18:16 21/09/2023 Ngày 22-9, Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng tổ chức giao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Nhà máy sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao Ecovance của Tập đoàn SK (Hàn Quốc). Đây là tin vui đối với thành phố khi tiếp tục có thêm nhà đầu tư lớn, tầm cỡ đầu tư vào Hải Phòng, cũng khẳng định hiệu quả các biện pháp xúc tiến đầu tư của lãnh đạo thành phố.
Sức hút mạnh mẽ đối với các tập đoàn kinh tế lớn
Việc SK hiện diện tại Hải Phòng là một thành công lớn sau chuyến xúc tiến đầu tư của lãnh đạo thành phố do đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy dẫn đầu tại Hàn Quốc vào tháng 6- 2023. Theo đó, thành phố đã xúc tiến ký biên bản hợp tác và chỉ sau hơn 3 tháng, Tập đoàn SK đã chính thức có mặt tại Hải Phòng. Đáng chú ý, đây là dự án đầu tư trực tiếp đầu tiên của SK tại Việt Nam và Hải Phòng là địa chỉ đầu tiên SK lựa chọn.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, SK Group là một tập đoàn đa ngành lớn thứ 2 tại Hàn Quốc với các lĩnh vực hoạt động như công nghệ viễn thông, sản xuất chất bán dẫn, điều chế dược phẩm, sản xuất hóa chất, khai thác dầu khí, kinh doanh bất động sản, khách sạn và trung tâm thương mại,… SK Group có 95 công ty con, đặt tại nhiều quốc gia như Mỹ, Anh, Trung Quốc và các nước châu Á. SK Group đã và đang mở rộng đầu tư vào thị trường Việt Nam thông qua các thương vụ góp vốn, mua cổ phần. Các công ty con của SK Group đã đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD thông qua việc hợp tác với các doanh nghiệp nội địa như Vingroup, Masan Group, Imexpharm, PV Oil…
Tuy nhiên, dự án đầu tư trực tiếp đầu tiên chính là Nhà máy sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao Ecovance tại KCN DEEP C Đình Vũ mà Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng trao giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 22-9. Dự án hướng vào sản xuất các sản phẩm sinh học công nghệ cao, rất phù hợp với xu hướng hiện nay và ưu tiên kêu gọi đầu tư của thành phố Hải Phòng cũng như của Việt Nam. Do đó, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện chiến lược đổi mới xúc tiến, kêu gọi đầu tư của thành phố.
Cũng sau chuyến công tác tháng 6- 2023 tại Hàn Quốc của lãnh đạo thành phố Hải Phòng, Tập đoàn LG Innotek đã quyết định tăng vốn đầu tư thêm 1 tỷ USD vào Hải Phòng, nâng tổng vốn đầu tư của toàn dự án là 2,051 tỷ USD. LG Innotek chính thức đi vào hoạt động tại Hải Phòng năm 2017 với sản phẩm chính là modun camera. Hiện LG Innotek đã có 2 nhà máy, được coi là có công suất lớn nhất trong 5 nhà máy của LG Innotek trên toàn cầu. Với việc đầu tư thêm 1 tỷ USD, LG Innotek xây thêm 1 nhà máy thứ 3, dự kiến vận hành thử quý 4-2024 và chính thức hoạt động quý 1- 2025. Dự án sẽ tạo thêm 3000 việc làm mới, nộp ngân sách thành phố mỗi năm dự kiến khoảng 100 tỷ đồng.
Như thế, cùng với các tập đoàn kinh tế lớn đã hiện diện tại Hải Phòng như LG, Bridgestone, GE, Kyocera, Fuji Xerox, Regina Miracle, Pegatron …, giờ Hải Phòng đón thêm SK và tương lai sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư lớn nữa, thể hiện sức hấp dẫn mạnh mẽ của Hải Phòng trong thu hút nguồn vốn FDI, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển.
Hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu hút FDI năm 2023
Với dự án của SK và một số dự án được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong tháng 9- 2023, Hải Phòng hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu hút vốn FDI năm 2023.
Cụ thể, cùng với dự án của SK tại KCN DEEP C Đình Vũ, Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng còn trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho một số dự án tầm cỡ khác. Đó là điểu chỉnh tăng vốn 238 triệu USD cho dự án sản xuất máy và thiết bị văn phòng của nhà đầu tư Kyocera Document Solutions Inc. (Nhật Bản) tại Khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng, nâng tổng vốn đầu tư của toàn dự án lên 425 triệu USD.
Ngoài ra còn có các dự án: đầu tư phát triển nhà xưởng xây sẵn BW (61 triệu USD); dự án chế tạo phụ tùng ô tô của nhà đầu tư CCTY Bearing Company (Trung Quốc) 40 triệu USD; dự án sản xuất van và phụ kiện ống nước của nhà đầu tư Ningbo Huaping Intelligent Control Technology (Trung Quốc) 30 triệu USD; dự án lắp ráp pin Li-ion và Ni-MH của nhà đầu tư Highpower Technology (Singapore) 20 triệu USD; dự án sản xuất sàn SPC của nhà đầu tư Yibin Tianyi New Material Technology (Trung Quốc) 19,5 triệu USD; dự án mở rộng đầu tư xây dựng kho chứa, bồn chứa của nhà đầu tư Công ty TNHH Công nghiệp Soft (Nhật Bản) 15,2 triệu USD; dự án sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe ô tô của nhà đầu tư Daimay Investment (Hồng Kông) 15 triệu USD; dự án kho chứa, bồn bể của nhà đầu tư Công ty TNHH Top Solvent Việt Nam (Thái Lan) 12,8 triệu USD; dự án sản xuất thiết bị quang học của nhà đầu tư Goodwe Singapore 10 triệu USD...
Như vậy, chỉ trong tháng 9- 2023, Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án với tổng số vốn đăng ký lên tới hơn 1 tỷ USD. Với kết quả này, tính đến ngày 20-9-2023, các KCN, KKT đã thu hút đạt gần 3 tỷ USD vốn FDI, bằng 120% kế hoạch năm, xuất sắc về đích trước 4 tháng. Đây là thành công đặc biệt xuất sắc, thể hiện tư duy, tầm nhìn và đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo, các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, các chính sách và môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi của thành phố.
Đồng chí Lê Trung Kiên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng nhấn mạnh, sức hấp dẫn thu hút FDI của Hải Phòng là do có hệ thống các KCN, KKT hiện đại với Khu Kinh tế Đình Vũ- Cát Hải và 14 KCN đang hoạt động, trong đó có 9 KCN nằm trong Khu Kinh tế Đình Vũ- Cát Hải; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là hệ thống cảng biển nước sâu Lạch Huyện hiện đang thực hiện tới 8 bến và đang tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng các bến tiếp theo. Cùng với đó là Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi; là hệ thống đường cao tốc, đường bộ kết nối thuận tiện với cả vùng, miền bắc và cả nước; hệ thống giao thông thủy cũng khá thuận lợi…
Tuy nhiên, sức hút, sự hấp dẫn quan trọng nhất chính là những nỗ lực đổi mới tư duy, cải cách toàn diện, hành động quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, các cấp, các ngành, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư. Các đồng chí: Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố dành nhiều thời gian làm việc với các nhà đầu tư lớn và trực tiếp xúc tiến đầu tư cả tại chỗ và tại nước ngoài. Các chuyến công tác gần đây của lãnh đạo thành phố tại Hàn Quốc, Nhật Bản mang lại thành công vượt trội và ngay sau đó, đã có những dự án “tỷ” USD được triển khai. Sắp tới, sẽ có tiếp hàng loạt các dự án FDI lớn nữa vào thành phố.
Cũng theo đồng chí Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, trong hơn nửa đầu nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 16, Hải Phòng đã thu hút được hơn 10,2 tỷ USD vốn FDI. Trong đó, năm 2021 đạt 5,298 tỷ USD; năm 2022 đạt hơn 2,083 tỷ USD và năm 2023 tới thời điểm này đạt hơn 3 tỷ USD. Trong khi đó, tính từ năm 1993 đến nay, Hải Phòng mới thu hút được khoảng 24 tỷ USD. Như vậy có nghĩa là, chỉ trong hơn nửa đầu nhiệm kỳ 2020- 2025, số vốn FDI Hải Phòng thu hút được chiếm tỷ trọng khoảng gần 43% tổng số vốn FDI của 30 năm cộng lại. Đây là tin vui, cũng là thành tựu nổi bật của Hải Phòng, khẳng định sự sôi động và sức hấp dẫn trong phát triển kinh tế thành phố Cảng biển, góp phần đắc lực thực hiện các mục tiêu phát triển mà nghị quyết 45 của Bộ Chính trị; nghị quyết đại hội 16 của Đảng bộ thành phố đặt ra./.
Hồng Thanh
22:42 09/01/2025
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh