17:31 01/08/2019 Theo dự báo của Trung tâm Khí thượng, Thủy văn TW, hồi 4h ngày 1-8, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 20,0 độ Vĩ Bắc; 110,8 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc đảo Hải Nam, cách đất liền các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 370km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 12.
Dự báo trong 24h tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km, khoảng chiều 1-8, bão sẽ đi vào khu vực phía Bắc của Vịnh Bắc Bộ và có khả năng mạnh thêm. Đến 4h ngày 2-8, vị trí tâm bão ở khoảng 21,2 độ Vĩ Bắc; 108,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc Vịnh Bắc Bộ, cách bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 120km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 12. Trong 24 đến 48h tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 5-10km, đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 4h ngày 3-8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 21,1 độ Vĩ Bắc; 106,7 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 10. Để chủ động phòng chống bão số 3, ngày 31-7, UBND TP đã ban hành Công điện khẩn chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ chủ động phòng chống bão; thành lập 8 đoàn công tác do Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND TP và Giám đốc Sở NN&PTNT, Chỉ huy Trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự, Chỉ huy Trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố làm trưởng đoàn, tiếm hành kiểm tra công tác phòng chống bão tại các địa phương.
Cùng với đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP đã phát ra thông báo đình chỉ (cấm biển) các hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa, vui chơi giải trí trên các khu vực biển đảo, ven sông, phòng chống bão số 3 từ 17h ngày 1-8.
Thực hiện chỉ đạo của thành phố, các ngành, địa phương, đơn vị đã nhanh chóng triển khai các phương án phòng chống bão số 3. Cụ thể, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố chỉ đạo các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 3, tổ chức rà soát, kiểm tra các phương án, kế hoạch; hiệp đồng với các đơn vị, sẵn sàng huy động 9.707 người, 152 phương tiện tham gia PCTT&TKCN khi có tình huống phát sinh.
Sở NN&PTNT có Công điện chỉ đạo các đơn vị trong ngành chủ động phòng chống bão, các Công ty TNHH MTV KTCT thủy lợi sẵn sàng phục vụ chống úng.
Sở Xây dựng, Công an thành phố chỉ đạo các đơn vị thuộc ngành triển khai các phương án ứng phó bão.
Trung tâm phối hợp TKCN hàng hải Khu vực I điều động tàu SAR 411, SAR 273 ứng trực tại vịnh Lan Hạ, Cát Bà; huy động Canô 02, 03, 06, ứng trực tại khu vực Bắc sông Cấm thực hiện nhiệm vụ.
Nhìn chung, các quận, huyện đều chủ động triển khai các phương án phòng chống bão; phương án huy động nhân lực, vật tư, phương tiện tham gia PCTT, TKCN đã sẵn sàng, theo phương châm “4 tại chỗ” để bảo vệ các trọng điểm xung yếu; tổ chức trực ban 24/24h. Cụ thể:
Huyện Cát Hải đã tiến hành thông báo, kêu gọi 1.122 phương tiên/2.383 lao động di chuyển vào nơi tránh trú; di dời 26/30 bè thu mua thủy sản và nhà nổi tại vị trí xung yếu khu vực Vịnh Cát Bà đến nơi an toàn. Kiểm tra rà soát các vị trí đê, kè, cống xung yếu. Đã thông báo, đang tổ chức di chuyển 174 khách du lịch (trong đó có 163 khách nước ngoài) vào đất liền.
Huyện Thủy Nguyên thành lập 3 đoàn kiểm tra công tác phòng chống bão tại một số vị trí trọng điểm; thông báo kêu gọi 677 phương tiện/3.141 lao động về nơi trú tránh an toàn (còn 23 phương tiện/85 lao động đang hoạt động, trong đó có 7 phương tiện/32 lao động hoạt động xa bờ).
Quận Đồ Sơn tổ chức kiểm đếm, thông báo đến các chủ phương tiện di chuyển vào nơi tránh trú. Kêu gọi 192 phương tiện/742 lao động, 24 chòi nuôi ngao/13 lao động về nơi neo đậu.
Quận Hải An từ ngày 30, 31-7, đã chỉ đạo tháo nước đệm đề phòng mưa lớn gây ngập úng; tổ chức thông báo, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động, về nơi tránh trú an toàn.
Huyện Vĩnh Bảo, chỉ đạo hạ thấp mực nước hệ thống sông Chanh Dương (+0,5); 4 trạm bơm tiêu úng sẵn sàng bơm tiêu úng khi có mưa lớn xảy ra.
Huyện An Dương thành lập Đoàn kiểm tra tại các xã, thị trấn, các cơ quan đơn vị trên địa bàn huyện triển khai phòng chống bão... Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, tính đến 11h ngày 1-8, toàn thành phố đã phối hợp kiểm đếm, thông báo cho: 2.817 phương tiện/10.656 lao động; 465 lồng bè/1.290 lao động; 350 chòi canh/288 lao động đang hoạt động và neo đậu tại các bến thuộc địa bàn Biên phòng biết vị trí, hướng di chuyển của bão. Trong đó, có 318 phương tiện/906 lao động đang hoạt động (xa bờ là 11 phương tiện/79 lao động).
Theo quan sát của Đồn Biên phòng Bạch Long Vĩ và trạm Ra đa Hải quân, không còn phương tiện hoạt động quanh đảo Bạch Long Vỹ.
• Chiều 1-8, các đoàn công tác của UBND TP đã tiến hành kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại các địa phương.
Kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại một số vị trí xung yếu (khu vực cống Máy Điện - quận Ngô Quyền, cống Thủy Giang - quận Dương Kinh), trên địa bàn 2 quận: Ngô Quyền, Dương Kinh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động của các địa phương. Phó Chủ tịch nhấn mạnh, dự báo cơn bão lần này đổ bổ trùng với thời điểm triều cường, các địa phương phải tập trung tuyên truyền thường xuyên về diễn biến, hướng di chuyển, thời gian bão đổ bộ, sức gió để người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra; hạ thấp mực nước đệm.
Tại các công trình cao tầng đang xây dựng, tiến hành hạ thấp độ cao của cần cẩu; tuyên truyền cho người dân ở những địa điểm xung yếu, nhất là khu nhà cao tầng xuống cấp, trên các tàu thuyền, lồng bè, các tuyến đê… phải thực hiện di dân vào các công trình kiên cố, như: trường học, UBND phường.
Từ 17h00 ngày 1-8, thực hiện lệnh cấm biển, đề nghị các địa phương tuyên truyền để các tàu thuyền neo đậu, tránh trú bão vào nơi an toàn. Khi thực hiện di dân, cần chuẩn bị sẵn sàng lương thực, thực phẩm, thuốc, đèn chiếu sáng... phục vụ nhu cầu tối thiểu của người dân. Các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm lịch ứng trực 24/24h. Chuẩn bị phương án sẵn sàng huy động nhân, vật lực, tham gia PCTT, TKCN khi sự cố xảy ra.
Lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ tăng cường tuần tra, kiểm soát đảm bảo ANTT, đặc biệt tại các khu vực di dân. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo diễn biến, tình hình phòng, chống bão và di dân về UBND TP, đặc biệt khi xảy ra tình huống đột xuất, bất ngờ.
KC
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh