16:24 18/07/2014
Sáng 17-7, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng của bão số 2 từ Quảng Ninh đến Quảng Bình để đánh giá, dự kiến diễn biến bão, bàn giải pháp tăng cường công tác phối hợp, đối phó với bão. Tại điểm cầu Hải Phòng, Phó chủ tịch UBND thành phố Đỗ Trung Thoại cùng các thành viên trong Ban Chỉ huy PCLB-TKCN thành phố dự hội nghị. Tính đến thời điểm này, tất cả các bộ, ngành, địa phương, đơn vị trên phạm vi cả nước, nhất là các địa phương xác định nguy hiểm như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Thánh Hoá... đều chủ động xây dựng phương án, sẵn sàng vật tư, nhân lực chủ động ứng phó với bão số 2. Tại Hải Phòng, phương án sơ tán nhân dân tại chỗ, di dời đến nơi khác tại các khu vực xung yếu đã được các địa phương xây dựng. Toàn thành phố sẽ sơ tán, di dời 86.500 người; trong đó huyện Tiên Lãng 4.757 người, An Dương 4.254 người, Cát Hải 5.220 người, Hồng Bàng 6.019 người, Đồ Sơn 6.566 người, Dương Kinh 24.000 người... Trước 16h ngày 18-7, công tác di chuyển tàu thuyền, sơ tán lồng bè, tổ chức sơ tán người ở các khu vực xung yếu, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thuỷ sản về nơi trú tránh phải hoàn thành. Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Đây là một cơn bão lớn, đầu mùa, diễn biến hết sức phức tạp, có xu hướng mạnh lên, gây mưa lớn, gió to rất nguy hiểm. Phó thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục theo dõi chặt mọi diễn biến của bão, nhất là các địa phương xác định là vùng nguy hiểm từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, phát huy cao độ hệ thống thông tin, phát thanh thôn xóm, truyền tải cụ thể đến từng người dân, từng hộ gia đình chống bão. Bộ Công an đảm bảo chỉ đạo các địa phương theo dõi, ban hành lệnh cấm các phương tiện vận tải khi cần thiết; Bộ Thông tin-Truyền thông phải có giải pháp đảm bảo thông suốt thông tin liên lạc. Đối với 35 tàu đang hoạt động ở giữa Biển Đông và phía bắc Hoàng Sa, phải tiếp tục kêu gọi, giữ liên lạc, sẵn sàng ứng cứu kịp thời khi có tình huống phát sinh... Chiều cùng ngày, Ban chỉ huy PCLB-TKCN thành phố đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo tại chỗ các địa phương có vị trí xung yếu chủ động phòng, chống bão. * Chiều cùng ngày, đồng chí Dương Anh Điền, Chủ tịch UBND thành phố làm trưởng đoàn công tác số 2, kiểm tra thực tế tại bến cá Mắt Rồng, xã Lập Lễ, Thuỷ Nguyên, cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Tính đến 14h ngày 17-7, tất cả các phương tiện đánh bắt xa bờ của địa phương đều đã cập các bến an toàn. Trong đó, tại bến cá Mắt Rồng có 147 phương tiện, Đông Xuân 65 phương tiện, Cống Sơn 42 phương tiện... Các phương tiện còn lại đã cập các bến ngoài, gồm: Đồ Sơn 88 chiếc, Cát Bà 168 chiếc, Quảng Ninh 209 chiếc. Huyện Thủy Nguyên đã xây dựng phương án di dân tại các xã có dân ven đê. Theo đó, toàn huyện sẽ tiến hành sơ tán tại chỗ 300 hộ, với 1.290 nhân khẩu; huy động trên 1.000 đoàn viên thanh niên, 250 chiếc mai, xẻng, 5.000m2 vải bạt chắn sóng, hàng nghìn bao nilon, m3 đá hộc... để xung kích hộ đê, kịp thời ứng cứu khi có tình huống phát sinh... Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Điền đánh giá cao sự chủ động triển khai các phương án phòng, chống bão của địa phương và đề nghị cần tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các nhiệm vụ trọng tâm như trong công điện và kết luận của Chủ tịch về việc chuẩn bị phòng chống bão số 2. * Cũng trong chiều 17-7, Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam làm trường đoàn kiểm tra số 3, tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống bão số 2 tại các quận nội thành; cùng đi có lãnh đạo Sở Xây dựng, VHTT&DL, Y tế, GĐ&ĐT. * Thực hiện Công điện số 24/CĐ-BCĐ ngày 15-7-2014 của BCĐ PCLB&TKCN Bộ Công an, Công điện khẩn số 10/CĐ-CT ngày 16-7-2014 của Chủ tịch UBND TP Hải Phòng và nội dung cuộc họp chiều 16-7-2014 của UBND TP, để chủ động đối phó với bão, Giám đốc CATP đã yêu cầu công an các đơn vị, địa phương và Phòng PC68 CATP khẩn trương phối hợp với Bộ đội biên phòng rà soát, nắm danh sách số phương tiện, ngư dân đang hoạt động trên vùng biển nguy hiểm, kêu gọi về nơi tránh trú an toàn. Chỉ đạo lực lượng cảnh sát khu vực, Công an PTX về ANTT phối hợp chính quyền cơ sở rà soát các khu vực, địa bàn khu dân cư, nhà dân cũ xuống cấp, xung yếu, khu du lịch biển không đảm bảo an toàn để có phương án di dân khi có yêu cầu. Chủ động triển khai các phương án đảm bảo ANTT, TTATGT; bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia phòng chống bão, lũ, cứu hộ, cứu nạn; rà soát các phương án đảm bảo thông tin liên lạc; các loại vật tư, trang thiết bị, phương tiện phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn. Các đơn vị CATP đảm bảo 100% quân số thường ứng trực các ngày 18, 19-7 và thực hiện nghiêm chế độ trực ban 24/24h. * Sáng 17-7, UBND quận Đồ Sơn đã họp triển khai công tác phòng chống cơn bão số 2 trên địa bàn. Ngay sau khi nhận được Công điện khẩn số 01 và 02 của UBND thành phố về phòng chống cơn bão số 2, quận Đồ Sơn đã triển khai ngay cuộc họp chỉ đạo và chủ động triển khai công tác chuẩn bị phòng chống bão tại quận, các phường, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Quận đôn đốc 41 phương tiện của địa phương đang khai thác thủy sản ven bờ về bến neo đậu trước 15h ngày 17-7; chủ động phương án sơ tán dân địa phương, du khách trong khu du lịch; phòng chống ngập úng; tiêu thoát nước đệm, vùng trũng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Thông báo tới 361 chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết tình hình hình diễn biến, vị trí của cơn bão để phòng tránh. Đề phòng sạt lở đồi núi do mưa lớn. Kiểm tra và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, công trình đang thi công, các cơ sở sửa chữa và đóng mới tàu thuyền. Kiểm tra sản xuất nông nghiệp, nhất là 290ha diện tích lúa mùa đã cấy, các trang trại chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi trồng thủy sản. Đến 10h sáng 17-7, đã có 320 phương tiện về bến neo đậu tại bến an toàn, trong đó, 267 phương tiện của quận và 53 phương tiện của các địa phương bạn... * Để hạn chế những thiệt hại do bão số 2 gây ra, huyện Tiên Lãng yêu cầu các đơn vị liên lạc với các chủ phương tiện, tàu, thuyền và ngư dân đang hoạt động trên sông, trên biển để chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn người và phương tiện. Tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác trên các tuyến đê, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố về đê điều ngay từ đầu; kiểm tra các công trình phòng chống úng, lụt, tổ chức khai thông dòng chảy, chủ động hạ thấp mực nước đệm để tiêu úng kịp thời khi có mưa lớn. Có phương án đảm bảo an toàn cho các diện tích lúa mới cấy và chuẩn bị giống dự phòng; thông báo cho các hộ nuôi trồng thủy sản có biện pháp che chắn, tu bổ bờ bao để bảo vệ đàn thủy sản, thu hoạch ngay đối với đàn thủy sản đến kỳ thu hoạch. Nhóm PV |
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh