17:27 28/04/2016
Sáng 27-4, đã diễn ra hội nghị trực tuyến toàn quốc với Chính phủ về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Hải Phòng, tham dự có đồng chí Lê Văn Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, đồng chí Nguyễn Xuân Bình - Phó chủ tịch UBND thành phố cùng các sở, ngành liên quan. Theo báo cáo của Bộ Công thương, năm 2015, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, xử lý 6.557 vụ vi phạm, xử phạt hành chính gần 21 tỷ đồng. Trong đó, số vụ vi phạm liên quan đến thực phẩm “bẩn” là trên 1.200 vụ. Riêng quý I/2016, cả nước đã phát hiện, xử lý 4.076 vụ vi phạm. Nhiều vấn đề nổi cộm liên quan đến lạm dụng chất cấm, lạm dụng hóa chất, kháng sinh, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong chăn nuôi, chế biến, bảo quản thực phẩm chưa được xử lý triệt để. Còn tồn tại nhiều cơ sở sản xuất, nhất là các cơ sở giết mổ, sơ chế nội tạng, cơ sở chế biến mỡ động vật vi phạm vệ sinh ATTP trong các khâu sản xuất và bảo quản, sơ - chế biến... Một số địa phương chưa quan tâm quản lý ATTP, chậm phát hiện và không kịp thời xử lý các vụ việc vi phạm. Tại Hải Phòng, công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đã được những kết quả nhất định. Tuy nhiên tình trạng thực phẩm không bảo đảm an toàn vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Trong năm 2015, các đoàn thanh tra kiểm tra của BCĐ liên ngành ATPP thành phố đã tiến hành kiểm tra trên 11 nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm và kinh doanh dịch vụ ăn uống, phát hiện gần 2.400 cơ sở vi phạm. Toàn thành phố có 6 vụ ngộ độc thực phẩm với tổng số 581 người mắc, đặc biệt nghiêm trọng là vụ ngộ độc xảy ra tại Công ty Regina Mirade (thuộc Khu công nghiệp Vsip, huyện Thủy Nguyên) ngày 28-12-2015 khiến 435 người đi cấp cứu. Trong quý I/2016, phát hiện 50 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm và kinh doanh dịch vụ ăn uống vi phạm, 25 cơ sở có bếp ăn tập thể, cơ sở kinh doanh suất ăn sẵn không đạt yêu cầu trong các đợt kiểm tra ATTP. Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "An toàn thực phẩm không chỉ là vấn đề giống nòi dân tộc mà còn là uy tín quốc tế của đất nước. Nếu chúng ta không quy trách nhiệm người đứng đầu thì khó thành công. Vì vậy, việc mất an toàn thực phẩm xảy ra tại xã, huyện, tỉnh, thành phố nào thì lãnh đạo xã, huyện, tỉnh, thành phố đó phải chịu trách nhiệm, tiếp đó là lãnh đạo các ngành liên quan". Thủ tướng yêu cầu: Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải đảm nhiệm chức danh Trưởng ban chỉ đạo an toàn thực phẩm tại địa phương; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong việc kiểm tra, phát hiện, thông tin kịp thời với cơ quan chức năng để chống lại vấn nạn sử dụng chất cấm, lạm dụng hóa chất, kháng sinh, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong chăn nuôi, trồng trọt và nuôi trồng thủy sản. Thủ tướng gợi ý việc xã hội hóa nguồn kinh phí quản lý an toàn thực phẩm; đồng thời đồng ý để lại 100% kinh phí xử phạt vi phạm hành chính cho các địa phương phục vụ công tác quản lý an toàn thực phẩm. Yêu cầu các lực lượng chức năng: Quản lý thị trường, hải quan, công an phải vào cuộc cương quyết, điều tra, xử lý các vi phạm ở mức cao nhất để mang lại niềm tin cho nhân dân. |
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh