tế bào niêm mạc, mô cơ, xương, chất bài tiết...).

Có một vụ án TNGT xảy ra hồi 21h45' ngày 9-10-2008 tại đường Lê Thánh Tông, thuộc địa phận phường Đông Hải 1, quận Hải An đã minh chứng điều đó. Xe ôtô BKS: 16L-2623 kéo rơ-moóc va chạm với xe môtô BKS: 16F5-6284 làm 2 người đi xe môtô là các anh Nguyễn Văn Cường và Lê Đức Thuận, cùng sinh 1973, ở phường Máy Chai, quận Ngô Quyền bị chết tại chỗ. Lái xe ôtô không nghĩ rằng xe mình có va chạm với môtô (!). Song qua tiến hành phân tích ADN, các giám định viên kết luận: Dấu vết thu được trên bánh sau rơ-moóc là mô tổ chức cơ thể (não) của người có cùng kiểu gen với kiểu gen của anh Lê Đức Thuận buộc lái xe phải khẩu phục, tâm phục.

 Hay như vụ án: Tên Trần Văn Vinh, sinh 1961, ở Đa Phúc, Dương Kinh đã có hành vi nhiều lần giao cấu đối với cháu Đ.T.T, sinh 1994 ở cùng xã dẫn đến cháu có thai. Ngày 25-12-2008, cháu T. đã sinh con gái. Khi việc làm đồi bại của Vinh bị phát hiện, hắn cứ chối bai bải. Để có cơ sở giải quyết vụ án, cùng với các biện pháp điều tra khác để chứng minh hành vi hiếp dâm trẻ em của Trần Văn Vinh, ngày 5-1-2009, cơ quan CSĐT-CATP đã ra quyết định trưng cầu giám định ADN xác định quan hệ huyết thống cha-con giữa Trần Văn Vinh và cháu bé sơ sinh (con của Đ.T.T). Kết quả giám định chính xác cháu bé sơ sinh là con của Trần Văn Vinh...

Kết quả đạt được ban đầu trong công tác giám định ADN của lực lượng KTHS-CATP thật đáng có ý nghĩa. Nó rất có ý nghĩa không chỉ ở lĩnh vực khoa học hình sự xác định chính xác tội phạm mà còn ở lĩnh vực đời sống xã hội bởi tính nhân văn sâu sắc.

Có một buổi, các giám định viên được tiếp xúc với gia đình ông Nguyễn Văn B., ở quận Kiến An gồm 4 người, nét mặt ai cũng căng thẳng với tâm trạng bức xúc khác nhau. Ông B. trong thời gian đi công tác tại một nước Đông Âu có về nghỉ phép thăm nhà. Sau kỳ nghỉ đó, vợ ông ở nhà sinh hạ được cậu con trai út đến nay đã hơn 20 tuổi.

Điều làm ông B. có nhiều điểm "lăn tăn" bởi cậu út to cao, đẹp trai khác hẳn ông và anh con lớn: hình vóc khiêm tốn, mặt mũi bình thường. Hong hóng dư luận đàm tiếu, ông B. nghi ngờ thời gian ông đi công tác ở nước ngoài, vợ ông đã có quan hệ không lành mạnh với người khác. Và, cậu út không phải là con ông!

Dằn vặt bản thân, gằn hắt vợ bao năm qua ông B. đã đẩy cả gia đình sống trong bầu không khí hết sức u ám. Nghe Công an Hải Phòng có lực lượng, phương tiện kỹ thuật hiện đại giám định gen, dù biết rất tốn kém (một lần giám định hết khoảng 5 triệu đồng), họ vẫn quyết định đến gặp các giám định viên để làm ra môn ra khoai.

Tiến hành giám định ADN đã xác định: cậu út chính là con ông B. Hôm nhận kết quả, 3 mẹ con ôm nhau khóc ngay tại Phòng PC21, còn ông B. cứ ngẩn ngơ... chưa tin lắm mặc các giám định viên đã khẳng định: ADN (Acid Deroxyribo Nucleic) là đơn vị cấu trúc phân tử của một cơ thể sống; nó có tính độc lập riêng biệt không lặp lại giữa cá thể này với cá thể khác (trừ trường hợp sinh đôi cùng trứng).

Cũng có chuyện cười ra nước mắt: Một chàng trai gia đình rất khá giả đã ngấp nghé tuổi 40 nhưng vẫn còn mải ăn chơi nhảy múa chưa tính đến chuyện lập gia thất. Gia đình sốt ruột giục giã, tức khí một hôm "chàng" đưa một người phụ nữ và một đứa bé về nhà tuyên bố xanh rờn: Đây là vợ con mình. Người nhà đã bí mật lấy mẫu của "chàng" và "đứa con" mang lên nhờ các giám định viên soi xét giúp. Kết quả: "chàng" và "đứa con" không có quan hệ huyết thống cha-con.

Với lực lượng cán bộ còn ít, khối lượng công việc nhiều, giám định viên gen mỗi lần bắt tay vào việc là một lần tiếp xúc với các hóa chất độc hại. Nhưng họ đã biết khắc phục mọi khó khăn, vươn lên làm chủ khoa học. Và, "được tham gia với các binh chủng khác đánh án, vạch mặt chỉ tên bọn tội phạm gây án còn lẩn khuất trong bóng tối, đồng thời góp phần đem lại sự công bằng cho nhân dân, đó chính là niềm say mê là động lực để các giám định viên lao vào công việc mà không nề hà, tính toán..." như lời thiếu tá Nguyễn Đình Rèn khẳng định.

XUÂN NGỌC


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông