21:28 15/10/2024 Sáng 15-10, Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng làm việc với lãnh đạo HĐND; UBND thành phố; Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và một số sở, ngành, lấy ý kiến tham gia nội dung kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15. Đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng chủ trì.
Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Tùng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Đỗ Mạnh Hiến, Phó bí thư Thường trực Thành ủy; Phạm Văn Lập, Chủ tịch HĐND thành phố; Đào Trọng Đức, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố; Thiếu tướng Vũ Thanh Chương, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Giám đốc Công an thành phố; Lã Thanh Tân, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng; các vị đại biểu Quốc hội; lãnh đạo Ủy ban MTTQ thành phố; các ban, ngành, đoàn thể; các cơ quan báo chí thành phố…
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15 dự kiến khai mạc ngày 21-10, bế mạc ngày 30-11, được chia làm 2 đợt và họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Kỳ họp xem xét, thông qua 16 dự án luật và một số nghị quyết, trong đó có nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng; cho ý kiến vào 12 dự án luật khác. Đồng thời, xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8, Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng tiếp tục có sự đổi mới sâu sắc, toàn diện, chú trọng tính thiết thực, hiệu quả đối với các nội dung của kỳ họp, nhất là tham gia vào các dự án luật; tiếp xúc cử tri; giám sát… Các ý kiến, kiến nghị của cử tri được Đoàn tổng hợp gửi tới Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, thành phố. Nhiều ý kiến đã được trả lời, làm rõ và đăng tải công khai để cử tri và nhân dân được biết.
Tại hội nghị, lãnh đạo Sở KHĐT thông tin một số kết quả nổi bật của thành phố Hải Phòng trong 9 tháng năm 2024. Lãnh đạo các ngành thành phố nêu rõ những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị gửi tới kỳ họp thứ 8 của Quốc hội và các cơ quan Trung ương, bao gồm các lĩnh vực thu ngân sách, đầu tư công, bảo hiểm xã hội, công thương, lao động, việc làm, đào tạo nghề; thi hành án…, đặc biệt là những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện các Luật Đất đai 2024; Luật Đầu tư công; Luật Nhà ở; Luật Điện lực…
Thành phố Hải Phòng đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15, trong đó bao gồm chính sách về thành lập Khu thương mại tự do tại thành phố Hải Phòng tại kỳ họp gần nhất của Quốc hội sau khi Chính phủ trình; xem xét, thông qua Nghị quyết về Tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng và Sắp xếp, thành lập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thành phố giai đoạn 2023-2025 tại kỳ họp thứ 8 để thành phố kịp thời triển khai thực hiện, chuẩn bị nhân sự phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031; chỉ đạo xây dựng và sớm ban hành Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế; chỉ đạo xem xét, chỉnh sửa, bổ sung để thống nhất quy định các hình thức bố trí tái định cư giữa Luật Đất đai năm 2024 và Luật Nhà ở năm 2023.
Hải Phòng đề nghị Chính phủ chỉ đạo tập trung các nguồn vốn để đầu tư cho một số cơ sở hạ tầng quan trọng của thành phố Hải Phòng và kết nối liên vùng như: các bến tiếp theo cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện; các dự án cải tạo nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng mới song song với tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội-Hải Phòng kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với các khu bến cảng Đình Vũ, Nam Đồ Sơn và Lạch Huyện; đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; các cảng khu vực Nam Đồ Sơn, Văn Úc; dự án Phát triển thành phố Hải Phòng thích ứng với biến đổi khí hậu (sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới); nâng cấp, cải tạo các tuyến đường thủy kết nối với các địa phương trong khu vực.
Đồng thời quan tâm, sớm thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng; chỉ đạo các Bộ, ngành nghiên cứu cơ chế chính sách thích ứng với thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu.
Hải Phòng cũng đề nghị các Bộ, ngành Trung ương quan tâm, phối hợp chặt chẽ, kịp thời trong việc đánh giá thiệt hại, triển khai các chính sách ưu đãi, đặc biệt hỗ trợ nhân dân và doanh nghiệp trong quá trình khắc phục hậu quả bão lũ đối với các địa phương bị ảnh hưởng thiệt hại nặng nề sau cơn bão số 3 (Yagi).
Đồng chí Phạm Văn Lập, Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị Quốc hội, Chính phủ tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các Luật Đất đai, Luật Nhà ở…, nhất là về thẩm quyền của HĐND; đề xuất một số vấn đề liên quan đến việc sửa đổi Luật Giám sát của Quốc hội và HĐND; đề nghị ngoài giám sát chuyên đề cần quan tâm hơn tới các cuộc giám sát thường xuyên để đáp ứng yêu cầu thực tế.
Đồng chí Đào Trọng Đức, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của cử tri về phát triển KTXH, QPAN, về công tác cán bộ; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực…
Đồng chí Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm gửi tới kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15. Đồng thời khẳng định đây là những nội dung, vấn đề rất quan trọng, xuất phát từ thực tế Hải Phòng, tác động tới mục tiêu phát triển không chỉ của thành phố mà cả vùng và cả nước. Đồng chí Bí thư Thành ủy yêu cầu tổng hợp chung các ý kiến gửi về Văn phòng Quốc hội. Đồng thời phân theo từng nhóm, từng vấn đề cụ thể để gửi các Bộ, ngành liên quan.
Đồng chí Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng và mỗi đại biểu Quốc hội Hải Phòng tiếp tục chuẩn bị chu đáo các nội dung của kỳ họp; mang tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của chính quyền, cử tri, nhân dân Hải Phòng tới diễn đàn Quốc hội, hoàn thành tốt nhiệm vụ người đại biểu nhân dân./.
Hồng Thanh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh