17:32 03/12/2023 Nâng hạng sao sản phẩm OCOP giúp các sản phẩm mở rộng thị trường tiêu thụ, dễ dàng xây dựng thương hiệu và tăng giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, để nâng hạng sao, sản phẩm phải bảo đảm nhiều tiêu chí khắt khe nên số lượng trên địa bàn Hải Dương còn hạn chế.
Gia tăng giá trị
Bánh gai Nga Tới là sản phẩm OCOP đầu tiên của huyện Ninh Giang đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Sản phẩm có đầy đủ bao bì, nhãn hàng hóa. Năm 2022, cơ sở sản xuất này tiếp tục thành công khi nâng hạng sao cho sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao. Đây cũng được coi là sự công nhận của người tiêu dùng với sản phẩm mang hương vị đặc trưng của vùng quê này.
Để nâng hạng sao, chủ cơ sở đã đầu tư thêm máy móc chuyển dần sang tự động, nâng cấp bao bì, tem nhãn của sản phẩm. Không những vậy, toàn bộ nguyên liệu đầu vào như lá gai, lá chuối, gạo nếp, đậu xanh… đều phải sản xuất theo quy trình VietGAP.
Đặc biệt, nguyên liệu gạo nếp được lấy từ các vùng lúa đặc sản nếp cái hoa vàng chất lượng cao ở vùng núi của TP Chí Linh và thị xã Kinh Môn. Bà Nguyễn Thị Nga, chủ cơ sở sản xuất bánh gai Nga Tới cho biết: “Từ khi nâng hạng sao thành công, sản lượng tiêu thụ bánh gai của chúng tôi đã tăng gấp đôi so với trước. Không chỉ tiêu thụ ở các tỉnh, thành phố lân cận, sản phẩm còn tới tay người tiêu dùng ở các tỉnh phía Nam. Hiện mỗi ngày cơ sở tiêu thụ được trên 2.000 chiếc bánh”.
Cũng trong năm 2022, thanh long ruột đỏ Đại Uyên của Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh nông sản sạch Bạch Đằng cũng thành công trong việc nâng nông sản này từ 3 sao lên 4 sao. Đây cũng là một trong những sản phẩm OCOP đầu tiên của thị xã Kinh Môn được công nhận năm 2020. Nhờ khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nên diện tích thanh long ở đây không ngừng được mở rộng.
Xã Bạch Đằng hiện có hơn 60 ha trồng thanh long ruột đỏ. Trong đó có 11,5 ha trồng thanh long của Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh nông sản sạch Bạch Đằng ở thôn Đại Uyên đạt chứng nhận GlobalGAP và được cấp mã vùng trồng để xuất khẩu sang thị trường Australia, Mỹ và Trung Quốc. Sản xuất theo quy trình trồng nghiêm ngặt nên sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao cả về chất lượng và mẫu mã. Giá bán sản phẩm cao hơn so với quy trình sản xuất thông thường.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và nông thôn tỉnh Hải Dương, sau hơn 4 năm triển khai, Hải Dương có 138 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 94 sản phẩm đạt 4 sao, 2 sản phẩm đang đề nghị 5 sao. Bánh gai Nga Tới và thanh long ruột đỏ Đại Uyên là 2 sản phẩm đầu tiên của tỉnh đạt mục tiêu nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao. Điều này minh chứng về những quy định ngặt nghèo trong việc nâng hạng sao cho sản phẩm OCOP.
Theo đánh giá của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, đây là những sản phẩm đặc trưng, tiếp cận thị trường tốt và có tiềm năng nâng cấp lên hạng 5 sao. Đồng thời thể hiện đặc điểm văn hóa, truyền thống và giá trị kinh tế đặc thù của địa phương. Các sản phẩm sau khi được cấp sao OCOP đều có sự phát triển cả về quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, khẳng định được vị thế trên thị trường.
Phấn đấu ít nhất 50 sản phẩm/năm
Phân hạng sao cho sản phẩm OCOP biểu trưng cho chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm OCOP trên thị trường cũng như tiềm năng phát triển sản phẩm theo hướng hàng hóa. Thực tế cho thấy, nguyên nhân chính dẫn tới số lượng chủ thể nâng sao thành công còn rất ít chính là do sự khắt khe về chất lượng, tiêu chuẩn đánh giá.
Điển hình như sản phẩm gạo bãi rươi ở xã An Thanh (Tứ Kỳ) của Công ty CP Nông nghiệp Thế Hệ Mới là 1 trong 3 sản phẩm đề nghị nâng hạng sao trong năm nay. Năm 2022, vùng lúa rươi của xã An Thanh là vùng sản xuất đầu tiên trong tỉnh đạt chứng nhận hữu cơ.
Sản phẩm gạo bãi rươi cũng là sản phẩm duy nhất được sản xuất từ vùng nông nghiệp hữu cơ này. Mỗi năm, công ty chỉ cung cấp ra thị trường khoảng 60 tấn gạo. Vùng sản xuất đạt chứng nhận hữu cơ cũng là điều kiện quan trọng để sản phẩm này xin nâng hạng sao trong năm nay. Đây được đánh giá là sản phẩm đặc trưng, tiếp cận thị trường tốt nhưng chủ thể sản xuất lại đang loay hoay bởi quá nhiều chỉ tiêu phải thực hiện.
Trong quyết định công nhận sản phẩm OCOP có quy định rõ về thời gian hiệu lực trong vòng 3 năm nhưng không có quy định về thời hạn cần nâng sao cho các sản phẩm. Đại diện Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, nâng sao không bắt buộc với các chủ thể, nhưng nâng hạng sao sẽ giúp sản phẩm tiếp cận thị trường tốt hơn.
Để thực hiện nâng từ 3 sao lên 4 sao, chủ thể phải chứng minh được sự mở rộng về quy mô sản xuất, đổi mới quy trình, mở rộng thị trường tiêu thụ; các tiêu chí về chất lượng sản phẩm phải hoàn thiện theo thang điểm của sản phẩm 4 sao và có hồ sơ đăng ký trình hội đồng thẩm định, xét, công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, đầu tư máy móc, nhà xưởng, đổi mới công nghệ sản xuất... Đối với các sản phẩm OCOP từ 4 sao muốn nâng lên chất lượng 5 sao lại càng khó khăn do mức độ 5 sao là do Hội đồng Trung ương xét, công nhận.
Hải Dương đặt mục tiêu hằng năm phấn đấu ít nhất 50 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 1 sản phẩm đạt 5 sao; củng cố và nâng cấp khoảng 10% sản phẩm OCOP, ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn. Để đạt mục tiêu này, cần sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, địa phương, đơn vị trong việc tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ các chủ thể của các sản phẩm OCOP đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới quy trình, ứng dụng khoa học - kỹ thuật và tiếp cận những thị trường mới thông qua công nghệ 4.0... Hỗ trợ các sản phẩm tham gia nhiều hội chợ, triển lãm để gia tăng cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ.
Đây chính là trợ lực phù hợp để khuyến khích và kêu gọi sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo của các chủ thể, góp phần nâng tầm chất lượng sản phẩm OCOP.
THỦY NGUYÊN
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh
CATP Hải Phòng chủ động bảo đảm an toàn Lễ Giáng sinh năm 2024