21:55 04/07/2024 Ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 569/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) đến năm 2030. Theo đó, phát triển KHCN&ĐMST được xác định là một trong các khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng-an ninh của đất nước. Từ tháng 7/2024 đến tháng 12/2025, Chuyên đề An ninh Hải Phòng phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng mở Chuyên trang “Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo” vào các ngày thứ Năm của tuần 1 và tuần 3 hằng tháng nhằm giới thiệu tới bạn đọc những nội dung, chính sách, hiệu quả phát triển KHCN&ĐMST của thành phố, các ngành, các tổ chức, cá nhân. Chuyên trang được thực hiện bởi sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý kinh tế, nhà khởi nghiệp… Để mở đầu cho chuyên trang này, Chuyên đề An ninh Hải Phòng xin trân trọng giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Trần Quang Tuấn - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng.
Nhiều nước trên thế giới hiện rất coi trọng phát triển KHCN&ĐMST quốc gia, coi đây là sự xác định các phương hướng chủ yếu, các con đường phát triển, các vấn đề ưu tiên và nỗ lực hướng đích của mình trong lĩnh vực.
Theo đó, Hàn Quốc với “Chính sách KH&CN Hàn Quốc” đã đề cập tới các phương pháp đánh giá các chương trình nghiên cứu và phát triển nhằm nâng cao hiệu quả cũng như tối đa hóa mức độ đóng góp của hoạt động này vào phát triển KT-XH. Việc đánh giá đó được thực hiện dưới 3 hình thức: Tự đánh giá, đánh giá tổng hợp và đánh giá chuyên sâu.
Trong khi đó, “Chính sách nghiên cứu và đổi mới sáng tạo của Pháp” lại đi sâu vào những chính sách mới như: Đào tạo nhân lực; nghiên cứu công; chuyển giao kết quả từ khu vực nghiên cứu công sang doanh nghiệp; thúc đẩy thành lập doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa… đã góp phần khắc phục phần nào những điểm yếu trong hệ thống nghiên cứu và đổi mới ở nước Pháp.
Đối với Singapore, Chính phủ hiện thành lập tổ chức KH-CN gọi là Hội đồng KH-CN Quốc gia (NSTB) (sau đó được cơ cấu lại thành A*STAR) từ năm 1991 nhằm thúc đẩy sự hội nhập của công nghiệp, nghiên cứu và phát triển KH-CN theo định hướng hợp tác giữa chính phủ - học viện - công nghiệp, nhất là phát triển nguồn nhân lực có kiến thức và kỹ năng cao đồng thời cam kết đầu tư chiều sâu tùy theo hoàn cảnh của thời điểm đối với một số lĩnh vực như: Y sinh học, khoa học nước,... có hiệu ứng lan tỏa và giá trị kinh tế.
Ở Trung Quốc, ngay từ cuối thập kỷ 1970, Chính phủ nước này đã theo đuổi chính sách phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, xây dựng năng lực công nghệ quốc gia và thúc đẩy sự hình thành nền kinh tế dựa trên sáng tạo. “Chính sách về KH-CN” được coi là then chốt đối với quá trình đưa Trung Quốc trở thành cường quốc công nghệ hàng đầu thế giới. Cụ thể, Trung Quốc đã tập trung vào các lĩnh vực KH-CN ưu tiên như: Bảo vệ tài nguyên và môi trường; phát triển nền nông nghiệp hiện đại; thúc đẩy thay đổi phương thức tăng trưởng kinh tế. Theo đó, Trung Quốc đã dành khoảng 2% GDP cho nghiên cứu, phát triển. Bên cạnh đó, một loạt hệ thống KHCN&ĐM tại đây đặc biệt được chú trọng như: Quản trị chính sách KHCN&ĐM; hạ tầng công nghệ thông tin và internet; chuyên môn hóa thông minh; toàn cầu hóa…
Tại Việt Nam chúng ta, Đảng và Nhà nước với sự quan tâm đặc biệt đã ban hành nhiều chủ trương, định hướng lớn cho phát triển và ứng dụng KH-CN&ĐMST được thể hiện rất rõ tại Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 của Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư…
Riêng với Hải Phòng, cả hệ thống chính trị đang nỗ lực, cố gắng thực hiện quyết liệt Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH, QP-AN vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045… Trong đó, KHCN & ĐMST được coi là động lực chính của tăng trưởng kinh tế; phát triển mạnh mẽ KH&CN để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh để phát triển KT-XH nhanh và bền vững.
Với sự đoàn kết, đồng lòng, chung tay vào cuộc, các cấp, ngành, đơn vị đã không ngừng nỗ lực đưa Hải Phòng có những bước bứt phá ngoạn mục trong phát triển KT-XH; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; cải thiện, nâng cao đời sống Nhân dân, giữ vững ANTT. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm của thành phố tăng 14,02%, gấp hai lần giai đoạn 2010 - 2015 và gấp 2,1 lần tốc độ tăng chung của cả nước. Đặc biệt, năm 2020, GRDP bình quân đầu người ước đạt 5.863 USD, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XV đề ra và gấp 1,95 lần bình quân chung cả nước. Tỷ trọng GRDP trong GDP cả nước từ 3,5% năm 2015 đã tăng lên 5,1% năm 2020. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 408 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa 5 năm đạt 120 nghìn tỷ đồng, gấp 2,65 lần giai đoạn 2010 - 2015. Trong 5 năm qua, môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, việc huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển đạt mức cao nhất từ trước tới nay, đạt 564 nghìn tỷ đồng. Cơ cấu vốn đầu tư chuyển mạnh theo hướng xã hội hóa. Trong đó, vốn khu vực ngoài nhà nước và FDI đạt 532.150 tỷ đồng, gấp 6,14 lần so với nhiệm kỳ trước. Vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 9,41 tỷ USD, gấp 1,23 lần nhiệm kỳ trước.
Đáng ghi nhận nữa, KHCN&ĐMST của thành phố 10 năm qua (2013-2023) luôn được sự quan tâm của cả Đảng bộ, chính quyền; các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trên toàn địa bàn và đã tạo được sự chuyển biến lớn trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, nhất là ở các cấp lãnh đạo từ thành phố đến các quận huyện, sở, ngành. Trong đó, Thành uỷ, HĐND, UBND thành phố đã ban hành 2 Nghị quyết, 1 Chiến lược về phát triển KHCN và 11 chương trình KH&CN với nhiều mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể. Cùng với đó là cả hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện, triển khai chính sách pháp luật của Nhà nước về KH&CN. Với sự quan tâm đó, ngành KH&CN Hải Phòng đã phấn đấu đạt nhiều thành tựu đáng biểu dương. Trong đó, hiệu quả hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN được nâng cao một bước, gắn chặt với sản xuất và đời sống, nổi bật là việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến được đẩy mạnh. Tỷ lệ giá trị sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp GRDP ngày càng tăng theo các năm. Theo đó: 2016-2020, tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào mức tăng trưởng GDP vượt chỉ tiêu đề ra 0,43%; số lượng sáng chế, giải pháp hữu ích tăng gấp 2,43 lần so với giai đoạn 2011-2015. Các tổ chức KH&CN được sắp xếp, củng cố và nâng cao năng lực. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật của các Viện, Trường, Trung tâm nghiên cứu, các phòng thí nghiệm, các đơn vị sự nghiệp được đầu tư. Đội ngũ cán bộ KH&CN liên tục có bước phát triển mới với hệ thống nhân lực có trình độ trên đại học làm việc trong các tổ chức KH&CN chiếm 57,73% (vượt chỉ tiêu đề ra là 40%).
Với xu hướng hội nhập quốc tế mạnh mẽ và liên kết khu vực ngày càng sâu rộng nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng, tình trạng biến đổi khí hậu, thách thức và thời cơ đang đặt ra đối với sự phát triển của thành phố. Để Hải Phòng thực sự trở thành Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, Trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo của vùng Duyên hải Bắc Bộ, Trung tâm quốc tế về đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển KHCN với các ngành nghề hàng hải, đại dương học, kinh tế biển vào năm 2030 theo Nghị quyết số 45/NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị, ngành KH&CN thành phố Hải Phòng cần nỗ lực, tập trung thực hiện một số giải pháp như sau:
1. Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và công nghệ vừa có chiều rộng, chiều sâu để khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ và các trung tâm nghiên cứu phát triển sản phẩm mới. Cung cấp hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, vốn đầu tư và đào tạo kỹ năng cho các nhà sáng lập và nhân viên.
2. Đầu tư vào giáo dục và đào tạo: Tăng cường hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với các doanh nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo và các lĩnh vực công nghệ tiên tiến khác.
3. Thúc đẩy nghiên cứu và phát triển công nghệ: Đầu tư vào các dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ, đặc biệt là các lĩnh vực có tiềm năng phát triển cao như IoT (Internet of Things), Blockchain, trí tuệ nhân tạo, green technology (công nghệ xanh) và các giải pháp công nghệ thông minh cho thành phố.
4. Tăng cường hợp tác quốc tế và đổi mới công nghệ: Xây dựng các mối quan hệ đối tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới, từ đó học hỏi và áp dụng các kinh nghiệm, công nghệ tiên tiến từ các quốc gia phát triển.
5. Khuyến khích ứng dụng công nghệ trong quản lý và dịch vụ công: Áp dụng các giải pháp công nghệ cải thiện hiệu quả quản lý thành phố, cung cấp dịch vụ công dân hiệu quả hơn và tăng cường sự tương tác giữa cộng đồng và chính quyền địa phương.
6. Xây dựng đồng sáng tạo và khởi nghiệp: Khuyến khích văn hoá sáng tạo, hỗ trợ các sự kiện, cuộc thi khởi nghiệp và các hoạt động sáng tạo để tạo ra môi trường thúc đẩy sự sáng tạo và khởi nghiệp.
7. Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững: Đẩy mạnh các giải pháp công nghệ xanh và công nghệ sạch để bảo vệ môi trường và bảo đảm phát triển bền vững của thành phố.
TS. Trần Quang Tuấn - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh